Hoài cổ luôn là chủ đề không bao giờ nhàm chán. Khi đã có trong tay những món đồ công nghệ tân tiến đắt giá nhất,ữngtựagamekinhđiểnmàtuổithơgamethủchẳngthểnhớtê7m cn tỷ số trực tuyến đôi lúc bạn lại nhớ và khao khát được tìm lại thứ đồ chơi xưa cũ cổ lỗ sỉ ngày xưa. Hãy cùng trở lại những năm giữa thập niên 90, khi mà lũ con trẻ ngày ấy bắt đầu quen dần hơn với cái tivi màu, cái đầu máy, những máy game thùng trong siêu thị và tất nhiên chả thể thiếu máy bấm điện tử cắm băng 4 nút – chiếc NES huyền thoại từng khiến bao đứa con nít mê mẩn. Bạn có nhớ cảm giác cắm băng vào và chờ màn hình chạy hàng trăm trò chơi đầy màu sắc để lựa chọn? Có những trò bạn chơi mãi không chán, nhưng với trí nhớ non nớt ngày ấy, đó chỉ còn là những mảng màu sắc hình dạng, những cái tên mà bạn và lũ nhóc tự gọi với nhau. Tại sao không cùng thử một lần tìm lại hồi ức mờ nhạt đó, với những game ai-cũng-biết mà chẳng thể nhớ tên!
1. Chích Bong Bóng – Balloon Fight (Nintendo 1984)
Hãy bắt đầu với một game hai người chơi vui nhộn! Đúng như cái tên mà nó được gọi, trong game chúng ta sẽ bay trên hai quả bong bóng, và nhiệm vụ là đập bể bong bóng của bọn địch bằng cách bay cao hơn rồi đạp nổ bóng của chúng. Tất nhiên, bóng của bạn cũng sẽ có thể bị đạp bể bởi kẻ địch và… đứa chơi chung với mình, nên bạn phải hết sức hết sức cẩn thận, nhanh nhảu và phải biết hợp tác cùng nhau, để có thể hạ gục hết bọn địch. Cũng đừng quên là không được đến gần mặt nước nhé, có thủy quái luôn chào đón bạn dưới đó đấy!
Đầu tiên phải nói tới đồ họa của game, hồi bé tôi nhìn thế nào cũng thấy bọn kẻ địch như một đám người chim mặt mày cau có, và cái thái độ lầm lì nguy hiểm của bọn chúng lúc đứng yên mỗi đầu màn chơi trông chỉ muốn… đá cho một phát. Và điều tuyệt vời nhất mà chúng ta có thể làm trong game thực sự được phép đá ngã chúng trước khi chúng kịp bơm bóng bay! Phải thú thực đây là phần tôi thích nhất khi chơi trò này, vì mỗi lần đốn ngã được một kẻ địch trước khi nó bơm bóng, đó thực sự là một cảm giác hả hê khó tả! Càng ở những màn chơi sau, số kẻ địch càng nhiều hơn, địa hình của màn chơi cũng phức tạp hơn (nhiều chướng ngại có thể thổi bạn bạt đi hoặc chích bể bóng của bạn), chưa kể từng màu sắc của kẻ địch còn quy định tốc độ của chúng (hãy cẩn thận với tên màu xanh lá!), chúng bay nhanh hơn và bay cao hơn bạn, đó chính là vấn đề!
2. Đặt bom – Bomberman (Hudson Soft 1983)
Đây thì không hề là một trò xa lạ chút nào. Các bạn trẻ sau này có Boom Online thì thời kì trước bọn già chúng tôi cũng có Bomberman. Trong game chúng ta sẽ đến với hành tinh Bomber, và bạn sẽ phải tìm ra cánh cửa bị ẩn dưới những bức tường trong mê cung, bằng bom! Không chỉ có vậy, những bọn kẻ thù quái đản (lũ củ tỏi, bọn bong bóng, mấy gã hình hộp hay đám ma xuyên tường…) luôn lăm le đuổi theo hại chết bạn. Bạn có thể dùng bom để xử đẹp bọn chúng, tận dụng quỹ thời gian để la cà khắp màn chơi tìm thêm “hàng nóng” – những món giúp nâng cấp sức công phá bom của bạn, hoặc cho bạn khả năng phi thường như đi xuyên tường, không bị bom nổ chết, điều khiển kíp nổ của bom… Nghe có vẻ đơn giản và lại còn với chế độ single player, nhiều bạn trẻ sẽ nghĩ trò này nhàm chán. Nhưng không, tôi dám cam đoan trò đặt bom này gây nghiện vô cùng, từ màu sắc rực rỡ, tạo hình nhân vật rất thú vị (lũ kẻ địch luôn sẽ khiến bạn bất ngờ với hình dạng và biểu cảm của chúng), và nhất là cảm giác sục sạo khắp nơi để tìm “đồ chơi” núp sau những bức tường. Theo kinh nghiệm cho thấy, 99.99% những đứa từng chơi đều háo hức đi tìm “hàng nóng” nhiều hơn là tìm cửa thoát.
