"Mìn chống bộ binh là mối nguy hiểm rõ ràng và hiện hữu đối với dân thường. Ngay cả sau khi chiến sự chấm dứt, những vũ khí kinh hoàng và bừa bãi này vẫn có thể tồn tại, khiến nhiều thế hệ người dân phải sống trong sợ hãi", Tổng thư ký Guterres nhấn mạnh trong một tuyên bố được đăng tải trên trang web của Liên hợp quốc.
Ông Guterres đồng thời kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới tham gia Công ước Ottawa, công ước cấm mìn chống bộ binh và đã được 164 quốc gia ký kết kể từ khi có hiệu lực vào năm 1999.
Vào ngày 20/11, Lầu Năm Góc đã xác nhận chính phủ Mỹ đã cho phép sử dụng mìn chống bộ binh ở Ukraine. Vào ngày 21/11, Bộ Quốc phòng Mỹ đề xuất khả năng chuyển giao thêm mìn chống bộ binh cho Kiev.
Trước đó, Washington Postdẫn các nguồn tin quan chức Mỹ cho biết Lầu Năm Góc tin rằng việc cung cấp mìn chống bộ binh là cách hữu ích nhất mà chính quyền Tổng thống Joe Biden có thể giúp Ukraine.
Quyết định đảo ngược chính sách cấm sử dụng mìn của ông Biden diễn ra ngay sau khi Washington chấp thuận việc cho Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa tấn công sâu vào lãnh thổ Nga. Động thái này được cho là nhằm hỗ trợ Ukraine đạt ưu thế trên chiến trường trước khi Tổng thống đắc cử Donald Trump nhậm chức.
Bình luận về thông tin này, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nhắc lại rằng, chính Ukraine là bên đã ký kết công ước của Liên hợp quốc về cấm mìn chống bộ binh.