Chuyến công du trong hai ngày 8-9/1 được dư luận thế giới đặc biệt quan tâm không chỉ bởi hiếm khi các nhà lãnh đạo Triều Tiên ra nước ngoài vào thời điểm đầu năm mới mà còn có nhiều ý nghĩa quan trọng khác.
Vài tháng gần đây,ÝnghĩađặcbiệttừchuyếnthămTQthứcủkết quả peru Triều Tiên và Mỹ đang gấp rút chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh song phương lần thứ 2, trong bối cảnh việc triển khai thực hiện các cam kết của cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ nhất cách đây gần 7 tháng vẫn hầu như dẫm chân tại chỗ.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un |
Chính vì vậy, giới phân tích quốc tế cho rằng ngoài việc thể thiện với thế giới rằng mối quan hệ Trung - Triều đang tốt đẹp, chuyến thăm còn có những thông điệp sâu xa hơn.
Chỉ hơn 1 tuần trước chuyến đi, trong phát biểu chào Năm mới 2019, ông Kim Jong Un đã tái khẳng định cam kết phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, song kèm theo những lập trường hết sức cứng rắn với Mỹ.
Ông cảnh báo nếu tình hình không cải thiện, cụ thể là nếu các đề xuất nới lỏng trừng phạt và bảo đảm an ninh không được đưa ra, Bình Nhưỡng có thể sẽ phải tìm “hướng đi mới”. Và trong cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cần Bình lần này, ông Kim đã bày tỏ quan ngại về những bế tắc trong tiến trình phi hạt nhân hóa hiện nay cũng như trong quá trình cải thiện quan hệ Mỹ - Triều.
Một mặt bày tỏ nỗ lực để cuộc gặp thượng đỉnh lần hai với Tổng thống Mỹ Donald Trump đạt kết quả khả quan, mặt khác nhà lãnh đạo Triều Tiên một lần nữa khẳng định không thay đổi lập trường về phi hạt nhân hóa.
Rõ ràng, đây là những thông điệp ông Kim Jong Un muốn gửi tới Washington, và bằng chuyến đi này, ông muốn tối đa hóa lợi thế đàm phán trước cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ hai với Tổng thống Trump.
Giáo sư Kim Han-kwon, thuộc Học viện Ngoại giao Quốc gia Hàn Quốc, nhận định Triều Tiên và Trung Quốc đang phối hợp các lợi ích chiến lược trước thềm cuộc gặp quan trọng với Mỹ.
Còn theo Giáo sư Ruediger Frank tại Đại học Vienna, tuyên bố của ông Kim Jong Un về việc tìm một “hướng đi mới” không ám chỉ tới các cuộc thử tên lửa khác, mà chính là một thông điệp chuyển tới ông Trump, rằng Mỹ không phải là lựa chọn duy nhất của Bình Nhưỡng cho an ninh và kinh tế.
Giáo sư Frank khẳng định: “Nếu Mỹ từ chối hợp tác, Triều Tiên sẽ phớt lờ Mỹ và quay sang Trung Quốc. Và tất nhiên là kéo cả Hàn Quốc đi cùng”.
Trung Quốc lâu nay là đồng minh ngoại giao then chốt của Triều Tiên, cũng là đối tác thương mại lớn và quan trọng nhất của Bình Nhưỡng, đồng thời là nhà cung cấp nhiều mặt hàng, từ nhiên liệu tới thực phẩm.
Các chuyến bay của hãng hàng không quốc gia Triều Tiên tới Trung Quốc và tuyến đường sắt nối liền hai nước là những tuyến giao thông duy nhất kết nối Triều Tiên với thế giới bên ngoài, và cũng là huyết mạch của nền kinh tế nước này.
Với vị thế của mình, Trung Quốc có thể dễ dàng vô hiệu hóa chiến lược “gây áp lực tối đa” với Bình Nhưỡng của Tổng thống Trump, bởi hầu hết dòng chảy thương mại nước ngoài của Triều Tiên đều đi qua Trung Quốc.
Chính vì vậy, không có gì vô lý khi nhà lãnh đạo Triều Tiên muốn biết quan điểm của Trung Quốc về cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai, mặt khác cũng muốn có được những hứa hẹn của Bắc Kinh trong trường hợp cuộc gặp trắc trở hoặc không đạt kết quả như mong muốn.
Ông Harry Kazianis, chuyên gia về Triều Tiên tại Trung tâm Lợi ích Quốc gia của Hàn Quốc, cho rằng “Trung Quốc chính là lựa chọn khác mà ông Kim Jong Un nhắc đến trong bài phát biểu đầu Năm Mới”.
Còn đối với Trung Quốc, việc Chủ tịch Tập Cận Bình mời ông Kim sang thăm đúng vào thời điểm nước này bắt đầu tiến hành cuộc đàm phán đầu tiên với Mỹ trong thời hạn 90 ngày “đình chiến thương mại” cho thấy Bắc Kinh muốn sử dụng “quân bài” Triều Tiên trong thương lượng với Mỹ khi cần thiết.
Vai trò của Trung Quốc trong tiến trình phi hạt nhân hóa Triều Tiên đã được chính Tổng thống Trump thừa nhận và Washington luôn mong muốn Bắc Kinh hợp tác để kiềm chế Bình Nhưỡng. Bên cạnh đó, nếu có được sự phối hợp của Trung Quốc, Mỹ và Triều Tiên có thể tạo dựng được lòng tin vững vàng hơn trong đàm phán.
Nắm rõ vị thế của mình trong hồ sơ nóng hàng đầu thế giới này, chính quyền Bắc Kinh không thể bỏ lỡ cơ hội để “mặc cả” với Mỹ trong vấn đề thương mại, nhất là khi lập trường của ông Trump vẫn hết sức cứng rắn và tiến trình thương lượng Mỹ - Trung còn nhiều khó khăn.
Chưa rõ những tính toán hay những thông điệp mà hai bên đưa ra có thể tác động đến đâu đối với Mỹ, nhưng rõ ràng chuyến thăm đã là cơ hội tốt để lãnh đạo Trung Quốc và Triều Tiên cùng xây dựng hình ảnh và củng cố vị thế của mình.
Tình hình bán đảo Triều Tiên thời gian qua đã có những bước tiến tích cực rõ rệt, song để thực sự thúc đẩy tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, giải tỏa tình thế bế tắc giằng dai hiện nay, cả Mỹ, Triều Tiên và Trung Quốc đều cần không chỉ thiện chí mà phải thẳng thắn làm tròn nghĩa vụ của mình, thông qua những hành động cụ thể.
Theo TTXVN/Baotintuc