Nằm ở phía đông TP Quảng Ngãi,ýdongườidânQuảngNgãiquaylưngvớibệnhviệntuyếntỉty lê keo 88 Nghĩa Hà là xã có đại đa số người dân sống bằng nông nghiệp, thu nhập bấp bênh. Ngày 14/2 vừa qua, cả xã như chết lặng bởi có đến 5 người thương vong ở huyện Núi Thành (tỉnh Quảng Nam) khi trên đường đi khám, chữa bệnh ở TP Đà Nẵng.
Chuyến xe còn có 15 hành khách khác thuộc các địa phương lân cận như xã Nghĩa Phú, xã Nghĩa An (TP Quảng Ngãi); xã Nghĩa Hòa (huyện Tư Nghĩa). Phần lớn họ đều thuộc hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn. Tài xế xe khách xe gặp nạn cũng tử vong.
Theo ông Phạm Tuấn Anh (75 tuổi), cha ruột tài xế, con trai ông làm dịch vụ vận chuyển khách đi khám, chữa bệnh ngoại tỉnh được 8 năm. Thông thường, chuyến xe xuất phát khoảng 2h sáng hàng ngày. Sau khi đón khách xong, anh sẽ chạy thẳng ra TP Đà Nẵng và đến các bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh theo yêu cầu của từng người. Đến khoảng 13h lại đón, chở khách từ TP Đà Nẵng về Quảng Ngãi. Từ thứ hai cho đến thứ sáu hàng tuần, ngày nào cũng có chuyến xe chở người dân từ Quảng Ngãi ra TP Đà Nẵng khám bệnh.
Không thiếu nơi khám ở Quảng Ngãi, người dân vẫn chọn nơi khác?
Việc người dân Quảng Ngãi chấp nhận vượt đường xa, tốn kém thêm chi phí, thời gian, thậm chí đối diện nhiều nguy cơ tiềm ẩn để đi các tỉnh khác như Quảng Nam, Đà Nẵng, TP.HCM… để điều trị bệnh không phải hiếm.
Trong khi đó, Quảng Ngãi có 2 bệnh viện đa khoa và 6 bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh, 13 trung tâm y tế đa chức năng tuyến huyện cùng hàng trăm trạm y tế xã, phường…
Lý do nào khiến người dân lại không mặn mà với y tế của chính nơi mình sinh sống? Theo chia sẻ của một số bệnh nhân, họ lựa chọn đi nơi khác bởi thiếu niềm tin với y tế tỉnh.
Ông Nguyễn Luận (xã Nghĩa Hòa, huyện Tư Nghĩa) cho biết con trai ông bị chấn thương khi đá bóng, kết quả thăm khám vết thương ở Quảng Ngãi là giãn dây chằng. Sau 10 ngày điều trị, vết thương không thuyên giảm mà lại có biểu hiện teo cơ. Đến TP Đà Nẵng kiểm tra, bác sĩ kết luận bệnh nhân bị đứt dây chằng hoàn toàn và rách một phần sụn. Giữa tháng 2, bệnh nhân này đã được phẫu thuật tại Đà Nẵng.
Bà Hồ Thị Vy Huệ (TP Quảng Ngãi) chia sẻ: “Tôi bị viêm gan C nhưng đi kiểm tra, khám bệnh ở Quảng Ngãi thì lại bảo sốt xuất huyết. Sau thấy mệt quá, mất sức nên chạy ra Huế kiểm tra, may mà đi còn kịp”
Hay như trường hợp của mẹ chị Võ Thị Thu Thủy (TP quảng Ngãi). Mẹ chị Thủy bị đau bụng, vào bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi thăm khám, được siêu âm và chẩn đoán viêm ruột thừa, phải nhập viện để chuẩn bị mổ.
“Đau ruột thừa mà thấy mẹ tôi lúc đau lúc không nên nghi ngờ, gia đình chuyển ra Đà Nẵng luôn, kết quả là rối loạn men tiêu hóa đường ruột. May không đi là bị mổ oan rồi”, chị Thủy kể.
Nhiều trường hợp khác lại cho rằng thái độ kém thân thiện của nhân viên y tế Quảng Ngãi khiến họ không mặn mà và chấp nhận tốn kém đi ngoại tỉnh để đỡ “rước bực” vào thân.
