Sau khi Công ty Điện lực TP Hà Nội (EVN Hà Nội) đổi ngày chốt chỉ số công tơ về cuối tháng, hóa đơn tiền điện của người dân tăng đột biến, thậm chí gấp đôi so với thông thường. Nhiều người đặt câu hỏi vì sao EVN Hà Nội lại dịch chuyển kỳ ghi chỉ số, đồng thời thắc mắc tại sao hóa đơn tiền điện nhà mình lại tăng.
Trao đổi với phóng viên Dân trí về việc hóa đơn tiền điện tăng, đại diện EVN Hà Nội cho biết trước đây lịch ghi chỉ số công tơ diễn ra từ ngày 3 đến ngày 20 hàng tháng tùy khu vực. Khi chuyển đổi về ngày cuối tháng, hóa đơn tiền điện sẽ cao hơn so với bình thường do số ngày tiêu thụ điện tăng lên.
Cụ thể, số ngày tính tiền điện tháng 2 tăng từ 30 hoặc 31 ngày lên thành 38 đến 57 ngày (số tiền điện khách hàng phải trả cho những ngày sử dụng điện còn lại trong tháng 1 và cả tháng 2). Hơn nữa, yếu tố thời tiết tại Hà Nội thời gian qua, cộng với việc được nghỉ lễ, cũng góp phần làm tăng sản lượng tiêu thụ điện của mỗi gia đình.
Ngoài ra, người tiêu dùng thắc mắc về việc tăng lượng điện tiêu thụ sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi khách hàng khi tính giá điện sử dụng theo bậc thang, EVN Hà Nội cho biết cùng với việc điều chỉnh ngày ghi chỉ số công tơ, số kWh để hưởng giá điện bậc 1, bậc 2 cũng được thay đổi.
Cụ thể, từ 50kWh (theo quy định) được giãn rộng thành 92kWh; bậc 3, bậc 4 được giãn rộng từ 100kWh lên 184kWh.
Sở dĩ có con số này bởi kỳ thanh toán bình thường là 31 ngày, định mức tính tiền điện bậc 1 là 50kWh. Còn hiện giờ, kỳ thanh toán kéo dài thành 57 ngày (tăng 1,84 lần), định mức tính tiền điện bậc 1 cũng tăng 1,84 lần, lên thành 92 số điện. Các bậc lũy kế sau cũng tăng tương ứng.
Con số tối đa 92kWh và 184kWh trong ví dụ mà EVN Hà Nội đưa ra không cố định, tùy theo số ngày tiêu thụ điện tăng thêm của mỗi hộ gia đình. Nếu số ngày tiêu thụ điện tăng thêm ít đi đồng nghĩa với sản lượng tính trên giá bậc thang sẽ giảm xuống tương ứng (nhỏ hơn 92kWh đối với bậc 1, bậc 2 và nhỏ hơn 184kWh đối với bậc 3, bậc 4).
EVN Hà Nội khẳng định mức sử dụng điện sinh hoạt của từng bậc được điều chỉnh theo số ngày thực tế của kỳ ghi chỉ số công tơ trong tháng có thay đổi.
Khi lập hóa đơn, đơn vị điện lực dựa trên cơ sở điện năng tiêu thụ của khách hàng trong kỳ ghi chỉ số, áp dụng vào công thức tính toán theo quy định của cơ quan quản lý Nhà nước.
Từ tháng 3, cách tính tiền điện sẽ trở lại bình thường, với thời điểm chốt chỉ số công tơ vào ngày 31/3.
Hiện nay, bậc 1 biểu giá điện sinh hoạt mới cho kWh 0-50 là 1.806 đồng/kWh; bậc 2 cho kWh 51-100 là 1.866 đồng/kWh; bậc 3 cho kWh 101-200 là 2.167 đồng/kWh; bậc 4 cho kWh 201-300 là 2.729 đồng/kWh; bậc 5 cho kWh 301-400 đồng/kWh là 3.050 đồng/kWh; bậc 6 cho kWh 401 trở lên là 3.151 đồng/kWh.
Như phóng viên Dân tríđưa tin, nhiều người dân ở Hà Nội phàn nàn về hóa đơn tiền điện tháng 2. Có người nói về quê ăn Tết nhiều ngày trong tháng 2 nhưng hóa đơn tiền điện lại gấp đôi các tháng trước.
Chia sẻ với Dân trí, độc giả Hải Nguyễn Ngọc đưa ra thực tế gia đình mình tiêu thụ điện gộp 2 tháng là 433kWh. Nếu tách riêng, tháng 1 tiêu thụ 166kWh (tra cứu trên trang của đơn vị điện lực), tháng 2 tiêu thụ 267kWh.
Theo cách tính riêng, tiền điện tháng 1 phải trả là 311.572 đồng, tháng 2 là 539.993 đồng, tổng cộng là 851.565 đồng (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng 8%). Nếu tính gộp 2 tháng với số tiêu thụ điện là 433kWh, số tiền phải thanh toán lại là 1.082.183 đồng (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng 8%).
Độc giả này đề nghị đơn vị điện lực chốt số công tơ những ngày còn lại của tháng 1 riêng (chốt hết ngày 31/1) và chốt chỉ số công tơ của tháng 2 riêng (từ ngày 1/2 đến 29/2). Cách chốt này khiến người dùng điện không bị thiệt thòi. Còn nếu chốt gộp cả tháng 1 và tháng 2 như ngành điện áp dụng, số tiền thanh toán của tháng 2 sẽ tăng khoảng 27%.