Hé lộ động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm nay
Ninh An
(Dân trí) - Việc mở rộng thí điểm chính sách đặc thù được kỳ vọng sẽ là bước đột phá về thể chế, khơi thông các điểm nghẽn về nguồn lực cho nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng năm nay và các năm tiếp theo.
Trong khó khăn, kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng cao nhất Đông Nam Á
Ông Nguyễn Đức Tâm - Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân, Bộ Kế hoạch và Đầu tư - tại một sự kiện mới đây đã điểm lại bức tranh kinh tế vĩ mô Việt Nam trong nửa đầu năm.
Theo ông, từ đầu năm đến nay, tình hình thế giới tiếp tục biến động phức tạp, bất ổn, khó lường hơn, có những yếu tố thay đổi rất nhanh, nằm ngoài khả năng dự báo của các nước và tổ chức quốc tế, tạo sức ép lớn lên tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô và việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội.
Trong khi đó, nền kinh tế, hoạt động sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp, xuất khẩu… mặc dù đã phục hồi tích cực nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh ở các thành phố lớn phải sang nhượng, trả lại mặt bằng thuê ở cả các trung tâm thương mại, tuyến phố trung tâm.
Trong bối cảnh thách thức, nền kinh tế 6 tháng vẫn đạt được 6 nhóm kết quả tích cực dưới sự điều hành của Chính phủ. Tăng trưởng tiếp tục được thúc đẩy trên cơ sở giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế quý I đạt 5,66% so với cùng kỳ, cao hơn kịch bản đề ra tại Nghị quyết số 01 của Chính phủ là 5,6%. Đây là mức tăng trưởng cao nhất ASEAN. Ví dụ, tốc độ tăng trưởng của Indonesia là 5,11%, Malaysia tăng 4,2%, Singapore tăng 2,7%, Thái Lan tăng 1,5%.
Các chỉ tiêu, chỉ số về sản xuất kinh doanh, sản xuất công nghiệp, xuất khẩu, tiêu dùng, du lịch, đầu tư, doanh nghiệp, thị trường chứng khoán, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp… tích cực hơn qua từng tháng.
Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết với xu hướng này tốc độ tăng trưởng quý II và 6 tháng được kỳ vọng tiếp tục tích cực, dự báo có thể đạt mức cao theo kịch bản đề ra tại Nghị quyết số 01 lần lượt là 6,2% và 6%.
Thứ hai, Việt Nam tiếp tục tập trung nguồn lực để ưu tiên đầu tư các dự án lớn, đặc biệt là dự án đường cao tốc, trọng điểm, liên vùng, hạ tầng năng lượng. Ví dụ như vượt thu ngân sách trung ương năm 2023 cho chi đầu tư phát triển khoảng 27.000 tỷ đồng, Chính phủ đã dành khoảng 20.000 tỷ đồng cho các dự án trọng điểm, liên vùng.
Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo nghiên cứu để phát hành thêm 100.000 tỷ đồng trái phiếu chính phủ đầu tư các dự án trọng điểm quốc gia.
Đến nay, cả nước có khoảng 2.000 km đường cao tốc đi vào hoạt động; mục tiêu phấn đấu đến hết năm 2025 có khoảng 3.000 km đường cao tốc là có thể đạt được.
Thứ ba, công tác hoàn thiện thể chế, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh đạt nhiều kết quả rõ nét. Quyết tâm cải cách được thúc đẩy mạnh mẽ ở tất cả các cấp, các ngành và các địa phương.
Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua Luật Đất đai; chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương khẩn trương sửa đổi, ban hành các văn bản hướng dẫn, trình Quốc hội cho phép thi hành Luật Đất đai, Nhà ở, Kinh doanh bất động sản sớm hơn 5 tháng so với thời điểm có hiệu lực của Luật.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu, sửa đổi Luật Đầu tư công; rà soát tổng thể vướng mắc trong các quy định pháp luật, nhất là về phân cấp, phân quyền để trình Quốc hội xem xét, tháo gỡ.
Động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế năm nay
Tổng kết việc thực hiện các cơ chế, chính sách thí điểm, đặc thù cho một số địa phương và các dự án giao thông đường bộ, để trình cấp có thẩm quyền mở rộng áp dụng đối với các chính sách có hiệu quả; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án, đất đai tại một số địa phương để xem xét, trình cấp có thẩm quyền cho phép áp dụng tại các địa phương khác.
"Việc triển khai hiệu quả các chính sách này kỳ vọng sẽ là bước đột phá về thể chế, khơi thông các điểm nghẽn về nguồn lực cho nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng năm 2024 và các năm tiếp theo", ông Tâm cho biết.
Thứ tư, công tác quy hoạch đã cơ bản hoàn thành. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành toàn bộ 6/6 quy hoạch vùng; tổ chức các hội nghị điều phối vùng, hội nghị của các địa phương để công bố quy hoạch gắn với xúc tiến đầu tư. Đây là cơ hội để sắp xếp lại không gian phát triển của cả nước, tạo động lực tăng trưởng nhanh hơn, hiệu quả hơn.
Thứ năm, Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của dòng vốn FDI. Số vốn FDI thực hiện 5 tháng đạt khoảng 8,25 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ; vốn FDI đăng ký mới đạt hơn 7,9 tỷ USD, tăng 50,8%. Nhiều doanh nghiệp công nghệ lớn toàn cầu tiếp tục đến tìm hiểu môi trường đầu tư tại Việt Nam.
Thứ sáu, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, các ngành công nghiệp chíp, bán dẫn… tiếp tục được thúc đẩy mạnh mẽ.