Trạng thái giằng co, rung lắc vẫn chủ đạo trong phiên sáng nay (4/10). Phần lớn thời gian, VN-Index vận động dưới vùng tham chiếu và tạm kết phiên sáng tại 1.275,26 điểm, ghi nhận mức điều chỉnh 2,84 điểm tương ứng 0,22%.
Trên HNX, chỉ số giảm 0,52 điểm tương ứng 0,22% còn trên UPCoM, mức điều chỉnh của chỉ số đại diện là 0,38 điểm tương ứng 0,42%.
Thanh khoản co hẹp mạnh so với phiên hôm qua cho thấy sự thận trọng của giới đầu tư. Khối lượng giao dịch trên HoSE đạt 266,79 triệu cổ phiếu tương ứng 5.773,16 tỷ đồng. Các con số này trên HNX là 24,91 triệu cổ phiếu tương ứng 586,97 tỷ đồng và trên thị trường UPCoM là 20,76 triệu cổ phiếu tương ứng 253,64 tỷ đồng.
Độ rộng thị trường nghiêng về phía các mã giảm với 443 mã giảm giá, 18 mã giảm sàn so với 252 mã tăng, 22 mã tăng trần trên cả 3 sàn. Riêng sàn HoSE có 107 mã tăng, 246 mã giảm.
Cổ phiếu ngân hàng vẫn đang được giao dịch mạnh nhất, song nhịp độ giao dịch đã trầm lắng hơn các phiên gần đây. Mã được khớp mạnh nhất là VPB với khối lượng đạt 17,4 triệu cổ phiếu; TPB khớp 11,2 triệu cổ phiếu.
Ngoài VPB và OCB đạt trạng thái tăng thì các mã ngân hàng khác bị điều chỉnh, mức giảm không lớn. Một số mã có mức điều chỉnh trên 1% là EIB, STB, MSB, CTG, MBB.
Nhóm dịch vụ tài chính cũng nhuốm sắc đỏ tại nhiều mã cổ phiếu như ORS, APG, TVS, VCI, VIX, DSE, VDS, SSI, TVB. Số ít mã vẫn giữ được trạng thái tăng là BSI, HCM, CTS và FTS.
Đang có tình trạng phân hóa ở nhóm ngành bất động sản. Trong khi nhiều mã chịu áp lực điều chỉnh như LGL giảm 5,1%; VRC giảm 4,4%; SGR giảm 2,7%; FIR giảm 1,1%; BCM giảm 1%; VRE, VHM, VIC và VHM cùng giảm nhẹ thì chiều ngược lại, PDR tăng 1,9%; TDC tăng 1,6%; NTL tăng 1,2%.
Cổ phiếu NVL trong sáng nay hồi phục, tăng 0,5% lên 10.900 đồng. Khớp lệnh tại NVL là 2,8 triệu cổ phiếu. Phiên hôm qua, mã này điều chỉnh nhưng mức giảm cũng chỉ ở mức 1,81%, dù vậy, khối lượng khớp lệnh phiên hôm qua khá cao, đạt 14,6 triệu cổ phiếu. Mức giá của NVL đang ở vùng đáy lịch sử với mức giá thấp nhất năm thiết lập hôm qua, ở mức 10.850 đồng.
Chiều qua (3/10), Novaland đã đăng thông tin khẳng định không liên quan đến dự án Việt Phát và Công ty Tân Thành Long An mà trước đó tại tòa bà Trương Mỹ Lan (Vạn Thịnh Phát) đã nêu.
Novaland nhấn mạnh rằng, doanh nghiệp này luôn đặt việc tìm kiếm và mở rộng quỹ đất lên hàng đầu và đây là một trong những trọng tâm hoạt động của doanh nghiệp nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững.
Trong quá trình mở rộng hoạt động kinh doanh, năm 2022, Novaland đã hợp tác với Công ty cổ phần Đầu tư Tân Thành Long An phát triển dự án Khu công nghiệp và Khu đô thị Việt Phát. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện dự án, Công ty Tân Thành Long An đã có yêu cầu tạm dừng việc phát triển dự án.
"Novaland xin khẳng định không nhận được bất kỳ ủy quyền nào từ Công ty Tân Thành Long An để thực hiện các hoạt động đầu tư, kinh doanh khác, bao gồm cả việc phát hành trái phiếu. Do đó, việc bà Trương Mỹ Lan đề cập đến việc đàm phán với Tập đoàn Novaland trong phiên tòa xét xử vụ án hình sự Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (ngày 1/10) là hoàn toàn không có cơ sở" - thông báo của Novaland nêu.
Theo Novaland, trên thực tế, Novaland chỉ đóng vai trò là đơn vị phát triển dự án Việt Phát. Novaland cũng khẳng định không liên quan đến việc phát hành và sử dụng hay nhận chuyển nhượng dự án liên quan đến gói trái phiếu An Đông, chuỗi khách sạn Liberty.
Trước đó, trong phiên xét xử ngày 1/10, bà Trương Mỹ Lan đã đề nghị Novaland thanh toán 2.500 tỷ đồng bằng tiền mặt liên quan đến dự án Tân Thành Long An để khắc phục hậu quả của vụ án.
(责任编辑:Ngoại Hạng Anh)