Bộ Tài chính vừa đề xuất Chính phủ giảm 50% lệ phí trước bạ với các xe ô tô lắp ráp trong nước trong 6 tháng,ịtrườngôtôđợichínhsáchđểbùngnổltdbd hom nay tới đầu năm 2022. Nếu kịp thời được thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 15/11/2021, đây sẽ là đòn bẩy cho thị trường ô tô Việt Nam vào đúng thời điểm mua sắm đón Tết Nguyên đán.
Chính sách của Bộ Tài chính đưa ra sau thời gian thị trường ô tô Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng từ hai đợt dịch bùng phát khiến một số địa phương nhất là Hà Nội và TP.HCM phải giãn cách trong nhiều tháng.
Theo Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô VAMA, kể từ khi đợt dịch thứ tư bùng phát, nhiều nhà máy của các hãng thành viên đã có những quãng thời gian tạm dừng sản xuất. Một số doanh nghiệp có thể hoạt động trở lại và doanh nghiệp hoạt động sản xuất bình thường gặp trở ngại là lượng xe tồn kho rất lớn do các đại lý dừng hoạt động.
Thị trường ô tô Việt Nam có thể lấy lại đà tăng trưởng nhờ chính sách mới.
VAMA ước tính, hơn 200 đại lý ô tô thuộc thành viên vẫn đang đóng cửa, hơn 200 xưởng dịch vụ không thể hoạt động. Chuỗi cung ứng, các hoạt động phân phối bị đình trệ và ảnh hưởng nặng nề, nhiều công ty ghi nhận mức giảm doanh số trên 60%.
Thị trường ô tô Việt Nam đã sụt giảm trong nhiều tháng liên tiếp. Đáng chú ý là tháng 8 vừa qua, ghi nhận doanh số theo tháng giảm kỷ lục trong vòng 5 năm trở lại đây khi có chưa đầy 9.000 xe được bán ra trên toàn thị trường. Lượng xe bán ra trong tháng 8/2021 còn thấp hơn tới 3.000 xe so với con số chạm đáy là tháng 2/2016.
Giảm lệ phí trước bạ không làm giảm giá xe nhưng giúp giá lăn bánh rẻ hơn, người tiêu dùng có lợi và không ảnh hưởng doanh thu của doanh nghiệp. Do đó, nếu Dự thảo Nghị định giảm 50% lệ phí trước bạ sớm được thông qua, xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước sẽ có thêm sức hút kích cầu đối với người tiêu dùng.
Một số đại lý cho biết, thông tin đề xuất giảm 50% phí trước bạ đã ngay lập tức thu hút sự quan tâm của các khách hàng và có tác động không nhỏ tới quyết định mua xe. Nhiều người có tâm lý đợi giảm phí mới mua, một số khác sẵn sàng xuống tiền ngay nhưng chờ đợi “ra biển” sau để có thể được giảm phí. Đây được xem là tín hiệu tốt giúp các hãng "chạy" doanh số trong mùa mua sắm cuối năm.
Thực tế cho thấy, chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ đối với xe sản xuất lắp ráp trong nước do Chính phủ ban hành năm 2020 đã mang lại những tác động tích cực với thị trường ô tô Việt Nam. Số liệu từ VAMA cho thấy, 6 tháng cuối năm 2020, sản lượng ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước tăng đều qua các tháng. Đặc biệt trong tháng 11 và tháng 12/2020, số lượng xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước bán ra tăng mạnh với mức tăng lần lượt là 14,7% và 25% so với tháng liền kề trước đó.
Chính sách này cũng góp phần không nhỏ trong việc hỗ trợ các nhà sản xuất, phân phối tiêu thụ được lượng xe tồn kho kể từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, cũng như nối lại chuỗi cung ứng, gia tăng sản xuất.
Bộ Tài chính đánh giá: “Cùng với việc thực hiện các chính sách khác hỗ trợ cho ngành công nghiệp ô tô, việc giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đã tạo động lực thúc đẩy phát triển ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước. Từ đó, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, đảm bảo an sinh xã hội, có tác dụng lan tỏa sang các ngành kinh tế khác”.
Hoàng Nam
Bộ Tài chính đề xuất giảm 50% lệ phí trước bạ cho xe lắp ráp trong nước từ 15/11
Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ giảm 50% lệ phí trước bạ với các xe ô tô lắp ráp trong nước và có hiệu lực thi hành từ ngày 15/11/2021. Chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ được đề xuất kéo dài 6 tháng.