Nguyễn Thời Minh Quân (SN 1983) được biết tới là chuyên gia trong lĩnh vực tấn công mật mã ứng dụng. Anh từng nhận được giải thưởng 39.300 USD khi tìm được lỗi bảo mật trong đồng tiền điện tử Ethereum v2 (phiên bản 2). Ngoài ra,ỏngangtiếnsĩkỹsưXtrởthànhchuyêngiatấncôngmậtmãlịch bong anh đã có 2 bài viết được công nhận tại Hội nghị Black Hat - hội nghị bảo mật máy tính hàng đầu thế giới. Trước khi có được những bước tiến như vậy, Minh Quân nói, anh từng rất “loay hoay” để tìm ra một lối đi cho mình – dù từng có thời gian học tiến sĩ tại Mỹ hay cả khi đã có kinh nghiệm làm việc 5 năm tại Google. 0,1 điểm thay đổi cả hành trình học tập Nguyễn Thời Minh Quân là cựu học sinh chuyên Toán của Trường Phổ thông Năng khiếu, cựu sinh viên khoa Toán - Tin của Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM). Đam mê với việc học Toán từ rất sớm, nhưng Quân thừa nhận, mình không có duyên với các cuộc thi. Đến khi vào đại học, ước muốn duy nhất của anh chính là được đi du học. Anh kể, bản thân khi ấy biết đến rất nhiều học bổng du học ở Mỹ, Nhật Bản hay Singapore. Nhưng hầu hết đều yêu cầu trình độ tiếng Anh rất cao, trong khi bản thân anh lại kém ngoại ngữ. “Thời điểm đó, tiếng Anh chính là cản trở lớn nhất của tôi. Nếu muốn đi Nhật, Mỹ hay Singapore mà không có tiếng Anh thì không thể vượt qua được vòng đầu tiên. Lúc đó, chỉ có học bổng tại Nga cho phép sinh viên học tiếng Nga sau khi vào trường. Dù sang Nga sẽ đồng nghĩa với việc tôi phải chuyển sang ngành Kỹ thuật Công nghệ thông tin, nhưng không còn lựa chọn nào khác, tôi chấp nhận để được ra nước ngoài”. Xác định được mục tiêu, Quân quyết tâm phải đạt điểm trung bình học tập càng cao càng tốt để được trường lựa chọn. “Tôi nhớ mình đã “cày” rất cật lực, ngay cả những môn không quá hứng thú và luôn tự dặn mình “học không hiểu thì học thuộc lòng”. Cũng nhờ vậy, kết thúc học kỳ I, điểm số của Quân nằm trong “top” khoa. Duy chỉ có một môn khiến anh không vừa ý. Vì vậy, anh đã quyết định làm đơn phúc khảo, sau đó điểm trung bình đã tăng thêm 0,1. Ở thời điểm đó, chính anh cũng không thể ngờ 0,1 điểm sau này lại ảnh hưởng đến tương lai của mình đến vậy. “Một người bạn cùng khoa Toán - Tin với tôi, chỉ thua tôi 0,1 điểm, sau đó đã được cử đi học ở vùng Siberia khắc nghiệt và lạnh lẽo. Thực ra, tôi và bạn ấy lúc đầu bằng điểm nhau, nhưng tôi được nâng lên 0,1 điểm nhờ việc chấm phúc khảo. Do đó, may mắn tôi được xếp đi học ở ĐH Tổng hợp Quốc gia Moskva (MGU). Cũng nhờ vậy, tôi hiểu được rằng, đôi khi chúng ta cứ phải chiến đấu hết sức của mình, vì không ai biết trước được tương lai sẽ như thế nào”. Ăn mì tôm để học cùng “cao thủ thế giới” Dù rất hào hứng với việc đi du học, nhưng Minh Quân không thể ngờ, quãng thời gian học tập ở Nga lại khó khăn đến vậy. Thời điểm đó, du học sinh thường xuyên bị phát học bổng trễ vài tháng, Quân đã chứng kiến không ít du học sinh dần mất hy vọng và buông thả vì cuộc sống quá khổ cực. Bản thân Quân cũng thường xuyên gặp cảnh “đói trường kỳ”, chuyện phải ăn mì tôm cũng xảy ra như cơm bữa. Nhưng thời điểm đó, cậu du học sinh người Việt quyết định không đi làm thêm vì nhận định rằng, ở môi trường nhiều tài năng như Đại học Tổng hợp Quốc gia Moskva, đây là cơ hội tốt nhất để tập trung phát triển tương lai. Quân đặt quyết tâm phải trở thành chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ thông tin và phải giỏi thuật toán vì đó chính là xương sống của ngành. Vì thế, quãng thời gian du học tại Nga, Quân cũng thường xuyên tham gia vào các cuộc thi liên quan đến lập trình. Tuy nhiên, chưa bao giờ anh đạt được thứ hạng cao do luôn phải đương đầu với các đối thủ quá mạnh. “Tôi nhận thấy bản thân tiến bộ rất chậm và xếp hạng không lên được bao nhiêu mặc dù đi thi và tập luyện rất nhiều. Những đối thủ của tôi đều là sinh viên của Trường Lô-mô-nô-xốp - những người sau đó đều vô địch thế giới về lập trình. Cảm giác năm nào cũng đi thi nhưng đều trở về