游客发表
发帖时间:2025-01-25 16:30:52
"Nhìn chung, học thuyết hạt nhân này không phức tạp, nó rõ ràng và minh bạch. Tôi tin là chúng tôi đã phác thảo rõ ràng mọi thứ. Do đó, chúng tôi kêu gọi các đồng nghiệp, đặc biệt là những người ở phương Tây, hãy đọc kỹ, không tách rời từng phần ra khỏi ngữ cảnh hoặc diễn giải sai lệch. Mọi thứ đều được trình bày rõ ràng và chính xác", Tổng thư ký Hội đồng An ninh Nga Sergey Shoigu nói sau cuộc họp chung của Hội đồng Bộ trưởng Ngoại giao, Hội đồng Bộ trưởng Quốc phòng và Ủy ban Thư ký Hội đồng An ninh của Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) hôm 28/11.
Ông Shoigu cho biết "chiếc ô hạt nhân" của Nga chủ yếu mở rộng đến các quốc gia thành viên của CSTO theo học thuyết hạt nhân đã được sửa đổi. Kazakhstan đang giữ chức chủ tịch luân phiên của CSTO, một tổ chức cũng gồm các thành viên Armenia, Belarus, Kyrgyzstan, Nga và Tajikistan.
"Trước hết, tôi muốn nói rằng học thuyết cũ cũng quy định chiếc ô hạt nhân này, cụ thể là đối với các đồng minh của chúng tôi. Điều này đã được nêu rõ ràng và cụ thể. Đối với học thuyết mới, điều này, tất nhiên, trước hết, đề cập đến các quốc gia CSTO. Nó có một điều khoản bổ sung riêng biệt, theo quan điểm của tôi là khá quan trọng và áp dụng cho Belarus", ông Shoigu nói thêm.
Theo ông Shoigu, học thuyết hạt nhân đã được sửa đổi của Nga cũng quy định các tiêu chí sử dụng vũ khí hạt nhân khi có hành vi tấn công nhằm vào Belarus bằng vũ khí thông thường và khi có mối đe dọa đến sự tồn tại của Belarus.
Phát biểu tại cuộc họp báo sau hội nghị thượng đỉnh của CSTO tại Kazakhstan, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố Moscow sẽ sử dụng mọi biện pháp có thể nếu Ukraine sở hữu vũ khí hạt nhân.
"Trong trường hợp này, chúng tôi sẽ sử dụng mọi biện pháp đánh bại có thể có của Nga. Chúng tôi sẽ không cho phép điều này xảy ra", ông Putin nêu rõ.
Tổng thống Putin cũng nhấn mạnh Nga sẽ không cho phép Ukraine sở hữu vũ khí hạt nhân.
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 19/11 đã phê chuẩn học thuyết hạt nhân sửa đổi, cho phép hạ ngưỡng răn đe hạt nhân để đáp trả một loạt các cuộc tấn công thông thường.
Theo học thuyết, hoạt động răn đe hạt nhân sẽ nhằm vào "một đối thủ tiềm tàng, có thể bao gồm các quốc gia riêng lẻ và các liên minh quân sự (khối, liên minh) coi Nga là đối thủ tiềm tàng và sở hữu vũ khí hạt nhân và/hoặc vũ khí hủy diệt hàng loạt khác, hoặc có năng lực chiến đấu đáng kể của các lực lượng đa nhiệm".
Học thuyết quy định Nga cũng sẽ tiến hành răn đe hạt nhân đối với các quốc gia cung cấp lãnh thổ, hải phận, không phận và tài nguyên của họ để tấn công Nga.
Học thuyết sửa đổi nêu rõ, bất kỳ cuộc tấn công nào của một cường quốc phi hạt nhân được hỗ trợ bởi một cường quốc hạt nhân sẽ bị coi là cuộc tấn công chung nhằm vào Nga. Bất kỳ cuộc tấn công nào của một thành viên trong khối quân sự cũng sẽ bị coi là cuộc tấn công của toàn bộ liên minh.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, việc sửa đổi học thuyết là cần thiết để phù hợp với bối cảnh chính trị hiện tại. Ông Peskov cũng lưu ý, các nhà lãnh đạo nước ngoài nên nghiên cứu kỹ học thuyết hạt nhân sửa đổi của Nga.
Theo Tass相关内容
随机阅读
热门排行
友情链接