Một ngày trong rừng bắt đầu bằng việc ăn sáng,ộcsốnggiữarừngsâucủacôngtửSàiGònvàvợtrẻbdkq anh b uống cà phê, ngồi đọc sách, rồi ra vườn làm việc. Ảnh: NVCC |
Buổi sáng nào của Thành An và Mỹ Thuận cũng bắt đầu như thế kể từ khi chuyển vào rừng sống gần 2 năm nay.
Năm 23 tuổi, An là nhân viên môi giới bất động sản, còn Thuận là nhân viên marketing. Giống như những người trẻ khác sống ở Sài Gòn, gần như ngày nào An và Thuận cũng rủ nhau lê la cà phê, đi nhậu với bạn bè. Gần như hai đứa chẳng bao giờ nấu ăn. Mỗi ngày kết thúc lúc 11-12 giờ đêm.
Rồi một ngày, họ nghĩ: “Trời, cuộc đời mình rồi cứ như vậy sao?”
Cả hai nung nấu ý định thoát khỏi vùng an toàn của mình.
Từ lâu, Thuận đã bày tỏ với An ước mơ có một khu vườn trồng hoa và cây trái, trở về làm người nông dân. Mẹ An vốn là dân kinh doanh, luôn khuyến khích con trai đầu tư, kinh doanh để làm giàu. Nhưng đứng trước đề xuất này, bà phân vân nhiều lẽ. Nỗi lo lớn nhất là liệu 2 đứa trẻ mới hơn 20 tuổi đầu có làm nổi không. Trước khi đồng ý “cấp vốn” mua đất, bà yêu cầu 2 đứa phải cam kết.
Có “shark” đầu tư, Thuận và An hăng hái đi tìm đất. Ban đầu, cả hai muốn tìm một mảnh ở Lâm Đồng, gần ba mẹ Thuận, nhưng số tiền không cho phép. Họ chuyển sang Đắk Nông - nơi giá đất rẻ hơn. Công cuộc đi tìm đất của Thuận và An cũng nhiều gian nan. Có lần họ phải băng qua 60km đường rừng bằng xe máy, không hàng quán hay bóng dáng con người, vừa đi vừa sợ, xe lại sắp hết xăng, cả hai nhớ mãi chuyến đi ấy.
Lần khác, đọc được dòng rao bán mảnh đất 10ha trên mạng, giá cả vừa túi tiền, Thuận liều hỏi thử và nhắn người bán gửi ảnh. Ngay sau khi nhìn thấy bức ảnh chụp căn nhà gỗ nằm cạnh hồ nước trong veo, Thuận đã biết mình thuộc về nơi này.
“Thực sự, bọn mình quyết định mua nó vì căn nhà và cái hồ, không hề suy nghĩ tới những yếu tố quan trọng khác. Cũng chính vì căn nhà gỗ và hồ nước ấy, mà bọn mình quyết định dọn về sống luôn, chứ ban đầu chỉ có ý định trồng cây, lâu lâu về một lần” - Thuận chia sẻ về quyết định đầy mộng mơ của 2 đứa.
Ngôi nhà của Thuận và An. Ảnh: NVCC |
Chỉ 3-4 ngày sau, Thuận và An quyết định “xuống tiền”. Lúc này, trong đầu 2 đứa mới bắt đầu hiện lên nhiều nỗi sợ. “Nghe mọi người can ngăn ở đó một mình rồi trộm cướp, rắn rết thì làm sao. Mình nằm khóc ở Sài Gòn vì bị nỗi sợ lấn át” - Thuận kể.
Nhưng chỉ 1 tháng sau, đôi bạn trẻ dắt díu nhau về rừng để sống thử. Thuận bỏ lại váy áo nơi Sài Gòn hoa lệ, chỉ mang về mấy bộ đồ đơn giản cùng chú chó cưng.
Đêm đầu tiên ngủ trong căn nhà gỗ quả thực là một đêm đáng nhớ. “Trời lạnh chừng 12 độ C. Hai đứa chỉ có cái chăn mỏng, nằm dưới sàn nhà, điện nước không có, nhịn cả tắm luôn” – Thuận nhớ lại.
Thời gian đầu chưa lắp điện, 2 đứa phải dùng đèn cầy. Đường nước sinh hoạt phải dẫn từ đầu rừng về nhà mà lại hay tắc. Nhiều hôm An phải lội bộ lên sửa, có lần mất mấy tiếng đồng hồ.
