Hai tuần hỗn loạn tại Hội nghị COP29_kq hạng nhất anh
Thỏa thuận được thông qua sau hơn hai tuần tranh cãi gay gắt, với các cuộc đàm phán đầy bất đồng bị gián đoạn bởi các cuộc tẩy chay, tranh chấp chính trị và thậm chí là những lời ca ngợi nhiên liệu hóa thạch công khai.
Đã có lúc Hội nghị COP29 tại Baku, Azerbaijan, đối mặt với nguy cơ sụp đổ khi nhóm đại diện cho các quốc đảo nhỏ dễ bị tổn thương và các quốc gia kém phát triển nhất rời khỏi bàn đàm phán vào ngày 23/11. Tuy nhiên, đến 2h40 sáng 24/11 (giờ địa phương), tức trễ hơn 30 giờ so với thời hạn dự kiến, tiếng gõ cuối cùng cũng vang lên - đánh dấu thỏa thuận được chấp thuận giữa gần 200 quốc gia.
“Mọi người đều nghi ngờ Azerbaijan có thể làm nên chuyện và đạt thỏa thuận giữa tất cả quốc gia. Nhưng họ đã sai”, ông Mukhtar Babayev, cựu giám đốc công ty dầu khí quốc gia Azerbaijan và chủ tịch Hội nghị COP29, cho biết.
Số tiền 300 tỷ USD sẽ được sử dụng để hỗ trợ các quốc gia nghèo và dễ bị tổn thương đối phó với tình trạng khí hậu khắc nghiệt ngày càng gia tăng và chuyển đổi nền kinh tế sang sử dụng năng lượng sạch.
Hành trình khó khăn
“Đây là một hành trình khó khăn, song chúng tôi đã đạt được thỏa thuận. Mục tiêu tài chính mới này là một chính sách bảo hiểm cho nhân loại, trong bối cảnh các tác động khí hậu ngày càng nghiêm trọng ảnh hưởng đến mọi quốc gia”, ông Simon Stiell, người đứng đầu Công ước khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi Khí hậu, cho biết.
Tuy nhiên, cam kết mới này vẫn còn quá xa so với mức 1.300 tỷ USD mà các nhà kinh tế cho là cần thiết để giúp các quốc gia đang phát triển ứng phó với cuộc khủng hoảng khí hậu mà họ vốn không phải nguyên nhân chính.
Ngay sau khi thỏa thuận được thông qua, đại diện Ấn Độ, bà Chandni Raina, đã phát biểu mạnh mẽ, gọi 300 tỷ USD là “một con số ít ỏi” và cho rằng thỏa thuận này “chỉ là ảo ảnh thị giác” không thể “giải quyết được quy mô thách thức mà chúng ta phải đối mặt”.
Các đại biểu khác cũng không ngần ngại bày tỏ sự chỉ trích.
“Chúng tôi chỉ nhận được một phần nhỏ của nguồn tài chính mà các quốc gia dễ bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu cần khẩn cấp”, bà Tina Stege, đặc phái viên khí hậu của Quần đảo Marshall, nói.
Bà Stege cũng chỉ trích hội nghị thể hiện “mặt tệ nhất của chủ nghĩa cơ hội chính trị”. Bà cho rằng lợi ích của nhiên liệu hóa thạch đã “ngăn cản sự tiến bộ và làm suy yếu các mục tiêu đa phương mà chúng ta đã nỗ lực xây dựng”.
Các đại biểu tranh luận gay gắt tại Hội nghị COP29. Ảnh: Reuters. |
Hội nghị COP29 tập trung nhiều vào vấn đề tài chính, một vấn đề quan trọng nhưng cũng đầy thách thức về mặt chính trị.
Các quốc gia giàu có, vốn chịu trách nhiệm lớn nhất cho sự biến đổi khí hậu, vào năm 2009 đã đồng ý cung cấp 100 tỷ USD mỗi năm cho đến năm 2020 để hỗ trợ các quốc gia đang phát triển. Song phải đến năm 2022, tức trễ hai năm so với hạn chót, họ mới thực hiện được mục tiêu này.
Thỏa thuận mới được thông qua hôm 23/11 yêu cầu các quốc gia giàu có, bao gồm Mỹ và các nước châu Âu, cung cấp 300 tỷ USD mỗi năm đến năm 2035, bao gồm tài chính từ cả nguồn công và tư nhân.
Dù thỏa thuận cũng đề cập đến mục tiêu tham vọng hơn là tăng lên 1.300 tỷ USD, các quốc gia đang phát triển muốn các nước giàu cam kết gánh vác phần lớn con số này và cung cấp dưới dạng viện trợ không hoàn lại thay vì các khoản vay, vì lo ngại các khoản vay sẽ khiến họ thêm nợ nần.
Nhóm G77, đại diện các quốc gia đang phát triển, đã kêu gọi con số 500 tỷ USD. Nhưng các nước giàu đã bác bỏ, cho rằng con số này không khả thi trong bối cảnh kinh tế hiện nay.
