Khởi nghiệp với trang trại gà đẻ trứng và nuôi cá nước ngọt từ năm 2009,ộiNôngdânNamĐịnhNhiềugiảiphápđưachuyểnđổisốđếnnôngdâkeonhacai..com đến nay anh Nguyễn Xuân Bắc (xã Trực Hưng, huyện Trực Ninh) đã xây dựng được 2 khu chăn nuôi với tổng diện tích hơn 5 ha. Với khoảng 2700 đến 2800 con gà đẻ, mỗi ngày trang trại của anh Bắc cung cấp ra thị trường 2200-2500 quả trứng. Mới đây, trứng gà của trang trại anh đã được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao.
Để sản phẩm trứng của gia đình anh Bắc mở rộng thị trường, Hội Nông dân xã Trực Hưng đã hỗ trợ anh đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử Postmart.vn.
Anh Nguyễn Xuân Bắc cho biết, trước đây chúng tôi sử dụng mạng xã hội như Facebook, Zalo để bán hàng. Được sự quan tâm của Hội Nông dân xã giới thiệu lên sàn thương mại điện tử, chúng tôi tiếp tục đưa sản phẩm của mình ra thị trường.
Thời gian qua, xác định chuyển đổi số trong sản xuất góp phần đạt sản phẩm chất lượng, Hội Nông dân tỉnh Nam Định đã tập trung tuyên truyền hỗ trợ hội viên nông dân ứng dụng công nghệ số vào sản xuất. Để hỗ trợ hội viên nông dân tiếp cận kiến thức và nâng cao năng lực thực hành, sẵn sàng tham gia vào quá trình chuyển đổi số, Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp với các phòng, ban ngành, đơn vị trong tỉnh tổ chức tập huấn trang bị kiến thức, kỹ năng về chuyển đổi số; Hướng dẫn hỗ trợ nông dân ứng dụng công nghệ số vào sản xuất không chỉ ở những mô hình có quy mô lớn mà ngay từ các vườn mẫu của hộ gia đình; Đăng ký thương hiệu, nhãn hiệu nông sản và đưa các sản phẩm lên sàn thương mại điện tử Buudien.vn cũng như các sàn giao dịch điện tử khác và hướng dẫn bán hàng trên các trang mạng xã hội.
Với vai trò của mình, các cấp hội nông dân trong tỉnh đã tích cực lồng ghép nội dung chuyển đổi số vào phong trào, công tác hội. Nhất là về chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, của tỉnh, huyện về xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số. Từ đó giúp hội viên áp dụng công nghệ số trong các lĩnh vực hoạt động.
Để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong nông nghiệp, 5 năm qua, các cấp hội nông dân trên địa bàn tỉnh Nam Định đã phối hợp tổ chức 250 lớp tập huấn về phát triển kinh tế số cho 25.000 cán bộ hội viên, phối hợp với Bưu điện hướng dẫn hội viên nông dân lập hơn 60.000 tài khoản giao dịch đưa nông sản lên sàn Buudien.vn…
Tính đến hết năm 2023, toàn tỉnh Nam Định có 431 sản phẩm OCOP, trong đó 376 sản phẩm 3 sao, 54 sản phẩm 4 sao, 1 sản phẩm tiềm năng OCOP 5 sao. Những sản phẩm OCOP đã được đưa lên các sàn thương mại điện tử, từ đó tạo được niềm tin cho người tiêu dùng bằng những sản phẩm đặc trưng của địa phương.
Các cấp hội còn duy trì và nhân rộng mô hình Câu lạc bộ Nông dân với Internet, tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực sử dụng điện thoại thông minh và Internet.
Ông Nguyễn Thành, Phó Giám đốc Bưu điện huyện Trực Ninh cho biết, Bưu điện phối hợp với Hội Nông dân huyện đến từng xã để tổ chức hội thảo, tổ chức các buổi tập huấn để hướng dẫn nông dân, các hộ gia đình sản xuất trực tiếp đưa các sản phẩm của mình lên sàn thương mại điện tử. Bưu điện huyện hỗ trợ về kỹ thuật, phương thức vận chuyển, hướng dẫn quy cách đóng gói để hộ nông dân có cách tiếp cận tốt nhất để đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử.
Cùng với sự đồng hành của các cấp hội, bà con nông dân đang dần quan tâm đến chuyển đổi số trong sản xuất kinh doanh, chú trọng đến việc sử dụng các sàn thương mại điện tử, kênh bán hàng trực tuyến, qua đó tạo thêm việc làm cho lao động nông thôn. Thông qua máy tính, điện thoại thông minh, người nông dân Nam Định có thể truy cập cơ sở dữ liệu về sản xuất, nắm bắt thông tin thị trường, giá cả nguyên liệu để phục vụ cho hoạt động sản xuất. Ngoài ra, thông qua ứng dụng của mạng xã hội, người dân đã chủ động xây dựng các trang bán hàng tiêu thụ sản phẩm, kết nối tiêu thụ nông sản của gia đình, HTX, tổ hợp tác, đưa sản phẩm nông nghiệp trở thành sản phẩm hàng hóa trao đổi rộng khắp trên không gian mạng.
Thực tế cho thấy, ứng dụng công nghệ số vào sản xuất nông nghiệp ở Nam Định đã làm giảm 50% chi phí và công lao động, tăng 30% năng suất, nâng cao thu nhập cho bà con nông dân. Ngoài ra, việc này còn giúp giảm ô nhiễm nguồn nước và đất đai, bảo vệ đa dạng sinh học; Thuận tiện cho người tiêu dùng truy xuất, theo dõi các thông số về chất lượng nông sản và yên tâm sử dụng.
Thời gian tới, bên cạnh việc tập trung đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ hỗ trợ cho hội viên nông dân như nguồn vốn vay đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, cung ứng vật tư đầu vào, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm đầu ra... Các cấp hội nông dân tỉnh Nam Định tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hỗ trợ để hội viên nông dân hiểu rõ về chuyển đổi số trong từng lĩnh vực hoạt động công việc. Từ đó mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, thay đổi phương thức sản xuất, tiếp cận thị trường nhằm tối ưu hóa quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng và giá trị nông sản.