“Còn chuyện gặp rắn rết, bọ cạp thì thường xuyên”.
Thuận kể, những ngày đầu rắn độc còn bò vào tận trong nhà. “Nhiều khi ngồi mà cứ có linh cảm sao đó, quay ra thấy rắn đang bò phía sau, hết hồn luôn. Đến mức, mình bị ám ảnh và nằm mơ thấy rắn suốt”.
Hai đứa vẫn còn nhớ cảm giác hoảng hốt khi kể lại lần con rắn hổ mang to bằng bắp tay bò vào nhà. An đuổi mãi nó mới ra, nhưng cậu chẳng bao giờ lỡ giết con nào, chỉ thả cho nó vào rừng. “Sợ lắm nhưng nghĩ tụi nó chỉ vô tình bò vào nhà mình thôi chứ không chủ đích tấn công mình” - An nói.
“Sóng điện thoại, 3G ở đây thì chập chờn lắm, nhiều khi muốn bắt sóng phải đi 4km lên trung tâm xã. Có lần lên trên đó, sóng ‘ào’ về nhanh dữ, làm mình ‘sốc’ luôn” - An cười sảng khoái nói.
Lao động khiến một 'thiếu gia' An biến thành một người đàn ông trưởng thành. Ảnh: NVCC |
Thuận và An dành 4-5 tiếng mỗi ngày để làm việc trong vườn. Ảnh: NVCC |
Ba tháng sau ngày dọn lên rừng ở, mẹ An từ TP.HCM lên thăm. Thấy cảnh tượng như vậy, bà bật khóc, bắt các con về. Bà kêu: “Làm giàu gì mà thấy tụi bay khổ gần chết”.
Nhưng bà không biết rằng, lúc ấy Thuận và An đã cảm thấy “sung sướng” với cuộc sống mới rồi.
Nếu như Thuận sinh ra trong một gia đình làm nông từ nhỏ, thì An là một 'công tử' Sài Gòn đích thực. Từ một anh chàng lóng ngóng, chẳng biết làm gì, bây giờ cậu phải chẻ củi, bắc bếp, sáng dậy biết mò cơm nguội ăn - món ăn mà hồi ở nhà, cậu không bao giờ đụng tới. “Ở giữa rừng này, nếu không tự nấu hay ăn cơm nguội thì làm gì có gì mà ăn”.
Thời gian đầu mới về rừng, 2 đứa bị “sốc” vì mọi thứ không lung linh, mơ mộng như những gì mình hình dung. Bao nhiêu khó khăn ập đến, nhưng chưa bao giờ Thuận và An có ý định bỏ cuộc. Ngay cả lúc phải đi vay mượn bạn bè khắp nơi để đầu tư.
Sau gần 2 năm “làm hùng hục”, bây giờ 2 bạn trẻ đã có 2 hécta mắc ca, 1 hécta cà phê, các loại bơ, sầu riêng, chuối chiếm 1 hécta. Còn 1 hécta gần suối, Thuận sắp trồng dược liệu trên đó.
Thuận bảo, cô trồng cây không hoá chất, không dùng thuốc trừ sâu, chỉ bón phân chuồng nên năng suất kém hơn người ta, nhưng vì thế mà công việc cũng không nhiều như thông thường. “Chủ yếu là công việc phát cỏ, tỉa tót, mỗi năm bón phân chuồng 1 lần. Mỗi ngày 2 đứa làm vườn khoảng 4-5 tiếng. Còn lại, thời gian dành để đọc sách, trò chuyện và đi đâu cũng bám riết lấy nhau”.
Ngoài những loại cây mang lại thu nhập, Thuận cũng trồng xen thêm cây rừng, chỉ vì muốn mình có một môi trường đa tầng tán, tốt cho hệ sinh thái về sau. Nhiều người đi qua hỏi tại sao lại trồng phong, bạch đàn, không thu hoạch được, cô không biết giải thích sao, chỉ nói “để lấy bóng mát”. Người ta kêu: “Trời, rảnh dữ!”