“Chúng tôi đã đạt đến giới hạn giữa những gì có thể được thông qua tại các nước phát triển và những gì thực sự có ý nghĩa đối với các nước đang phát triển”, ông Avinash Persaud, cố vấn đặc biệt về biến đổi khí hậu của Ngân hàng Phát triển Liên Mỹ, nhận xét.
Ngoài ra, hội nghị cũng đã thúc đẩy để các nền kinh tế mới nổi giàu có như Trung Quốc và Saudi Arabia đóng góp vào gói tài chính khí hậu, song thỏa thuận chỉ “khuyến khích” các quốc gia đóng góp tự nguyện, và không đặt ra bất kỳ nghĩa vụ nào.
Ông Li Shuo, giám đốc Trung tâm Khí hậu Trung Quốc tại Viện Chính sách Xã hội châu Á, gọi thỏa thuận này là “một sự thỏa hiệp đầy thiếu sót”, phản ánh “bối cảnh địa chính trị ngày càng khó khăn mà thế giới đang đối mặt”.
Kỳ COP đầy hỗn loạn
Hội nghị COP29 diễn ra vào một năm gần như nóng nhất trong lịch sử, khi thế giới bị tàn phá bởi các hiện tượng thời tiết cực đoan gây chết người, bao gồm những cơn bão liên tiếp, lũ lụt thảm khốc, siêu bão tàn phá và hạn hán nghiêm trọng ở miền nam châu Phi.
Sự cấp bách trong việc đối phó với biến đổi khí hậu chưa bao giờ rõ ràng hơn. Song hội nghị lần này vốn vẫn là một kỳ COP đầy thách thức.
Các đại biểu vỗ tay trong cuộc họp bế mạc tại Hội nghị Biến đổi Khí hậu COP29 của Liên Hợp Quốc, tổ chức tại Baku, Azerbaijan, ngày 24/11. Ảnh: Reuters. |
Hội nghị được tổ chức tại Azerbaijan, một quốc gia phụ thuộc lớn vào dầu mỏ, và tràn ngập lợi ích từ ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch. Theo phân tích của liên minh các nhóm Kick Big Polluters Out, hơn 1.700 nhà vận động hành lang và nhân sự từ ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch đã đăng ký tham dự, vượt xa số lượng đại biểu của hầu hết quốc gia.
Việc ông Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ cũng phủ bóng lên hội nghị. Ông Trump từng gọi khủng hoảng khí hậu là một "trò lừa đảo", kêu gọi “khai thác mạnh tay” và cam kết Mỹ sẽ rút khỏi thỏa thuận khí hậu Paris mang tính bước ngoặt, khiến nhiều người lo ngại về tương lai của các hành động khí hậu đa phương.
Saudi Arabia, nhà xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới, vốn luôn phản đối các hành động quyết liệt tại hội nghị khí hậu trước đây, dường như càng trở nên tự tin hơn tại Baku. Họ công khai bác bỏ mọi điều khoản liên quan đến dầu, than đá và khí đốt trong thỏa thuận.
“Đây lại là một kỳ COP đầy bóng tối và dính chàm dầu mỏ”, bà Friederike Otto, nhà khoa học khí hậu tại Đại học Hoàng gia London, nhận định. “Sự quan tâm của công chúng đối với kỳ COP lần này rất thấp, và chủ nghĩa hoài nghi dường như đạt đỉnh điểm”.
Nhiều tổ chức môi trường đã chỉ trích mạnh mẽ kết quả của hội nghị lần này.
“Đây là một trong những cuộc đàm phán khí hậu tồi tệ nhất trong nhiều năm qua, bởi sự thiếu thiện chí từ các quốc gia phát triển”, bà Tasneem Essop, giám đốc điều hành Mạng lưới Hành động vì Khí hậu, tuyên bố. “Hội nghị này lẽ ra phải là hội nghị về tài chính, nhưng các nước phương Bắc lại đến với một kế hoạch phản bội các nước phương Nam”.
Kết quả của hội nghị “chỉ mang đến hy vọng ảo cho những người đang phải gánh chịu hậu quả của các thảm họa khí hậu”, ông Harjeet Singh, từ Sáng kiến Hiệp ước Nhiên liệu Hóa thạch, cũng nhận định. “Chúng ta phải tiếp tục đấu tranh, yêu cầu tăng cường đáng kể quỹ tài chính và buộc các nước phát triển phải chịu trách nhiệm”.
Năm cuốn sách về khí hậu nên đọc
Mục Thế giới giới thiệu với độc giả 5 cuốn sách mà các chuyên gia khí hậu của Quỹ Carnegie vì hòa bình quốc tế cho rằng nên đọc về cuộc khủng hoảng biến đổi khí hậu toàn cầu.
本文地址:http://pro.rgbet01.com/html/210f599466.html
版权声明
本文仅代表作者观点,不代表本站立场。
本文系作者授权发表,未经许可,不得转载。