Năm 2005. Thâm Quyến.
Phố phường lên đèn nom lung linh êm ả hơn ban ngày đôi chút. Dưới ánh đèn vàng vọt,ệnBộBộKinhTâsoi kèo psm makassar trông Trương Tiểu Văn mệt mỏi thấy rõ trong bộ đồ lam nhạt. Đang định bước vào cổng, sực nhớ bóng điện phòng tắm đã hỏng, cô vội quay sang tiệm tạp hóa bên hông tòa nhà.
Làm một lèo mở cửa, bật đèn, đá giày, quăng túi xách xong, Tiểu Văn nhích cái thang nặng trịch từ bao lơn vào phòng tắm, chỉnh cho thăng bằng rồi sè sẹ leo lên. Thình lình cô trượt chân, chỉ kịp "A" một tiếng kinh hãi là đã ngã ngửa ra sau, người nện đánh thình xuống sàn gạch, bất động.
oOo
Nhà Thanh, năm Khang Hy thứ 43. Bắc Kinh.
Trên lối lên đình ngoạn cảnh hồ, có hai cô bé luống mười ba mười bốn tuổi đứng đối mặt nhau. Cô bé vận áo dài màu hoàng yến đã vãn cảnh xong, đang định đi xuống, cô bé áo lam nhạt thì sắp sửa đi lên. Thang lên đình tương đối hẹp, một người đi thoải mái, nhưng hai người cùng đi thì không thể vừa. Đôi bên đều không muốn nhường đường, cả hai cùng nhấc chân, cất bước, hích nhau mà qua. Cô bé áo lam nhạt vì đứng dưới thấp nên kém thế, thành ra trượt chân, chỉ kịp "A" một tiếng là lăn tòm xuống gác, ngã thịch ra nền đất, bất động.
Đang dịp giữa hè, cảnh sắc chẳng còn mơn mởn như dạo đầu xuân. Dạo ấy, cây lá biết rằng những ngày đẹp đẽ mới bắt đầu nên cùng khoe sắc tươi rạng rỡ, còn cây lá hiện thời thì cứ âm trầm, hẳn vì biết mình đã tới độ huy hoàng nhất, những ngày tháng sau chỉ có nước lụi tàn dần đi mà thôi. Tâm trạng của Trương Tiểu Văn cũng vậy. Cô đã ở thời xưa đến ngày thứ mười mà vẫn cảm thấy mọi sự như cơn mộng, tưởng đâu hễ tỉnh lại thì mình vẫn là nữ nhân viên văn phòng độc thân hai mươi lăm tuổi với một chồng báo cáo tài chính đang ngóng chờ, chứ không phải cô bé người Mãn chưa đầy mười bốn đang sống ở năm thứ bốn mươi ba Khang Hy.
Mười hôm trước, trong lúc thay bóng điện, Tiểu Văn ngã lộn từ trên thang xuống, khi tỉnh lại thì thấy mình đã ở trên chiếc giường của người mà cô đang mang phần xác đây. A hoàn kể, cô ngã thang gác, hôn mê mất một ngày đêm. Còn tại sao khi tỉnh dậy cô lại quên tiệt mọi sự, thì đại phu phán là do kinh hãi quá mức, từ từ tĩnh dưỡng sẽ dần dần bình phục.
- Nhị tiểu thư, chúng ta về thôi. Tuy đã qua chính ngọ nhưng khí đất dạo này độc hại, mà cô vẫn chưa khỏe hẳn – A hoàn Xảo Tuệ đứng bên nhắc.
Tiểu Văn quay lại đáp:
- Ừ! Chắc chị tôi cũng đọc kinh xong rồi.
Tên của Tiểu Văn bây giờ là Mã Nhi Thái Nhược Hi, còn cô chị trên trời rơi xuống nọ là Mã Nhi Thái Nhược Lan, trắc phúc tấn của Liêm thân vương Bát a ca Doãn Tự. Liêm thân vương là một người tương đối có tiếng tăm trong lịch sử nhà Thanh, nhưng vào thời điểm này thì chưa được phong vương, mới chỉ là một Đa la Bối lặc, và còn mang tên Dận Tự chứ chưa phải đổi để khỏi phạm húy Ung Chính đế.
