Tuy nhiên,útthuốcnơicôngcộtỉ lệ lèo nhu cầu sử dụng thuốc lá truyền thống vẫn còn rất mạnh mẽ, đặc biệt là ở các đô thị lớn. Hiện tại, khoảng 22,5% dân số trưởng thành tại Việt Nam sử dụng thuốc lá. Các thành phố lớn như Hà Nội và TP HCM có tỷ lệ hút thuốc cao hơn do mật độ dân cư lớn đi kèm lối sống thành thị.
Việt Nam, trong khi đó, đang thiếu các khu vực hút thuốc công cộng, là không gian riêng để bảo vệ sức khỏe, an toàn cháy nổ và đảm bảo vệ sinh. Dù Luật Phòng chống tác hại thuốc lá 2012 đã cấm hút tại nhiều nơi, việc thực thi ở nơi công cộng vẫn chưa hiệu quả.
Khu vực hút thuốc riêng biệt (DSA - Designated Smoking Area) là không gian được thiết kế dành riêng cho người hút thuốc, thường nằm tách biệt và được trang bị các biện pháp giảm thiểu tác hại của khói thuốc với môi trường và cộng đồng xung quanh. Những khu vực này giúp hạn chế khói thuốc thụ động và khuyến khích tuân thủ quy định cấm hút thuốc nơi công cộng, góp phần nâng cao ý thức cộng đồng.
Trong lịch sử, DSA là không gian riêng tư trong các gia đình thượng lưu ở Paris và London, nơi đàn ông tụ họp để hút thuốc sau bữa ăn.
Vào thế kỷ 20, phòng chờ hút thuốc xuất hiện trên tàu hỏa, tàu thủy và trong các máy bay thời kỳ đầu. Tuy nhiên, sự phản đối hút thuốc nơi công cộng gia tăng từ giữa thế kỷ 20, dẫn đến việc phân chia khu vực hút thuốc và không hút thuốc trên máy bay vào thập niên 1970. Một thời gian sau, với nhận thức về tác hại của thuốc lá, nhiều quốc gia đã cấm hút thuốc trong không gian công cộng và phương tiện giao thông, như Mỹ cấm hút thuốc trên các chuyến bay nội địa từ năm 1988 và quốc tế từ năm 1996.
Cùng với sự gia tăng nhận thức về tác hại của khói thuốc thụ động, các khu vực hút thuốc công cộng bắt đầu được quy hoạch tại sân bay, nhà ga, và tòa nhà thương mại. Trong những năm 1980 và 1990, các trung tâm mua sắm ở châu Âu, Bắc Mỹ và Nhật Bản bắt đầu triển khai khu vực hút thuốc riêng biệt, như một phần của chính sách không khói thuốc. Những nơi này thường được thiết kế là không gian khép kín với hệ thống thông gió cải tiến để giảm thiểu sự lan tỏa của khói thuốc.
Nghiên cứu của L. Alevantis và Jeff Wagner trong bài báo "Designing for Smoking Rooms" trên tạp chí ASHRAE Journal(2003) khuyến nghị phòng hút thuốc cần duy trì áp suất thấp hơn khu vực xung quanh (từ -5 đến -7 Pa) để đảm bảo thông gió hiệu quả và giảm tác động của khói thuốc. Không khí trong phòng cần được xả trực tiếp ra ngoài, không tái tuần hoàn, và cửa trượt tự động giúp giảm rò rỉ khói ra khu vực không hút thuốc, từ đó bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Khi thiết kế khu vực hút thuốc, cần tuân thủ các tiêu chuẩn như: vị trí không nằm trong các khu vực cấm hút thuốc, cách ít nhất 5 mét từ lối vào, lối ra của tòa nhà và các tuyến đường chính. Khu vực hút thuốc không vượt quá 10 m² và phải được phân chia rõ ràng, có biển chỉ dẫn "Khu vực hút thuốc". Ngoài ra, cần trang bị thùng đựng tàn thuốc, bảng thông tin giáo dục về việc bỏ thuốc lá, và không có biểu tượng hay tên các công ty thuốc lá. Ngoài ra, có thể trang bị mái che và hạn chế tiện nghi như ghế ngồi.
Khu vực hút thuốc nên được bố trí ở các không gian như nhà hàng, quán cà phê và khách sạn, với các khu vực ngoài trời hoặc có tường ngăn, được thiết kế đặc biệt để hạn chế khói thuốc lan ra ngoài khu vực hút. Các công viên lớn và không gian công cộng trong thành phố cũng cần có các khu vực hút thuốc riêng biệt, với bảng chỉ dẫn rõ ràng dễ nhận biết để đảm bảo không ảnh hưởng đến các khu vực vui chơi, giải trí dành cho gia đình và trẻ em. Ngoài ra, tại các văn phòng và tòa nhà thương mại, khu vực hút thuốc nên được bố trí ở những nơi cách biệt, thường là ngoài trời hoặc trong những khu vực thông gió tốt.
Khu vực hút thuốc ngoài trời nên kết hợp thùng rác có nắp và khay kim loại ở trên để chống cháy. Đây là giải pháp đơn giản và hiệu quả giúp hình thành thói quen hút thuốc và vứt tàn đúng nơi quy định, đồng thời thuận tiện cho việc dọn dẹp tàn thuốc. Khu vực này cần được kẻ vạch sơn màu vàng phản quang, để dễ nhận diện.
Theo tâm lý học, con người có xu hướng bắt chước hành vi của người khác trong môi trường xung quanh. Khi thấy tàn thuốc được vứt đúng chỗ trên nắp thùng rác, người đi đường thường tự nguyện làm theo. Đối với những người hút thuốc trong khu vực công cộng, khi nhận thức được hành động của mình ảnh hưởng đến môi trường chung, họ sẽ cảm thấy trách nhiệm trong việc giữ gìn vệ sinh và an toàn cho khu vực.
Thiết lập các tiêu chuẩn và thiết kế khu vực hút thuốc hợp lý là bước cần thiết để giảm thiểu tác động của khói thuốc đối với sức khỏe cộng đồng tại Việt Nam. Việc tạo ra không gian hút thuốc cách biệt, vệ sinh và an toàn không chỉ bảo vệ sức khỏe mà còn giúp giảm tỷ lệ hút thuốc trong cộng đồng, hướng tới một xã hội không khói thuốc.
Trình Phương Quân