738 lượt biển số trúng đấu giá bị bỏ cọc với số tiền 862 tỷ đồngThế Kha(Dân trí) - Bộ Công an cho biết một số người đấu giá biển số ô tô nhằm mục đích mua đi, bán lại, khi bán không được thì bỏ cọc - nhất là với biển đẹp. 738 lượt biển số trúng đấu giá đã bị bỏ cọc.Theo báo cáo của Bộ Công an gửi tới Bộ Tư pháp, tính đến hết ngày 20/9, Bộ này đang tổ chức phiên đấu giá thứ 4 (đã đấu giá qua 219 ngày), trên 1,3 triệu biển số ô tô đã được đưa ra đấu giá và đã đấu giá thành công trên 37.500 biển. Tổng giá trị tài sản đấu giá thành trên 3.506 tỷ đồng; tổng số tiền người trúng đấu giá đã nộp vào tài khoản chuyên thu của Cục CSGT (C08) - Bộ Công an để nộp ngân sách nhà nước 3.200 tỷ đồng. "Kết quả trên cho thấy tài sản công đã được khai thác có hiệu quả, góp phần tăng thu cho ngân sách nhà nước, công khai, minh bạch trong việc quản lý phương tiện và đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của một bộ phận người dân", Bộ Công an nhận định. Tuy nhiên, theo Bộ Công an, quá trình đấu giá biển số ô tô còn nhiều vướng mắc. Trong đó có quy định về trường hợp chỉ có một người đăng ký tham gia đấu giá, một người tham gia đấu giá, một người trả giá. "Thực tiễn, có một số trường hợp chỉ có một người đăng ký tham gia đấu giá, nhưng người đó không chấp nhận kết quả trúng đấu giá theo quy định vì cho rằng pháp luật chỉ quy định "được chuyển nhượng cho người đó" được hiểu là khách hàng được nhận chuyển nhượng, không bắt buộc phải nhận", Bộ Công an nêu bất cập. Đặc biệt, xuất hiện tình trạng người đăng ký tham gia đấu giá biển số ô tô nhằm mục đích mua đi, bán lại; bán không được thì bỏ cọc, nhất là đối với những biển số đẹp, dễ nhớ. Từ đó dẫn tới việc phải tổ chức đấu giá lại, gây mất nhiều chi phí, công sức của tổ chức đấu giá và cơ quan quản lý nhà nước; đồng thời làm mất đi cơ hội của những người có nhu cầu chính đáng muốn sở hữu những biển số đó, gây nhiễu loạn các cuộc đấu giá. Bộ Công an thống kê, đến nay đã có 738 lượt biển số bị bỏ cọc với số tiền 862 tỷ đồng. Ngoài ra, theo Bộ Công an, quy định nộp tiền trúng đấu giá trong 15 ngày kể từ ngày có thông báo kết quả đấu giá như hiện nay là quá ngắn, chưa tạo điều kiện tốt nhất cho người trúng đấu giá - đặc biệt với những người ở vùng có điều kiện hạ tầng viễn thông chưa cao, sóng di động 3G, 4G còn kém hoặc những người trúng với giá cao. Qua thực tế triển khai đấu giá trực tuyến toàn trình lần đầu tiên đối với biển số ô tô như hiện nay, Bộ Công an cho rằng tổ chức hành nghề đấu giá tài sản rất khó để xác định mức chi phí thực tế cho một biển số và các chi phí khác về đầu tư, bảo trì hệ thống đấu giá trực tuyến khi mỗi biển số lại có số lượng khách hàng đăng ký tham gia khác nhau, các chi phí thông báo bằng tin nhắn (SMS), thư điện tử (Email), hỗ trợ qua tổng đài cho khách hàng… Để tiếp tục thực hiện đấu giá biển số có hiệu quả hơn trong thời gian tới, khắc phục được các khoảng trống trong thực tiễn, Bộ Công an đề xuất Chính phủ ban hành Nghị định quy định về đấu giá biển số xe thay thế Nghị định số 39/2023. Đấu giá lại những biển số đẹp bị bỏ cọc Báo cáo của Bộ Công an cho biết đối với các biển số trúng đấu giá nhưng người trúng đấu giá không xác nhận biên bản đấu giá hoặc không nộp tiền (bỏ cọc), Bộ đã tổ chức đấu giá lại thành công 345 biển số với số tiền trên 146,7 tỷ đồng. Nhiều biển số đấu giá lại trúng với giá cao, khách hàng đã nộp đủ tiền như: Biển số 51K-888.88 có số tiền trúng hơn 15 tỷ đồng; 30K-555.55 có số tiền trúng gần 14,5 tỷ đồng... |