Nói một cách dễ nghe thì Nhược Lan là người dịu dàng hiền thục, mà nói một cách khó nghe thì là người nhu nhược nhút nhát, hằng ngày nàng dành quá nửa thời gian vào việc tụng kinh. Nhược Hi đoán rằng Nhược Lan không được sủng ái, bởi mười ngày cô ở chỗ nàng, Bát a ca chưa một lần ghé đến. Mười ngày đó cũng cho thấy Nhược Lan đối với em gái rất ân cần, từ cơm nước đến quần áo, việc không cứ lớn nhỏ đều lo chu toàn để Nhược Hi thoải mái. Nhược Hi thầm thở dài, nếu không thể trở về thời đại mình, cứ phải ở nơi này thì cô cũng chỉ biết trông cậy vào người phụ nữ này thôi. Song nghĩ tới kết cục mai sau của Bát a ca, cô lại cảm thấy chỗ dựa Nhược Lan không vững vàng chút nào. Dẫu sao đấy cũng là chuyện nhiều năm nữa, trước mắt không lo vội.
Nhược Hi về đến nhà, Nhược Lan đã đợi sẵn. Đang ngồi nhấm nháp bánh trái bên bàn, thấy Nhược Hi bước vào, nàng liền lên tiếng, giọng quở trách:
- Cũng không sợ say nắng nữa à!
Nhược Hi tiến đến ngồi cạnh, cười đáp:
- Làm gì đến nỗi bà chúa phải gai thế! Hơn nữa ra ngoài đi lòng vòng, em cảm thấy người nhẹ nhõm hơn mấy hôm vừa qua.
Nhược Lan quan sát sắc mặt Nhược Hi, đoạn bảo:
- Trông khí sắc khá hơn nhiều, nhưng dạo này thời tiết xấu, đừng nên ra ngoài.
Nhược Hi tiện miệng đáp: "Em biết rồi".
Đông Vân bưng chậu lại, ngồi nhón gót hầu Nhược Hi rửa tay. Nhược Hi cười thầm, nghĩ, biết là biết vậy, làm hay không làm theo tính sau. Xảo Tuệ mang khăn mặt đến lau khô tay cho Nhược Hi, lại chọn lấy thứ thuốc cao màu hổ phách xoa lên tay cô. Thuốc có mùi thơm ngọt, không rõ thành phần thế nào.
Xong xuôi, Nhược Hi đang chuẩn bị chọn lấy mấy món bánh mà ăn, chợt cảm thấy là lạ, bèn ngẩng lên thì bắt gặp Nhược Lan đang nhìn mình. Cô chột dạ, dùng ánh mắt nghi hoặc ngó lại. Nhược Lan bỗng phì cười:
- Em đó, ngày trước khó chịu nhất cái tính xấc xược, a ma nói gì đều bỏ ngoài tai, sảy chân ngã một cái là thành ngoan ngay, hiền lành lễ phép hẳn ra!
Nhược Hi thở phào, lại cúi đầu, vừa xem mấy món bánh trái vừa cười hỏi:
- Chẳng lẽ chị muốn em cứ xấc xược mãi?
Nhược Lan chọn lấy bánh hạt sen mà Nhược Hi thích ăn nhất, đưa cho cô:
- Nửa năm nữa là phải vào tuyển tú nữ, cũng nên giữ gìn đôi chút phép tắc. Làm sao lộn xộn phá phách mãi được?
Miếng bánh hạt sen mắc sững nơi cổ họng, Nhược Hi bật ho khằng khặc. Nhược Lan vội cầm nước tới, Xảo Tuệ lo vuốt lưng, Nhược Hi uống liền mấy ngụm mới lấy lại được hơi sức. Nhược Lan bực bội:
- Mới bảo giữ gìn phép tắc là giở ngay cái bộ dạng này ra, không ai đọ với em được!
Nhược Hi vừa lau miệng vừa suy nghĩ rất lung, làm thế nào đây? Bảo cho Nhược Lan biết cô không phải Nhược Hi em nàng? Tuyệt đối không được! Lòng ngổn ngang trăm tơ nghìn mối mà không nghĩ ra một kế nào, cô đành tự an ủi: còn nửa năm nữa kia mà. Cuối cùng cô lấy lại bộ điệu tỉnh bơ, hỏi:
- Bữa trước nghe chị kể a ma đang trấn thủ vùng tây bắc, còn em mới đến đây được ba tháng. Có phải vì việc tuyển tú nữ mà a ma mới đưa em về chỗ chị không?
- Phải, a ma nói ngạch nương mất sớm, em lại không chịu vâng lời di nương, càng rèn càng bừa bãi. A ma nghĩ kể ra em còn chịu nghe chị vài câu, nên đưa em đến, để chị dạy em nề nếp.
oOo
Mấy bữa nay cứ sáng dậy Nhược Hi đi dạo một vòng, tối ăn cơm rồi lại đi dạo vòng nữa, đấy là cách rèn luyện duy nhất cô nghĩ ra được lúc này. Phương pháp tuy đơn giản nhưng rất hiệu quả, càng ngày Nhược Hi càng thấy khỏe ra, không bải hoải như mấy hôm mới tỉnh nữa.