Bình luận trên được phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc đưa ra một ngày sau khi Tổng thống Trump cáo buộc Bắc Kinh không đàm phán một cách thiện chí. Thương lượng giữa phái đoàn Mỹ gồm Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin với phía Trung Quốc do Phó thủ tướng Lưu Hạc dẫn đầu đã kết thúc sau nửa ngày gặp gỡ tại Thượng Hải hôm 31/7. Đây là lần đàm phán trực tiếp đầu tiên giữa hai bên kể từ khi Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình nhất trí ngừng thương chiến tại hội nghị G20 ở Osaka hồi tháng 6. Trước đó, trong tháng 5, hai bên cũng đã ngồi lại với nhau không đi đến thỏa thuận nào. Theo Financial Times, hai bên sẽ đàm phán tiếp ở Mỹ vào tháng 9. Hãng tin Tân Hoa mô tả cuộc gặp ở Thượng Hải là "thẳng thắn, hiệu quả và có tính xây dựng". Hai bên đã bàn về chủ đề Trung Quốc tăng cường nhập các mặt hàng nông sản Mỹ theo nhu cầu trong nước và khi Washington tạo các điều kiện tốt cho việc này. Sáng ngày 31/7 ở Mỹ, Nhà Trắng thông báo các nhà đàm phán đã "thảo luận nhiều chủ đề như ép buộc chuyển giao công nghệ, quyền sở hữu trí tuệ, dịch vụ, các hàng rào phi thuế quan và nông nghiệp". Nhà Trắng cho biết thêm, Trung Quốc đã "xác nhận cam kết" mua các sản phẩm nông nghiệp Mỹ. "Cuộc gặp mang tính xây dựng, và chúng tôi kỳ vọng đàm phán về một thỏa thuận thương mại có thể thực thi được sẽ tiếp tục ở Washington DC, vào đầu tháng 9", Nhà Trắng nhấn mạnh thêm. Nhưng bất kể những ngôn từ lạc quan như trên dành cho những gì vừa diễn ra ở Thượng Hải, sự kỳ vọng về một bước đột phá trong đàm phán Mỹ - Trung đã giảm mạnh vì hai bên dành cho nhau một loạt tố cáo và công kích từ trước đó. Trước khi ngồi vào bàn đàm phán, Tổng thống Trump nói rằng "không có dấu hiệu" cho thấy Trung Quốc sẽ thực hiện các cam kết mua nông sản Mỹ. Ông đồng thời ám chỉ Bắc Kinh không đàm phán một cách thiện chí. Trò chuyện với các phóng viên ngày 31/7, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hua Chunying nói rằng những lời của ông Trump khiến bà "cười thầm", và Mỹ nên hành động nhiều hơn để thể hiện sự "chân thành" và "chính trực". "Lúc này, việc Mỹ tỏ ý định dùng áp lực tối đa chỉ là vô nghĩa, giống như yêu cầu người khác uống thuốc để chữa bệnh của mình vậy", nữ phát ngôn viên Hua Chunying ví von. Trong tháng 5 vừa qua, số đơn hàng mua nông sản Mỹ của các công ty Trung Quốc đã giảm mạnh sau khi đàm phán thương mại song phương sụp đổ. Tuy nhiên, hy vọng về sự đột phá tăng lên trong tháng 7 khi Mỹ dỡ bỏ các mức thuế bổ sung đánh vào 110 mặt hàng công nghiệp do Trung Quốc sản xuất. Tân Hoa xã cho biết, các công ty Trung Quốc đã mua trở lại đậu tương, bông, thịt lợn... của Mỹ, và họ sẽ tiếp tục đặt hàng dựa vào giá cả. Tuy nhiên, bất hòa giữa hai bên dường như lại bùng nổ. Tờ Nhân dân Nhật báo ngày 31/7 cảnh báo, Mỹ không nên "gây rắc rối" nếu muốn đàm phán thành công. Báo này cho rằng, "một số người" ở Mỹ cứ nhất quyết gây náo động chỉ để giành lợi thế trong đàm phán. "Họ dường như mắc chứng 'lơ đễnh' và quên mất cam kết của mình về 'các cuộc đàm phán thương mại công bằng và trọng lẫn nhau' nhưng lại tìm cách lợi dụng lo ngại để bòn rút nhượng bộ", Nhân dân Nhật báo viết. "Tôi nghĩ các chủ doanh nghiệp và ngân hàng Trung Quốc không nên hy vọng quá nhiều như vậy vào đàm phán thương mại, chúng tôi đã thôi đếm xem có bao nhiêu lần gặp gỡ đàm phán rồi", tạp chí Financial Times dẫn lời Kerstin Braun, Giám đốc điều hành hãng Stenn International (ở Anh), nhà cung cấp tài chính thương mại cho các hãng xuất khẩu hàng hóa tiêu dùng Trung Quốc. Thanh HảoTrung Quốc phản pháo Trump,ốcphảnphábong đá tv hy vọng đàm phán đột phá càng mịt mờ