Taxi truyền thống đang "cài số lùi"
Cách đây khoảng hơn 10 năm, hình ảnh người nước ngoài cầm trên tay tấm bản đồ giấy để khám phá các địa điểm du lịch ở Việt Nam là rất phổ biến. Tuy nhiên, hiện tại, hình ảnh này là rất hiếm hoi, bởi du khách đã có một công cụ mạnh hơn là smartphone. Với ứng dụng Google Maps được cài đặt sẵn, việc chỉ đường đã chở nên thuận lợi hơn bao giờ hết. Đi kèm với đó, bản đồ giấy ngày càng thu hẹp số lượng người dùng, điều này cũng đồng nghĩa thời điểm diệt vong của phương pháp dẫn đường lỗi thời này đã sắp đến gần.
Với sự phát triển thần tốc của công nghệ, đặc biệt là tầm phổ biến của smartphone cùng làn sóng 4.0 đang ở trước mắt, câu chuyện thay đổi để tồn tại đang trở thành chân lý của mọi lĩnh vực, đặc biệt là trong kinh doanh. Trường hợp của Nokia, Yahoo hay Sharp là ví dụ điển hình nhất cho chân lý trên, đáng chú ý, các thương hiệu này đều từng có thời đứng trên "đỉnh" thế giới trong lĩnh vực hoạt động của mình.
Ở Việt Nam, câu chuyện cạnh tranh giữa taxi truyền thống và Uber, Grab đang tạo nhiều dư luận trong suốt 1 năm trở lại đây cũng đặt ra một câu hỏi: Thay đổi hay là chết? Bám víu vào phương thức kinh doanh vốn đã lỗi thời liệu có đủ sức trống lại sự bành trướng của một phương thức khác thuận lợi hơn, hấp dẫn người dùng hơn?
Doanh nghiệp truyền thống cần tự tìm ra lối thoát cho chính mình. |
Mặc dù Uber, Grab đã hoạt động tại Việt Nam từ năm 2014 nhưng quãng thời gian gần đây, sự phản đối của các taxi truyền thống đối với loại hình dịch vụ đặt xe qua smartphone này mới tăng mạnh. Không chỉ phản ánh tới cơ quan quản lý Nhà nước về việc đóng thuế, so kè cơ chế quản lý thoáng hơn, thậm chí các hành động như treo băng rôn "bêu" xấu đối thủ cũng được taxi truyền thống áp dụng. Ngay cả những người đứng đầu các hãng taxi truyền thống cũng xuất hiện với tần suất nhiều hơn trên phương tiện truyền thống nhằm "than thở" việc bị Uber, Grab chiếm mất thị phần.
Tuy nhiên, trong khi taxi truyền thống đang mải mê tìm cách "dìm" đối thủ thì Uber và Grab đã lôi kéo được số lượng lớn khách hàng cũng như tài xế từ những hãng này sang sử dụng dịch vụ của mình. Theo thống kê sơ bộ, hiện ở TP Hồ Chí Minh đang có khoảng 24.000 ôtô tham gia mạng lưới của Uber và Grab, gần gấp đôi so với 11.060 chiếc taxi truyền thống đang hoạt động.
Còn tại Hà Nội, trong khi taxi truyền thống chỉ có 19.265 xe thì hệ thống của 2 ứng dụng đặt xe trên đang sở hữu khoảng 25.000 xe hoạt động thường xuyên. Cùng với đó, doanh thu của các ứng dụng này cũng đều đặn tăng theo từng năm khi giai đoạn 2014 - 2016 Grab đạt 1.755 tỷ đồng còn Uber cũng kiếm được 2.706 tỷ đồng trong quãng thời gian từ 2014 đến hết 6 tháng đầu năm 2017.
Còn ở chiều ngược lại, các hãng taxi truyền thống lại đang trong tình trạng "cài số lùi" khi doanh thu ngày càng giảm mạnh trước sự cạnh tranh của Uber, Grab. Tiêu biểu như Mai Linh, tính đến hết 6 tháng đầu năm 2017, hầu hết các chỉ số kinh doanh của hãng đều giảm mạnh so với cùng kỳ với khoản lỗ lũy kế gần 800 tỷ đồng (gần 80% vốn điều lệ), kéo theo đó là 6.000 nhân viên bị cắt giảm.
