Tôi đã dõi theo tin tức về việc này,ủtụccủaQuốchộkểt quả bóng đá bởi nó gợi nhớ về khoảng thời gian chiếm gần nửa cuộc đời tôi làm việc cho Quốc hội. Đây là thời gian đất nước bắt đầu đổi mới và mở cửa, tôi và các đồng nghiệp làm việc ở Văn phòng Quốc hội có cơ hội tiếp cận với nhiều thành tựu của thế giới trong lĩnh vực lập pháp và phát triển nghị viện. Nhờ đó chúng tôi đã thấu hiểu và lý giải được những vướng mắc về thủ tục mà Quốc hội nước ta phải thường xuyên đối mặt. Nhiều vấn đề đã được tháo gỡ. Tuy nhiên không ít vướng mắc vẫn còn đó.
Thủ tục của quốc hội là hệ thống quy phạm hình thức điều chỉnh hoạt động của quốc hội và các chủ thể có liên quan. Ví dụ như trong câu chuyện của Thái Lan, mặc dù việc cả hai viện đều có quyền bầu Thủ tướng là điều rất khác biệt của Quốc hội nước này (trên thế giới, chỉ có hạ viện mới có thẩm quyền bầu thủ tướng), thì việc các Chủ tịch không tham gia bỏ phiếu lại hoàn toàn theo chuẩn mực quốc tế.
Người chủ tọa các phiên họp toàn thể của Quốc hội chính là Chủ tịch Quốc hội. Chính vì vậy, đã làm chủ tịch, thì không tham gia biểu quyết hoặc chỉ biểu quyết khi số phiếu bị chia đều 50 - 50% cho cả hai bên. Đây là một quy chuẩn mang tính thủ tục của quốc hội. Quy chuẩn này bắt nguồn từ triết lý "đã thổi còi, thì không đá bóng". Nếu người có quyền điều hành mà lại tham gia biểu quyết, tham gia tranh luận, tham gia chất vấn, thì chính kiến của người này sẽ áp đảo nghị trường.
Điều dễ nhận thấy là người này có thể dễ dàng chiếm diễn đàn hoàn toàn tùy thích, bày tỏ chính kiến hoàn toàn tùy thích và định hướng tranh luận hoàn toàn tùy thích. Quyền của các vị đại biểu, sự trung thực, khách quan và bất thiên vị của nghị trường sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.
Thủ tục không chỉ bảo đảm cho công việc được tiến hành có trật tự mà còn giúp công việc được tiến hành hiệu quả. Lấy việc Quốc hội xử lý vấn đề uống rượu, bia khi lái xe tại Kỳ họp thứ VII lần này làm ví dụ, chúng ta sẽ thấy một số thủ tục cần được quan tâm.
Đầu tiên là thủ tục để xác định sự cần thiết và thứ tự ưu tiên. Hàng loạt vụ lái xe uống rượu, bia gây tai nạn xảy ra trước Kỳ họp đã làm cho vấn đề nói trên trở nên nóng bỏng. Tuy nhiên, đây có phải là vấn đề phải có phản ứng lập pháp ngay lập tức hay không? Phải có thủ tục mới xác định được. Thủ tục đó là một phiên thảo luận về tai nạn giao thông do việc lạm dụng rượu, bia gây ra.
Qua thảo luận, chúng ta sẽ nhận thấy pháp luật điều chỉnh hành vi lái xe sau khi uống rượu, bia đã được ban hành đầy đủ và nghiêm ngặt. Lái xe ô tô tuyệt đối không được uống rượu, bia; lái xe gắn máy và các phương tiện khác chỉ được uống ở mức pháp luật cho phép - nồng độ cồn trong máu chỉ được ở mức 0,05%.
Như vậy, nguyên nhân của tình trạng lạm dụng rượu, bia khi lái xe hoàn toàn không phải là do thiếu pháp luật. Không cần đầy đủ số liệu, chúng ta dễ dàng nhận biết nguyên nhân của tình trạng lạm dụng là do ý thức chấp hành pháp luật thấp, năng lực áp đặt sự tuân thủ pháp luật hạn chế.
Với hai nguyên nhân này thì ban hành thêm pháp luật rõ ràng sẽ không giải quyết được vấn đề. Giải pháp ở đây phải là tăng cường giáo dục và đẩy mạnh truyền thông cho công chúng, đồng thời nâng cao năng lực áp đặt sự tuân thủ cho cảnh sát.
Vấn đề thứ hai là thủ tục biểu quyết. Nếu các vị đại biểu Quốc hội cho rằng các quy định của pháp luật hiện hành là chưa đủ nghiêm khắc thì chính sách lập pháp phải đưa ra biểu quyết là: có cần siết chặt hơn các quy định bằng cách cấm tất cả lái xe (kể cả lái xe máy và các phương tiện giao thông khác) uống rượu, bia khi điều khiển phương tiện giao thông hay không? Nếu đa số đại biểu ủng hộ, chính sách lập pháp mới sẽ được thông qua. Nếu không, chính sách lập pháp hiện hành vẫn phát huy tác dụng.
Cách biểu quyết theo hai phương án: 1. "Cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc khí thở có nồng độ cồn vượt mức quy định của pháp luật về an toàn giao thông"; 2. "Cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc khí thở có nồng độ cồn" trong đa số các trường hợp sẽ dẫn đến một sự bế tắc, vì khả năng chia đôi phiếu theo cách biểu quyết này là rất cao.
Nghịch lý của cách biểu quyết này nằm ở chỗ: có thể nói rằng 98,35% đại biểu chống lại việc uống rượu, bia khi điều khiển phương tiện giao thông (48,76% đại biểu ủng hộ phương án 1, và 49,59% đại biểu ủng hộ phương án 2). Thế nhưng, không một chính sách lập pháp nào giúp khống chế việc uống rượu, bia khi điều khiển phương tiện giao thông có thể được thông qua.
Và nghịch lý đáng ngạc nhiên hơn, là 1,75% đại biểu không thể hiện chính kiến hoặc chống lại chính sách cấm uống rượu, bia khi điều khiển phương tiện giao thông lại giành phần thắng.
Rất may, về mặt thủ tục, giá trị pháp lý của việc biểu quyết lựa chọn chính sách tại phiên họp toàn thể chưa được quy định. Quốc hội đã không đưa chính sách khống chế việc uống rượu, bia khi điều khiển phương tiện giao thông vào dự Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia. Quyết định này của Quốc hội đã giúp tránh được sự chồng chéo giữa Luật An toàn giao thông với Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. Sau đó, nó giúp tránh tình trạng bị đánh lạc hướng khỏi những vấn đề cần được tập trung thảo luận để hạn chế tình trạng lạm dụng rượu, bia tràn lan hiện nay.
Ví dụ trên cho thấy thủ tục quan trọng như thế nào cho việc vận hành thể chế. Thủ tục của Quốc hội chính là công nghệ vận hành thể chế của Quốc hội. Trong quá trình hội nhập với thế giới, nghiên cứu và vận dụng các quy chuẩn về thủ tục của các nghị viện trên thế giới rất quan trọng để nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội nước ta.
Nguyễn Sĩ Dũng
Trở lại Góc nhìnTrở lại Góc nhìn