LTS: Trong lịch sử mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, Đại thắng mùa xuân 1975 là một thiên anh hùng ca chói lọi nhất, đánh dấu bước ngoặt lịch sử, đưa đất nước ta bước vào kỷ nguyên thống nhất, độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội. Nhân kỷ niệm 45 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, Báo Bình Dương thực hiện loạt bài: “Viết tiếp những mùa xuân đại thắng”
“Ta đi trong muôn ánh sao vàng, rừng cờ tung bay. Rộn ràng bao mê say những bước chân dồn về đây. Sài Gòn ơi! Vững tin đã bao năm rồi một ngày vui giải phóng…”.
“Đi trong muôn ánh sao vàng”, người dân Sài Gòn ùa ra đường phố đón chào bộ đội trong ngày vui đại thắng
Thống nhất non sông
Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 2-9- 1945, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Tiếp đó, dân tộc Việt Nam phải tiến hành ngay cuộc chiến tranh cách mạng kéo dài 30 năm chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Trải qua 21 năm chiến đấu, nhân dân ta đã đánh thắng các chiến lược “Chiến tranh đơn phương”, “Chiến tranh đặc biệt”, “Chiến tranh cục bộ”, “Việt Nam hóa chiến tranh”, làm thất bại âm mưu của đế quốc Mỹ biến miền Nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới và chia cắt lâu dài đất nước ta. Với thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, nhân dân ta đã kết thúc vẻ vang cuộc chiến tranh cách mạng suốt 30 năm, đánh thắng hoàn toàn các cuộc chiến tranh xâm lược của hai đế quốc lớn, giải phóng hoàn toàn đất nước.
Thắng lợi của nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước được ghi vào lịch sử dân tộc như một trong những trang sử chói lọi nhất, một kỳ tích của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ Việt Nam. Thắng lợi đó là bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử dân tộc, mở ra kỷ nguyên độc lập, thống nhất Tổ quốc. Thắng lợi đó cũng là một sự kiện có tầm vóc quốc tế và tính thời đại sâu sắc.
Đánh giá tổng quát ý nghĩa thắng lợi của Đại thắng mùa xuân năm 1975 và cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, trong báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Đại hội toàn quốc lần thứ IV khẳng định: “Năm tháng sẽ trôi qua, nhưng thắng lợi của nhân dân ta trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người, đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ 20, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc”.
“…Non nước vững ngàn thu”
Sau Đại thắng mùa xuân năm 1975, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nước ta bước vào thời kỳ hàn gắn vết thương chiến tranh và đã giành được những thành tựu to lớn trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc: Xây dựng chế độ mới của dân, do dân và vì dân, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới, biển đảo quốc gia và làm nhiệm vụ quốc tế cao cả.
45 năm qua, tinh thần của Đại thắng mùa xuân 1975 đã, đang và tiếp tục quy tụ lòng dân, tiếp thêm sức mạnh tinh thần to lớn cổ vũ toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu sớm đưa Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Sau 45 năm, từ hoang tàn đổ nát của chiến tranh, từ một đất nước đói nghèo lạc hậu vì chiến tranh kéo dài và hàng trăm năm bị chủ nghĩa thực dân đô hộ, đất nước Việt Nam đã sớm hồi sinh, vươn mình trỗi dậy và tìm ra con đường đi lên đúng đắn, làm nên những bước phát triển diệu kỳ. Đặc biệt là sau hơn 30 năm đổi mới, từ một nền kinh tế nông nghiệp, lạc hậu, quy mô nhỏ bé, với GDP chỉ 14 tỷ USD và GDP bình quân đầu người chỉ khoảng 250 USD trong những năm đầu đổi mới, Việt Nam đã thoát ra khỏi tình trạng đói nghèo, chuyển sang thực hiện và đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Quy mô nền kinh tế Việt Nam hiện đạt gần 300 tỷ USD, GDP bình quân đầu người đạt gần 3.000 USD, khoảng cách thu nhập giữa Việt Nam với các nước đã được thu hẹp đáng kể. Trong cơ cấu kinh tế, tỷ trọng khu vực nông nghiệp giảm xuống, tỷ trọng các khu công nghiệp, dịch vụ tăng lên. Tỷ lệ người nghèo đã giảm mạnh, từ mức trên 60% vào những năm đầu đổi mới xuống dưới mức khoảng 7% hiện nay. Nền kinh tế Việt Nam được nhiều tổ chức quốc tế đánh giá có triển vọng tốt, là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất khu vực và thế giới. Theo các nhà phân tích, nếu duy trì được đà tăng trưởng như 3 thập niên qua thì đến năm 2045 - kỷ niệm mốc lịch sử 100 năm Việt Nam độc lập (1945-2045), quy mô GDP của Việt Nam ước sẽ đạt khoảng 2.500 tỷ USD, còn thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 18.000 USD.