Khu vực gần suối Thuận dự định trồng dược liệu. Ảnh: NVCC |
Từ ngày về rừng, cuộc sống của Thuận và An thay đổi hoàn toàn. Hai đứa đều đen hơn, gầy hơn nhưng khoẻ ra. Hồi ở Sài Gòn, cứ dăm bữa nửa tháng, An lại ốm. Từ ngày lên rừng, cậu khoẻ lên trông thấy. “Lên đây 8-9h tối đã đi ngủ, sáng ra dậy sớm, ăn sáng, uống cà phê, rồi đọc sách. Cảm thấy mình sống chậm hơn, bớt phán xét, trưởng thành hơn, nhưng điều mà mình cảm nhận được sâu sắc nhất vẫn là hiểu được sự khổ cực của ba mẹ”.
Vì thế, bây giờ mỗi lần về Sài Gòn là An lại tìm ba mẹ tâm sự. Cậu thuyết phục ba mẹ lên rừng sống cùng mình. Ban đầu, mẹ An không mặn mà mấy chuyện rau củ sạch, nhưng sau dần bà bị thuyết phục và truyền cảm hứng từ 2 con. Bây giờ, những khi muốn nghỉ ngơi, bà lại lên căn nhà gỗ. Bà đã mua sẵn một miếng đất gần đó, sắp tới dự định chuyển về dưỡng già luôn.
Khi được hỏi Thuận mong muốn điều gì nhất bây giờ, cô nói: “Sau một thời gian, mình nhận thấy mình không thể sống một mình mãi như thế này được. Bọn mình cần có những người hàng xóm. Hai đứa đang mơ về việc sẽ có những người cùng chí hướng, cùng quan điểm sống với mình lên đây, cùng nhau xây dựng một cộng đồng. Thậm chí, sau này bọn mình có thể đón khách du lịch muốn trải nghiệm cuộc sống ở rừng đích thực”.
Sau bao khó khăn thời gian đầu, hiện tại cả hai đang tận hưởng cuộc sống bình yên. Ảnh: NVCC |
Thuận mừng rỡ khoe, cuối năm nay 2 đứa sẽ có một gia đình hàng xóm gồm 2 vợ chồng và 2 đứa con chuyển về sống cùng. Đó cũng là điều mà Thuận và An trăn trở nhất nếu sau này có con.
“Bọn mình không lo về giáo dục, y tế hay cơ sở vật chất. Những đứa trẻ ở đây vẫn được đi học, trường học cách 4km. Nếu muốn, con có thể học online. Bây giờ, các khoá học trên mạng cũng rất nhiều, chỉ cần có kết nối Internet. Cái được lớn nhất là con mình sẽ được sống hoà mình vào thiên nhiên với những ký ức tuyệt vời. Duy chỉ có điều bọn mình lo nhất là con cần có bạn để giao tiếp”.
25 tuổi, sống ở nơi mà nhiều tay phượt chuyên nghiệp cũng phải thốt lên: “Sao lại chui được vào tận đây để ở?”, nhưng cho đến thời điểm hiện tại, Thuận và An chưa bao giờ nuối tiếc về quyết định của mình.
Thuận bảo, bây giờ có nhiều bạn trẻ thích lối sống thuận tự nhiên, bỏ phố về rừng, về quê để sống. “Có thể cuộc sống đó không đẹp lung linh như các bạn thấy trên báo chí hay mạng xã hội. Nhưng các bạn hãy thử đi. Vì bọn mình còn trẻ nên được phép sai. Sai thì mình sẽ làm lại".
Họ tổ chức một đám cưới nhỏ vào tháng 8 mới đây. Ảnh: NVCC |
Gần 2 năm ở rừng, Thuận và An có cơ hội đối thoại và chia sẻ với nhau nhiều hơn. |
Họ trưởng thành, sống chậm lại và bớt phán xét. Ảnh: NVCC |
Thuận trồng nhiều hoa quanh nhà. Ảnh: NVCC |
Từ khi về rừng, cả 2 đứa đều đen hơn, gầy hơn, khoẻ ra. Ảnh: NVCC |
Rau củ tự cung tự cấp. Ảnh: NVCC |
Đàn chó giờ đã lên đến 5 con. Ảnh: NVCC |
Họ hi vọng sẽ sớm có những người hàng xóm cùng chí hướng. Ảnh: NVCC |
Từ Sài Gòn, chuyển về sống trong căn nhà nhỏ giữa bản làng cùng chú chó tên Tu Tu, thỉnh thoảng Thắng lại nghe tiếng gọi í ới của hàng xóm.