Tương tự là Vinasun với doanh thu quý 2/2017 chỉ đạt 810 tỷ đồng, giảm mạnh nhất trong những năm gần đây, cũng chính vì chỉ số này 8.000 nhân viên của hãng đã phải nghỉ việc.
Thay đổi hoặc là chết
Nói về câu chuyện đối đầu giữa taxi truyền thống và Uber, Grab, ông Nguyễn Hòa Bình - Chủ tịch NextTech Group cho rằng, đã đến lúc taxi truyền thống nên lựa chọn thay đổi hoặc bị đào thải. Cuộc cách mạng 4.0 đang lan tỏa đến mọi lĩnh vực trong cuộc sống và dịch vụ vận chuyển hành khách cũng không nằm ngoài tầm ảnh hưởng, nếu DN không thích ứng được chắc chắn sẽ bị tụt lại phía sau thậm chí là xóa sổ.
"Điểm dễ nhận thấy ở các hãng taxi truyền thống là tính bảo thủ, họ vẫn giữ cách thức kinh doanh như hàng chục năm về trước và rất chậm chễ trong việc tự thay đổi chính mình nhằm mang lại lợi ích tối đa cho người dùng. Có thể nói, sự đi xuống của taxi truyền thống nguyên nhân chính bắt nguồn từ việc họ không bắt nhịp được với làn sóng 4.0 chứ không chỉ đơn thuần là nằm ở đối thủ cạnh tranh như Uber hay Grab", ông Bình nhận định.
Người đứng đầu NextTech Group cũng đưa ra gợi ý, doanh nghiệp taxi cần xác định công nghệ thông tin chính là hạ tầng cho dịch vụ kinh doanh của mình. Việc ứng dụng công nghệ thông tin sâu và rộng sẽ giúp doanh nghiệp giảm tải được nhiều chi phí không cần thiết, tăng năng suất lao động, từ đó tạo điều kiện để nâng cao chất lượng cũng như hạ giá thành dịch vụ, đây thực sự là những yếu tố quan trọng để thu hút khách hàng.
Đồng quan điểm, Phó tổng giám đốc FPT Đỗ Cao Bảo khẳng định điều taxi truyền thống cần làm hiện tại là tự mình phải thay đổi thay vì tìm cách loại bỏ các loại hình mới như Uber hay Grab. Uber và Grab là những loại hình kinh doanh được sinh ra từ cuộc cách mạng 4.0 với nhiều ưu điểm không thể phủ nhận, đồng thời cũng tạo nên sức ép lớn với dịch vụ vận tải truyền thống. Có thể bằng một số cách nào đó, Nhà nước sẽ hỗ trợ doanh nghiệp taxi truyền thống nhưng để ngăn cản thì không thể. Vì vậy, doanh nghiệp truyền thống cần tự tìm ra lối thoát cho chính mình.
"Taxi truyền thống đang có rất nhiều lựa chọn như tự xây dựng phần mềm đặt xe thông minh giống của Uber, Grab hay mở rộng kinh doanh sang các mảng còn ít được các dịch vụ 4.0 quan tâm như xe tải, xe chở khách đường dài... Thậm chí có thể tính đến việc các bên kết nối cùng nhau nhằm tận dụng những ưu thế có sẵn có qua đó mang lại lợi ích tối đa cho người dùng. Nếu taxi truyền thống không thay đổi thì họ sẽ chết", ông Bảo khẳng định.
Trên thực tế, song song với cuộc chiến trên "bàn giấy" với Uber, Grab, taxi truyền thống đã bắt đầu có những bước chuyển mình đáng ghi nhận nhằm đáp trả đối thủ. Tiêu biểu nhất là trên các kho ứng dụng dành cho smartphone đã xuất hiện những ứng dụng đặt xe của Mai Linh, Vinasun, Taxi Long Biên... Về cơ bản các ứng dụng này đã đáp ứng được những nhu cầu cho việc gọi xe. Hay như Mai Linh, vào tháng 11/2017 vừa qua, hãng đã lấn sân sang mảng kinh doanh của đối thủ khi cho ra mắt dịch vụ xe ôm công nghệ với giá cước tương tự.
(责任编辑:Nhà cái uy tín)