Thị trường chứng khoán khép lại phiên giao dịch cuối cùng của tháng 8 với diễn biến tích cực. VN-Index tăng 10,89 điểm, đóng cửa ở vùng giá cao nhất phiên là 1.224,05 điểm, thanh khoản HoSE đạt 945 triệu cổ phiếu tương ứng 21.354 tỷ đồng.
HAG của Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) tăng mạnh 3,1% lên 9.180 đồng/cổ phiếu với thanh khoản đột biến, đạt 35,86 triệu đơn vị.
Cổ phiếu công ty bầu Đức vẫn diễn biến tích cực sau khi công bố báo cáo tài chính (BCTC) bán niên soát xét với các chỉ số kết quả kinh doanh thấp hơn so với báo cáo tự lập.
Cụ thể, sau soát xét, HAGL đạt 3.144,9 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm nhẹ 0,1% so với báo cáo tự lập; lợi nhuận sau thuế giảm 5% so với tự lập, đạt 385,2 tỷ đồng sau nửa đầu năm. Đáng chú ý, trong báo cáo tài chính soát xét bán niên là chi phí quản lý doanh nghiệp của công ty tăng 14% so với báo cáo tự lập, ở mức 83 tỷ đồng.
Tại bản báo cáo này, đơn vị kiểm toán nhấn mạnh đến khoản lỗ lũy kế của tập đoàn là 2.959 tỷ đồng và nợ ngắn hạn đã vượt quá tài sản ngắn hạn với số tiền hơn 2.004 tỷ đồng (tại thời điểm 30/6). Các điều kiện này cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của HAGL.
Về phía HAGL, công ty cho biết, tại ngày lập BCTC hợp nhất bán niên 2023 soát xét, công ty đã lập kế hoạch cho 12 tháng tiếp theo bao gồm dòng tiền dự kiến được tạo ra từ việc thanh lý một phần các khoản đầu tư tài chính, thu hồi nợ từ các đối tác, dòng tiền từ việc phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho các cổ đông, tiền đi vay các ngân hàng thương mại và dòng tiền tạo ra từ các dự án đang triển khai.
Công ty cũng đang trong quá trình làm việc với các bên cho vay về việc điều chỉnh các điều khoản đã bị vi phạm của các hợp đồng vay và trái phiếu có liên quan; đồng thời đang trong quá trình đàm phán tái cơ cấu một số khoản nợ quá hạn.
HAGL cho biết, hoạt động kinh doanh từ heo và chuối tiếp tục tạo ra nguồn tiền lớn trong năm 2023. Phía "bầu Đức" khẳng định có thể hoàn trả các khoản nợ khi đến hạn và tiếp tục hoạt động trong kỳ kế toán tiếp theo.
Trước đó, trong phiên sáng, chỉ số đại diện sàn HoSE tăng 9,18 điểm tương ứng 0,76% lên 1.222,34 điểm. Trong khi đó, HNX-Index tăng 1,25 điểm tương ứng 0,51% và UPCoM-Index tăng 0,28 điểm tương ứng 0,3%.
Thanh khoản đạt 453 triệu cổ phiếu tương ứng 10.181 tỷ đồng trên HoSE và 49 triệu cổ phiếu tương ứng 1.026 tỷ đồng trên HNX.
Phần lớn cổ phiếu trên thị trường tăng giá sáng nay. Có tổng cộng 585 mã tăng, 17 mã tăng trần trên 3 sàn so với 246 mã giảm, 10 mã giảm sàn.
Trên thị trường chứng khoán sáng nay, ngành thực phẩm và đồ uống cũng ghi nhận diễn biến tăng mạnh tại DBC, HNG, CMX, MSN, BAF.
Tới điểm hiện tại, các 3 mã họ Vin là VIC, VHM và VRE đều tăng giá và nằm trong top ảnh hưởng tích cực lên VN-Index. Nhìn chung, sự tăng giá trở lại của nhóm Vingroup có ý nghĩa quan trọng với diễn biến chỉ số VN-Index.
Cổ phiếu bất động sản nhỏ vẫn có nhiều mã tăng mạnh như LEC tăng 6,6%; QCG tăng 6%; VPH tăng 3,7%; ITA tăng 3,1%; KDH tăng 2,6%; CRE tăng 2,3%; SZC tăng 2,3%...
Cổ phiếu ngành hàng cá nhân và gia dụng có sức bật mạnh mẽ nhất phiên sáng và thu hút sự chú ý của nhà đầu tư. Có tới 3 mã trong nhóm ngành này tăng trần trên HoSE là GIL, MSH và STK. Ngoài ra, ADS cũng tăng 4,3%; TCM tăng 3,8%; AAT, SVD, DQC… tăng giá.
Cổ phiếu ngân hàng phần lớn tăng giá nhưng mức tăng không thật sự ấn tượng, chủ yếu dưới biên độ 1%. VIB, BID, LPB, TCB, MSB, CTG đang là những mã có mức tăng đáng kể nhất.
(责任编辑:Cúp C1)