Sách Sống cùng nướccủa Trương Chí Hùng. |
Nước có vai trò quan trọng cho cơ thể chúng ta. Mỗi ngày chúng ta cần phải nạp vào một lượng nước vừa đủ để duy trì sự sống cho cơ thể. Đó là đối với đại thể, còn riêng với nhà văn Trương Chí Hùng - một người con của vùng đất Tây Nam Bộ, thì nước chính là quê hương, là kí ức êm đềm “… nước hòa vào lời ăn tiếng nói, nhập vào nếp nghĩ, nếp làm.
Nước tặng cho con người đời sống no đủ với bao sản vật. Khi mất đi, con người và sông nước cũng không thể tách rời…” và đó cũng là chất liệu để nhà văn Chí Hùng khám phá và làm nên tác phẩm Sống cùng nước - lời thổ lộ, bộc bạch, tâm tình về một phần không gian văn hóa và con người miền Tây hiền hòa, hào sảng.
Giở từng trang sách Sống cùng nước,nhà văn Trương Chí Hùng đưa độc giả đến với hành trình khám phá đời sống “nước” và những phát hiện thú vị về văn hóa và con người Đồng bằng sông Cửu Long. Những câu hỏi, những cụm từ mà từ lâu hiện hữu trong đời sống hàng ngày thân quen như hơi thở “nước ăn”, “quá giang”, “anh em cột chèo”, “dỡ chà”… sẽ được nhà văn giải mã để “mong muốn lưu giữ nét đẹp trong ngôn ngữ, văn hóa sông nước mà cha ông chắt chiu bao đời nay…”.
Với 29 câu chuyện lớn nhỏ, được tác giả thể hiện, bạn đọc sẽ được đi về một không gian sông nước hiền hòa, ấm cúng nhưng cũng đầy hung dữ, khắc nghiệt. Bạn đọc sẽ biết được nguồn gốc “Cá không thờ sao gọi cá linh?”, hiểu được những cách thức mà các bà, các mẹ nấu nước mắm cá linh. Rồi đến lối sống nghĩa tình, tương trợ lẫn nhau của bà con miền Tây qua việc “vần công” dỡ chà, lấy đất tà lệch…
Còn cả thú vui khi đánh bắt được các loại cá ngon, săn cua đồng và cả cơ cực của người dân quê sống chật vật trong những gian nhà sàn mùa nước nổi... Bên cạnh đó, cũng có những trăn trở về một hệ sinh thái miền Tây đang dần dà cạn kiệt, khi mà “nước nổi không còn về Đồng bằng sông Cửu Long thường xuyên, nên cá linh và hàng loạt sản vật sông nước khác cũng bặt tăm” điều này cũng làm cho kí ức về mùa nước nổi dần phai mờ trong tâm thức người dân miền Tây.
Đọc Sống cùng nướcbạn sẽ cảm thấy người dân miền Tây trân trọng từng con nước đến nhường nào. Dẫu biết mỗi đợt lũ về là có biết bao cái chết thương tâm xảy ra, bao kiểu táng người mất nghe qua cũng rùng mình ớn lạnh nhưng nước về lại là những chuyến mưu sinh của bà con miền Tây, là cả sự sống cho một gia đình, là vun bồi phù sa cho đất mẹ miền châu thổ…
Khi con nước không về, mưu sinh bấp bênh, dân làm nghề hạ bạc ở miền Tây đành phải bán cả xuồng ghe và câu lưới để đi làm mướn, làm công nhân trên các thành phố lớn… Kí ức về mùa nước nổi phai mờ, ngôn ngữ sông nước, văn hóa sông nước cũng dần vắng đi nhiều trong cuộc sống của bà con miền Tây Nam Bộ.
Từng trang sách mà tác giả Trương Chí Hùng đem đến khiến cho ta bồi hồi về một miền Tây vừa quen, vừa lạ, đan xen chút bùi ngùi, tiếc nuối về một không gian sông nước hiền hòa. Điều này càng làm cho thế hệ trẻ hôm nay trân trọng và nâng niu hơn những gì còn sót lại trên vùng đất miền Tây nhân hậu, nghĩa tình.
Bài viết của độc giả Trương Hoàng Hân, sinh viên Khoa Sư phạm, Đại học An Giang.