Một nhắc nhớ to bự cho những ai không biết, ĐỪNG BAO GIỜ ĐẶT BOM NGAY CỬA NHÉ!!
3. Na Tra cứu mẹ – Legend of Kage (Taito 1985)
Điều đầu tiên cuốn hút tôi vào trò này chính là âm nhạc của nó. Phải thừa nhận đây là một trong những bản nhạc bắt tai với giai điệu đậm mùi hào hùng nhất của tuổi thơ (trong tuyển tập gồm nhạc Tây Du Kí, nhạc Bao Thanh Thiên…). Tiếp theo là ấn tượng về nhân vật chính: sao giống Na Tra thế? Quần áo màu đỏ lại còn búi tóc. Mãi về sau tôi mới biết hắn là một ninja, trong game hắn dùng một cái nunchaku xoay xoay để chiến đấu, ném shuriken hạ sát đối thủ, dùng bùa đủ màu để tăng sức mạnh và diệt kẻ thù. Nhiệm vụ của hắn là phi qua rừng qua gió qua 4 mùa bão giông để đi cứu một nàng công chúa (mà hồi nhỏ tôi cứ tưởng là mẹ hắn, nghĩ lại cũng không hiểu vì sao mình tự mặc định đó là mẹ nữa), còn nàng công chúa cứ được cứu rồi lại… bị bắt tiếp. Chúng ta có cảm giác sẽ chơi trò này trong một vòng lặp liên tục, tôi nhớ mình đã đi cứu công chúa 4-5 lần gì đó và sau đó quyết định chơi trò khác vì có lẽ nàng ấy sẽ cứ bị bắt mãi như thế. Có ai đủ kiên nhẫn chơi đến cuối có thể chia sẻ kết thúc của trò này không?
4. Bắn ruồi – Galaxian (Namcot 1979)
“Ê cậu ở đằng kia chơi Galaga kìa!”
Câu thoại nổi tiếng của Captain America mà ai cũng phải bật cười trong Avengers đã cho thấy độ nổi tiếng của game. Không đâu xa lạ, đó chính là hậu thế của trò Bắn Ruồi huyền thoại mà khi nhỏ chúng ta đều đã chơi. Phải thừa nhận lúc bé lũ trẻ thực sự có trí tưởng tượng phong phú, trò nào cũng có thể đặt tên được, mà nghe cũng có lí phết! Trò này thì chắc không cần nói nhiều, với chế độ hai người chơi, nhiệm vụ của chúng ta đơn giản chính là tiêu diệt hết bọn tàu kẻ địch (có hình dáng y chang mấy con côn trùng) trên màn hình để kết thúc mỗi màn chơi. Càng về sau, độ khó càng tăng lên bằng việc lũ tàu kẻ địch sẽ bay lượn và thả bom nhiều hơn, mà chúng ta chỉ có thể chạy qua chạy lại theo chiều ngang màn hình để né. Có thể càng đơn giản thì càng gây nghiện, chỉ với nguyên tắc luật chơi đơn giản như thế nhưng lũ trẻ ngày xưa có thể ngồi hàng tiếng đồng hồ để mà bắn hết màn này đến màn khác, game over thì chơi lại từ đầu. Và thú thật thì không chỉ có bọn trẻ con Việt Nam, mà tất cả những đứa trẻ toàn thế giới đều như thế, từ game thùng đến máy NES gia đình. Không có bất kì sự phân biệt nào cho niềm vui thích cả, đúng không?
5. Tuyệt đỉnh kung fu – Yie Ar Kung Fu (Konami 1984)
Lại thêm một game có nhạc siêu đỉnh! Bài nhạc nền của game đã dính chặt trong não tôi từ bé đến lớn, đến mãi sau này đi mò lại nhạc game xưa, đây vẫn là bài hát tâm đắc nhất! Sau đó phải nói đến độ khó và độ dị của nhân vật phản diện. Là một game song đấu khá điển hình của Konami, bạn sẽ vô vai anh Lý nào đó (Lý Tiểu Long chăng?) phải đánh bại các đối thủ để qua màn, và mỗi màn chơi những kẻ thù của bạn lại có thêm những tuyệt kỹ khó đỡ. Ban đầu là một gã bồ tượng cầm gậy, rồi tới tên cao to đen hôi dùng dây xích, một cô nàng áo hồng (trông như Chun-Li!?) ném quạt, một gã béo biết phun lửa (trông như hắn đang khạc nước bọt vào mặt chúng ta), và cuối cùng là tên quần trắng nào đó biết khinh công. Các vòng chơi sẽ xoay vần với những nhân vật đó. Mỗi lần gặp lại, địch thủ sẽ lợi hại hơn lần trước (cho đúng với logic mài luyện võ công trả thù?), ra đòn hiểm ác hơn, nhanh chóng tiễn bạn về chầu trời hơn. Không biết mọi người thì thế nào, bản thân người viết đi được tời vòng chơi thứ 2 là đã trần ai khoai củ lắm rồi.
Mà có ai giải thích dùm tại sao nhân vật chính lại mặc quần hồng không?
theo Ốp La/motgame