Mỹ đang ra sức tước đi nguồn thu từ dầu mỏ vốn là huyết mạch của nền kinh tế Iran. Nước Cộng hòa Hồi giáo bị cáo buộc là đã trả đũa bằng cách tấn công các tàu dầu ở Vịnh Ba Tư.
Với việc Mỹ tăng cường hiện diện quân sự trong khu vực,ồncơnđẩyMỹtỷ số bóng đá đêm hôm và Iran vượt quá các giới hạn đã cam kết trong thỏa thuận hạt nhân năm 2015, nguy cơ tính toán sai dẫn đến chiến tranh rất dễ xảy ra dù cả Mỹ và Iran không mong muốn, theo báo Bloomberg.
Căng thẳng bùng phát thế nào?
Vào tháng 5/2018, Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận năm 2015 mà Iran ký với nhóm P5+1 (Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức). Theo thỏa thuận này, Iran đồng ý với các giới hạn đặt ra đối với chương trình hạt nhân của mình để được nới lỏng cấm vận mà các nước áp đặt vì lo Tehran tìm cách phát triển bom hạt nhân.
Tổng thống Trump cho rằng ông có thể giành được một thỏa thuận tốt hơn từ Iran và bắt đầu tái áp đặt cấm vận cũ kết hợp bổ sung cấm vận mới.
Vào tháng 5/2019, Mỹ tăng cường áp lực bằng cách cho phép các miễn trừ hết hạn (trong đó cho phép 8 chính phủ mua dầu của Iran). Mục đích của chính quyền Trump là đưa xuất khẩu dầu của Iran về con số 0.
Iran bị tác động ra sao?
Iran hiện đang sản xuất dầu với tốc độ chậm chưa từng có kể từ năm 1986, khiến cho cấm vận trở thành một trong những thách thức lớn nhất mà nền kinh tế này phải đối mặt kể từ cuộc cách mạng năm 1979. Cấm vận càng tiếp sức cho lạm phát và làm suy yếu sự ủng hộ trong nước dành cho chính quyền của Tổng thống Hassan Rouhani.
Người Iran cảm thấy bị lừa. Thỏa thuận hạt nhân được kỳ vọng mang lại các lợi ích kinh tế cho Iran nhưng các đòn cấm vận trở lại của Mỹ đã đập tan niềm hy vọng đó.
Iran làm gì để đáp trả?
Iran tuyên bố sẽ không ngồi yên khi bị Mỹ trừng phạt. Nước này cho biết đã vượt qua các giới hạn nêu trong thỏa thuận về mức độ làm giàu uranium và trữ lượng uranium làm giàu.
Tehran cũng bác bỏ mọi cáo buộc của Mỹ rằng nước Cộng hòa Hồi giáo đã thực hiện một loạt vụ tấn công tàu dầu ở Vùng Vịnh thời gian qua.
Hồi tháng 7, Tehran bắt một tàu dầu Anh sau khi tàu Grace 1 chất đầy dầu lửa Iran bị chặn giữ ngoài khơi Gilbratar vì nghi chở dầu tới Syria vi phạm lệnh cấm của EU. Grace 1, hiện đã được đổi tên thành Adrian Darya 1, đã được trả tự do cách đây ít ngày, khiến Mỹ cảnh báo sẽ trừng phạt bất kỳ bên nào trợ giúp con tàu.
Mỹ ngăn các nước giao thương với Iran thế nào?
Cùng với chiến dịch cấm vận, Mỹ dựa vào vai trò nòng cốt mà các ngân hàng Mỹ và đồng đôla đang đảm trách trong nền kinh tế toàn cầu. Bất kỳ quốc gia, tập đoàn hay ngân hàng nào vi phạm các điều khoản cấm vận của Washington thì sẽ bị phong tỏa tài sản trên đất Mỹ hoặc mất khả năng chuyển tiền tới hoặc thông qua các tài khoản ở Mỹ.
Về bản chất, chính quyền Trump đã đặt cược rằng các nước, các ngân hàng và doanh nghiệp trên thế giới sẽ chọn làm ăn với Mỹ hơn là Iran. Điều này đã được chứng minh là đúng vì hầu hết các công ty châu Âu lớn đều tránh xa Iran.
Các nước châu Âu đã làm gì?
Các bên châu Âu tham gia ký kết thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015 đã nghĩ ra một cơ chế đặc biệt để tạo thuận lợi cho thương mại với Iran mà sẽ phá vỡ hệ thống tài chính toàn cầu mà Mỹ đang chi phối. Ý tưởng này cơ bản bắt nguồn từ việc sử dụng một hệ thống trao đổi, trong đó Iran sẽ tích lũy tín dụng cho xuất khẩu của nước này tới châu Âu rồi dùng để mua hàng từ các doanh nghiệp châu Âu. Nhưng cơ chế này, được gọi là Instex, tỏ ra không hiệu quả.
Tại sao ông Trump phản đối thỏa thuận hạt nhân Iran?
Ông Trump muốn đảm bảo Iran "không bao giờ" có được vũ khí hạt nhân. Ông cũng phàn nàn thỏa thuận không giải quyết được những gì ông coi là hành xử ác ý của Iran ở Trung Đông, sự hỗ trợ cho khủng bố hoặc chương trình tên lửa đạn đạo của nước này.
Lịch sử giữa Mỹ và Iran trải qua những gì?
Bất đồng giữa hai nước bắt nguồn từ việc Mỹ hậu thuẫn cho cuộc đảo chính năm 1953 lật đổ Thủ tướng Muhammad Mossadeg để tái lập vương triều Shah Mohammad Reza Pahlavi thân phương Tây. Khi cách mạng Hồi giáo Iran nổ ra, các sinh viên chiếm đại sứ quán Mỹ ở Tehran và bắt 52 người Mỹ làm con tin trong hơn một năm, yêu cầu Mỹ trả lại vua Shah trốn sang đó.
Đáp trả, Washington cắt đứt các quan hệ, bắt đầu cấm vận Iran và tăng dần trừng phạt theo năm tháng. Washington thậm chí liệt Tehran vào diện bảo trợ khủng bố từ năm 1984.
Tháng 4 vừa qua, chính quyền Trump "dán nhãn" tổ chức khủng bố cho Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC).
Rủi ro trong xung đột hiện nay?
Các quan chức châu Âu thường xuyên nhắc lại việc họ không thể ngăn chính quyền Tổng thống George W. Bush khởi xướng cuộc chiến Iraq năm 2003 như một lý do có sức nặng để cứu vãn thỏa thuận Iran.
Các lãnh đạo Mỹ và Iran tuyên bố họ không muốn chiến tranh, nhưng giới chuyên gia lo ngại chỉ một tính toán sai lầm là có thể nhanh chóng gây leo thang tình hình.
Chẳng hạn, hồi tháng 6, Mỹ suýt không kích Iran để trả đũa việc Tehran bắn hạ máy bay do thám không người lái của Hải quân Mỹ. Tổng thống Trump đã hủy chiến dịch vào phút chót với lập luận nó có thể cướp mạng sống của khoảng 150 người.
Thanh Hảo