tay trắng khiến tôi thấy buồn và thất vọng không dứt ra được”, anh nhớ lại. Năm 2008, Quân về nước sau 6 năm trong tâm trạng khá chán nản, dù vẫn giành được tấm bằng đỏ ở ngôi trường đại học lâu đời và nổi tiếng bậc nhất nước Nga. Dù vậy, với ước muốn tiếp tục được nghiên cứu, 2 năm sau đó, anh quyết định “apply” chương trình tiến sĩ tại Mỹ về mật mã nhưng không được trường nào chấp nhận. Đến năm thứ 3, anh được một thầy giáo người Pháp, chuyên nghiên cứu về chống virus máy tính, quý mến và muốn cấp học bổng. Tuy nhiên, cơ hội lại vụt tắt khi thầy không thể xin được nguồn tài trợ. Ở thời điểm tưởng chừng như mất hết hy vọng, may mắn anh lại được một ngôi trường tại Mỹ chấp thuận, sau đó đã thuận lợi lên đường. Bỏ ngang Tiến sĩ, nghỉ làm Google Trong quá trình học Tiến sĩ tại Mỹ, chàng trai người Việt được giao nhiệm vụ nghiên cứu xây dựng hệ thống mật mã, nhưng anh luôn phát hiện ra lỗi ngay cả trong những giao thức cơ bản. Thêm vào đó, chuyện thường xuyên mâu thuẫn với giáo sư hướng dẫn khiến anh cảm thấy chán nản. “Có giai đoạn, thầy nói rằng tôi nên đi tìm giáo sư hướng dẫn khác đi. Nghe vậy tôi vô cùng suy sụp, vì mong muốn duy nhất của tôi lúc bấy giờ là được yên tâm thực tập và làm nghiên cứu”, Minh Quân nhớ lại. Cú huých khiến Quân quyết định bỏ ngang việc học Tiến sĩ là sau 2 năm tại Mỹ, anh trúng tuyển vào Google nhờ kiến thức từ thời “cày” thuật toán ở Nga. Với niềm tin vẫn có thể tiếp tục nghiên cứu ngay cả khi đi làm, anh quyết định “đầu quân” cho Google trong lĩnh vực tấn công mật mã. Tuy nhiên, chuyện làm việc ở Google “vốn cũng không như mơ”. Lĩnh vực tấn công mật mã yêu cầu nhiều về kiến thức Toán cơ bản, trong khi Quân bị thiếu hụt do quá tập trung vào lập trình. May mắn, tại Google, anh được làm việc cùng các chuyên gia mật mã hàng đầu thế giới. “Tôi luôn tự nhủ rằng phải cố gắng hết mình vì cơ hội chỉ đến một lần duy nhất. Tất nhiên, khi bắt đầu làm việc với chuyên gia, tôi mới thấy mình không hiểu gì về mật mã cả. Vì thế, tôi đã đọc, học điên cuồng và một thời gian sau cũng có thể bắt nhịp, đóng góp cho dự án”. Công việc tại Google diễn ra thuận lợi trong 5 năm gắn bó, nhưng anh bắt đầu nhận thấy bản thân đã đứng yên tại chỗ trong một thời gian dài. Không thực sự hiểu mình muốn gì, Quân bắt đầu mơ hồ nhận ra rằng đã đến đến lúc cần phải thử thách bản thân ở một con đường khác. Vì thế, sau 5 năm làm việc, anh quyết định rời khỏi Google. Nghỉ việc nhưng Quân vẫn không ngừng học mà tiếp tục tìm hiểu, đọc thêm về mật mã mỗi khi rảnh. Nhận ra rằng việc tìm lỗi trong những giao thức phổ biến sẽ ít có cơ hội thành công do đây là lĩnh vực có quá nhiều chuyên gia, vì vậy, anh quyết định chuyển hướng sang nghiên cứu Ethereum v2 và mật mã cao cấp. May mắn, những tấn công của anh đã được công nhận. Ethereum sau đó đã trao cho chàng trai người Việt 39.300 USD USD tiền thưởng vì những phát hiện này. Sau những thất bại từ khi học cấp 3 và cả khi du học, Minh Quân nhận ra rằng, những cuộc thi không thể hiện hết tất cả, năng lực áp dụng không đúng chỗ thì cũng sẽ không đem lại kết quả tốt. Vì vậy khi tìm ra hướng đi cho mình thì phải dồn hết sức vào nó. Quân cũng luôn tin rằng, điều giá trị nhất của sự thất bại chính là việc mình nhận ra được lỗi sai để không mắc phải lần thứ hai. “Tôi thường nhìn lại mình, so với bản thân của những năm trước. Tôi tin vào lý thuyết gọi là Compound Theory, tức nếu sau 1 năm mình sẽ tốt hơn 20%; sau 5 năm, mình sẽ tốt hơn 2,5 lần và 10 năm sẽ là 6 lần. Tôi tin rằng, nếu mình nỗ lực thì có thể vươn lên và tiến xa hơn”, anh Quân chia sẻ. Lan Anh Ảnh: NVCC Từng là cái tên gây ấn tượng bởi những thành tích học tập “khủng” tại lớp chuyên Tin, Trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM), Chân Lê sau đó đã trở thành kỹ sư phần mềm tại các công ty công nghệ lớn như Microsoft, Google, Asana, Facebook, Snap,…Kỹ sư Việt ở loạt 'Big Tech' Mỹ: Kinh nghiệm thực chiến quan trọng hơn GPA