Đó là tình cảnh hiện tại của nhiều công nhân Công ty Cổ phần khóa Minh Khai (Thanh Trì,ươnghiệukhóavangdanhmộtthờinợBHXHnămngườilaođộngkhốnđốbxh australia a-league Hà Nội).
Không dám xin nghỉ sợ bị mất chế độ
Từng là một trong những thương hiệu khóa vang danh cả nước, đến nay, Công ty Cổ phần khóa Minh Khai hoạt động cầm chừng, nợ bảo hiểm xã hội kéo dài.
Số công nhân còn làm việc tại công ty chỉ đếm trên đầu ngón tay. Điều đáng nói, 10 năm qua, doanh nghiệp này đã nợ đọng bảo hiểm xã hội, nhiều quyền lợi của người lao động đang bị "treo".
Công ăn, việc làm giảm sút, chị Nguyễn Thị Minh Hạnh chỉ đến công ty làm việc 4 ngày/tuần. Công nhân này vẫn còn thấy may mắn vì "đều" việc hơn những người khác. Còn phần lớn người lao động đều đang nghỉ chờ thôi việc với mức trợ cấp hơn 1 triệu đồng/tháng.
Cầm hơn 2 triệu đồng tiền lương, chị Hạnh thú nhận không đủ tiền mua đồ ăn, thức uống hàng tháng. Chị đã nhiều lần tính nghỉ làm, tìm công việc khác. Song khổ nỗi, công ty nợ bảo hiểm xã hội kéo dài, nên chị lo rằng sẽ khó được chốt sổ bảo hiểm xã hội khi chuyển việc.
Vì lẽ đó, chị đã cố gắng bám trụ nơi này. Nữ công nhân cho biết, người lao động vẫn bị công ty khấu trừ khoản nộp về cơ quan bảo hiểm xã hội. Song thực tế, công ty đã trây ỳ không thực hiện nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội.
Chị Hạnh cũng như những công nhân khác ở công ty nhiều lần kiến nghị lên ban giám đốc. Song, đơn vị không có động thái nào giải quyết, nợ bảo hiểm xã hội ngày một nhiều.
Theo Bảo hiểm xã hội huyện Thanh Trì, doanh nghiệp này nợ đóng bảo hiểm từ tháng 4/2014. Tính đến ngày 30/6/2022, đơn vị đã chậm đóng số tiền lên đến hơn 12 tỷ đồng, trong đó tiền gốc hơn 7 tỷ đồng và tiền lãi là hơn 5 tỷ đồng.
Thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã xuống làm việc và nhiều lần xử phạt về việc nợ đọng bảo hiểm xã hội đối với công ty. Dù đã có nhiều biện pháp, song Công ty Cổ phần khóa Minh Khai vẫn không có động thái giải quyết nợ đọng về bảo hiểm xã hội.
Giải quyết cho người lao động bị "treo" quyền lợi
Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, năm 2022, tổng số tiền chậm đóng bảo hiểm xã hội , bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế phải tính lãi là 13.156 tỷ đồng, chiếm 2,91% số phải thu.
Mặc dù đây là tỉ lệ số tiền chậm đóng trên số phải thu thấp nhất từ năm 2016 trở lại đây nhưng số lao động bị ảnh hưởng quyền lợi lên tới 2,786 triệu người.
Trong đó, có hơn 200.000 lao động bị "treo" quyền lợi vì doanh nghiệp đã phá sản, giải thể hoặc chủ doanh nghiệp bỏ trốn, khó có thể thu hồi được nợ.
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Duy Cường - Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, thời gian vừa qua, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cùng các đơn vị liên quan đã bàn hướng xử lý các nhóm lao động trong doanh nghiệp nợ đọng bảo hiểm xã hội.
Vị này cho biết, trong số trên 200.000 người lao động bị "treo" quyền lợi khi các đơn vị, doanh nghiệp đã phá sản, hoặc đang làm thủ tục phá sản, giải thể, chủ bỏ trốn, có khoảng 20% số người lao động đủ điều kiện hưởng chế độ. Bên cạnh đó, có 40% lao động trong nhóm đó đang tiếp tục làm việc ở các đơn vị mới và 20% số người lao động đã nghỉ việc hiện không tham gia bảo hiểm xã hội…
Sau khi thống kê, các đơn vị đang có đề xuất phương án xử lý với nhóm đối tượng đó.
"Trước mắt, đối với các trường hợp đủ điều kiện sẽ giải quyết cho họ. Nhóm lao động tiếp tục tham gia ở đơn vị mới sẽ được ghi nhận quá trình đóng bảo hiểm xã hội ở đơn vị cũ. Khi sang đơn vị mới làm việc, nếu phát sinh những chế độ quyền lợi sẽ được cộng nối thời gian để không bị vướng. Những người không đi làm ở đâu sẽ được bảo lưu thời gian đóng trên sổ…" - ông Cường nói.
Bên cạnh đó, trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi đang được lấy ý kiến cũng có nhiều nội dung quy định nhằm hạn chế tình trạng chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội.
Theo Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội, rất nhiều giải pháp từ hành chính, kinh tế, tư pháp đều có để ngăn chặn tình trạng trên. Ngoài ra, trong dự thảo luật cũng có hẳn trách nhiệm của người sử dụng lao động. Trong trường hợp doanh nghiệp cứ chậm, trốn thì họ phải bồi thường.