Chưa có chính sách giữ chân nhân lực y tế chất lượng
Về vấn đề này, lãnh đạo Sở Y tế Quảng Ngãi cho rằng có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, bao gồm thái độ phục vụ của nhân viên y tế chưa làm hài lòng người dân.
Thêm vào đó, tâm lý người bệnh luôn coi trọng uy tín, chuyên môn, kỹ thuật của bệnh viện tuyến trên; nhiều người có điều kiện muốn được khám, chữa bệnh chất lượng cao nên ra lựa chọn đi TP Đà Nẵng.
Việc Bộ Y tế cho phép thông tuyến tỉnh cũng tạo điều kiện để người dân chọn nơi khám, chữa bệnh. Do đó, nhiều người dân đã chọn cơ sở y tế ngoài tỉnh.
Theo báo cáo của Giám đốc Sở Y tế Quảng Ngãi Nguyễn Minh Đức ngày 4/4, chưa có số liệu cụ thể về người dân Quảng Ngãi khám và điều trị tại các bệnh viện ở Đà Nẵng, Quảng Nam. Tuy nhiên, tình trạng người dân tìm đến những cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến cuối, cơ sở khám, chữa bệnh có chất lượng cao hơn là tình trạng chung của cả nước, không chỉ ở Quảng Ngãi.
Ông Nguyễn Minh Đức dẫn lại thống kê của Bộ Y tế, 75% bệnh nhân đến khám bệnh tại các bệnh viện tuyến trên là người bệnh vượt tuyến. Trong khi đó, 56% số người bệnh đó hoàn toàn có thể khám, chữa bệnh ở tuyến dưới; 50% số người bệnh điều trị nội trú ở tuyến trên là người bệnh tự vượt tuyến; tâm lý của người bệnh luôn coi trọng uy tín, chuyên môn, kỹ thuật của tuyến trên; 50-80% người bệnh vượt tuyến ở các bệnh viện tuyến trên là do người bệnh tin tưởng vào uy tín của bệnh viện tuyến trên. (Nguồn: Đề án giảm quá tải Bệnh viện giai đoạn 2012-2020 của Bộ Y tế).
Vẫn theo Giám đốc Sở Y tế, hiện Quảng Ngãi chưa có chính sách phù hợp để giữ chân, thu hút nguồn nhân lực y tế chất lượng cao. Điều này khiến ngành y tế tỉnh này gặp khó khăn trong việc duy trì, phát triển các chuyên khoa sâu phục vụ người dân.
Đầu tư 200 tỷ nâng chất lượng khám, chữa bệnh
Tại buổi giao ban báo chí quý 1, tổ chức ngày 7/4, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh thẳng thắn: “Lãnh đạo tỉnh và chính cá nhân tôi cũng không hài lòng với việc phát triển y tế tỉnh nhà cũng như chăm sóc y tế cho người dân”.
Theo ông Minh, rõ ràng có sự bất thường ở y tế tỉnh Quảng Ngãi, bởi ngay cả những người nghèo, bệnh không nặng vẫn vượt tuyến đi tỉnh khác để chữa bệnh. Vấn đề này ngành y đã có nhìn nhận nhưng chưa khắc phục kịp thời.
“Lãnh đạo tỉnh đã nhiều lần làm việc, đề nghị y tế chấn chỉnh. Để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, trước mắt, bố trí 200 tỷ đồng từ nguồn vượt thu năm 2022 để mua sắm trang thiết bị và sửa chữa cơ sở vật chất. Tuy nhiên, vấn đề làm ngay lúc này chính là thay đổi thái độ phục vụ, không được chần chừ”, ông Minh nói.
Theo ông Minh, thời gian tới, tỉnh tập trung kêu gọi xã hội hóa trong lĩnh vực y tế, chia sẻ gánh nặng cho bệnh viện công lập và đáp ứng nhu cầu khám, điều trị chất lượng cao của người dân.
“Việc nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh của người dân là danh dự không phải của riêng y tế mà là của cả tỉnh Quảng Ngãi. Tôi tin chắc rằng, vài năm nữa, ngành y tế sẽ có thay đổi tích cực, đáp ứng được nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân”, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định.
Trường Giang