Song hành với những thành tựu phát triển kinh tế, tiến bộ, công bằng xã hội, phát triển văn hóa, xã hội, y tế và công cuộc xây dựng nông thôn mới cũng đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Đầu tư của Nhà nước cho an sinh xã hội ngày càng tăng. Giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ có bước phát triển. Bảo vệ tài nguyên - môi trường được chú trọng hơn. Quốc phòng - an ninh được tăng cường theo hướng hiện đại; độc lập chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc được giữ vững. Dân chủ xã hội chủ nghĩa được phát huy và ngày càng mở rộng. Việt Nam là một người bạn tin cậy với các nước trên thế giới vì hòa bình, ổn định và phát triển…
45 năm đã qua, Đại thắng mùa xuân năm 1975 vẫn tiếp tục là nguồn cổ vũ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta vượt qua mọi khó khăn, thử thách, tiến lên giành những thắng lợi mới, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; thực hiện thắng lợi mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; đưa đất nước và dân tộc ta lên vị thế mới trong khu vực và trên thế giới. (còn tiếp)
“Một ngày bằng 20 năm”
Trước tình thế, thời cuộc thay đổi từng ngày, thế và lực của ta ngày càng mạnh, Đảng ta đã quyết định mở cuộc Tổng tiến công chiến lược từ ngày 4-3-1975, bằng 3 đòn chiến lược: Chiến dịch Tây nguyên mở đầu bằng trận đột phá đánh chiếm Buôn Ma Thuột, giải phóng Tây nguyên; Chiến dịch giải phóng Huế - Đà Nẵng và Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Ngày 4-3-1975, ta nổ súng tấn công một số mục tiêu ở Pleiku để nghi binh tạo thế Chiến dịch Tây nguyên; rạng sáng 10-3 đánh Buôn Ma Thuột mở cửa đột phá của cuộc Tổng tiến công chiến lược năm 1975 giành thắng lợi giòn giã trên chiến trường Tây nguyên.
Ngày 18-3-1975, Bộ Chính trị họp, kịp thời bổ sung quyết tâm chiến lược giải phóng miền Nam ngay trong năm 1975. Cùng khoảng thời gian đó, ta bắt đầu tiến công ở Trị - Thiên và Khu 5.
Đến 21-3-1975, ta phát triển thành chiến lược tiến công Huế - Đà Nẵng và giải phóng Huế ngày 26-3-1975. Với thắng lợi như “chẻ tre” trên chiến trường Tây nguyên và Bắc Trung bộ, ngày 25-3- 1975, Bộ Chính trị kịp thời bổ sung chiến lược giải phóng hoàn toàn miền Nam trước mùa mưa.
Ngày 29-3-1975, ta giải phóng hoàn toàn Đà Nẵng và năm tỉnh Bắc Trung bộ. Đến ngày 3-4- 1975, ta đã quét sạch quân địch và giải phóng toàn bộ đồng bằng ven biển miền Trung.
Ngày 1-4-1975, căn cứ vào sự tấn công dồn dập như vũ bão của ta trên chiến trường, Bộ Chính trị lại tiếp tục bổ sung quyết tâm chiến lược giải phóng miền Nam trong thời gian sớm nhất, tốt nhất là trong tháng 4-1975, trước mùa mưa, không thể để chậm.
Ngày 9-4-1975, ta bắt đầu cuộc chiến đấu tạo thế ở đông bắc, tây nam Sài Gòn và đánh địch ở toàn miền Đông Nam bộ với việc huy động lực lượng lớn nhất trong lịch sử kháng chiến chống Mỹ, mở một chiến dịch tấn công quy mô nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam gồm bốn quân đoàn và một số đơn vị tương đương quân đoàn.
Ngày 26-4-1975, ta bắt đầu Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, tiến công giải phóng Sài Gòn - Gia Định, buộc Tổng thống ngụy Dương Văn Minh phải tuyên bố đầu hàng vô điều kiện vào 11 giờ 30 phút ngày 30-4-1975; kết thúc thắng lợi hoàn toàn cuộc chiến tranh chống Mỹ, cứu nước, hoàn thành trọn vẹn cách mạng dân chủ nhân dân trên cả nước, thực hiện tốt lời căn dặn của Bác Hồ kính yêu: “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào”.