Tôi từng đọc ở đâu đó câu chuyện đại ý thế này: lúc đầu Tạo hóa ban cho mỗi con người một cuộc sống dưới hình ảnh một quả cầu hoàn hảo,Đitìmmảnhvỡcủađờimìtruc tiep bong da keo nha cai trong vắt như pha lê. Khi đẩy một sinh linh bé nhỏ ra đời, Người cũng đã làm vỡ toang quả cầu cuộc sống của đứa bé. Và rồi trên bước đường đời của mình, con người tội nghiệp ấy sẽ phải bươn chải, tự tìm kiếm những mảnh vỡ kia để lắp ghép lại thành khối cầu hoàn chỉnh trước khi về với Người.
Có người tìm được sớm và gần đầy đủ, mãn nguyện với thành quả của mình, mỉm cười nhắm mắt ra đi hết sức thanh thản. Song cũng có (rất nhiều) con người vẫn còn đương luôn loay hoay trong cuộc kiếm tìm ấy và lúc nào cũng cảm thấy thiêu thiếu…
Đọc Mảnh vỡ cuộc sốngcủa nhà văn nữ Đào Thị Thanh Tuyền (tập truyện ngắn, NXB Trẻ, xuất bản lần đầu từ tháng 10/2008), tôi có cảm giác nhân vật trong những truyện ngắn ấy đều trong sự tìm kiếm những mảnh vỡ của đời mình như vậy.
Song những mảnh vỡ thì thiên hình vạn trạng, lúc ở thì hiện tại, lúc lại trong quá khứ và người tìm kiếm nó cũng có rất nhiều cảm xúc khác nhau. “Đôi lúc người ta không muốn nhặt lại những mảnh vỡ trong quá khứ bởi sợ nó sẽ gây thêm một vết thương dù chỉ là rất nhỏ…” (Ngàn năm sóng vỗ). Vì vậy, mỗi cuộc tìm kiếm ấy cũng mang lại cho người đọc những sắc thái tình cảm rất riêng biệt.
Ngoại trừ Đối thoại cuộc đời, với cách gạch đầu dòng liên tục diễn tả cuộc nói chuyện của hai mẹ con, trong những truyện ngắn còn lại, nhân vật do nhà văn xây dựng nên đều rất kiệm lời. Sau những câu nói trong tình thế buộc phải có, hầu hết họ đều yên lặng, suy tư, chiêm nghiệm… Phải chăng chính vì vậy mà họ sẽ sớm tìm được, ghép được những mảnh vỡ của đời mình hơn?
Họ, dù là Hằng trong Mưa về sáng, là một bà mẹ già trong Người - máy, là Ngàn trong Đường về nhà, là nhân vật nữ trong Mưa núi… thì cũng đều là những người tràn đầy suy nghĩ, tâm tư.
Nhà văn đã để cho mỗi nhân vật tự do miên man thể hiện những suy tư của mình và từ đó chảy tràn cảm xúc thành những câu chuyện khác nhau. Cũng có khi là cảm giác tươi mới gần như con nít của những người trẻ trong Lễ hội hoa, có khi lại là hồi ức lắng đọng của một người đàn ông ở Trăng xứ ngườihay Màu phượng ký ức, có lúc lại là những lời kể tỉnh rụi về câu chuyện đau đớn của một con người tưởng như đã rất hạnh phúc trong Hạnh phúc…
Những cung bậc khác nhau của cuộc sống như kỷ niệm đầu đời, tình yêu lứa đôi, hạnh phúc giản đơn trong gia đình… tất cả đều có thể được tìm thấy trong tập truyện ngắn này qua ngòi bút rất nhẹ nhàng, đầy tình cảm của một người phụ nữ đang ở vào độ tuổi chín chắn của cuộc đời.
Trong 15 truyện ngắn được giới thiệu trong Mảnh vỡ cuộc sống, tôi thích nhất truyện Đối thoại cuộc đời. Nhà văn Đào Thị Thanh Tuyền giới thiệu một truyện ngắn toàn xuống dòng! Không một lời dẫn truyện, không một câu văn chuyển ý hay tả cảnh… mà người đọc vẫn hình dung ra được một buổi sáng ở bãi biển, có hai người phụ nữ vừa đi bộ tập thể dục vừa nói chuyện với nhau. Một lớn một nhỏ, một già một trẻ, họ là người mẹ già và cô con gái đã lập gia đình. Lồng ghép trong những câu thoại ấy là lời khuyên rất đời của nhân vật bà mẹ: “Hãy biết trân quý những gì đang có! Con người ta luôn thôi thúc một cảm giác hướng đến những điều tốt đẹp hơn, song người ta cũng sẵn sàng bỏ quên đi mất những gì tích cực đang có trong hiện tại! Nếu không biết nắm giữ lấy thì điều tốt đẹp nho nhỏ ấy rồi cũng rời xa ta mà thôi!”.
Quả vậy, những nhân vật trong Mưa về sáng, Đường về nhàhay trong Mảnh vỡ cuộc sống… đều có những tâm trạng ấy; cũng rung động trước một ký ức xa xưa ùa về, cũng hờn dỗi bực mình trước một tình huống gia đình, cũng đau đáu đuổi theo một giá trị tốt đẹp của cuộc sống… Song phần lớn họ đều sớm nhận ra rằng “Hiện tại chính là món quà quý giá nhất mà họ cần phải gìn giữ!”. Chấp nhận, vui vẻ với hiện tại, nhưng vẫn nỗ lực vươn lên mà không hề an phận.
Trong quá trình tìm kiếm, chắp nối những mảnh vỡ của Tạo hóa gây ra, con người hãy biết giữ gìn những mảnh vỡ cuộc sống của chính mình đang có, của Tạo hóa sắp đặt sẵn cho mình, không được để vỡ thêm…
Phải chăng đây cũng chính là thông điệp của nhà văn?
Bài viết của độc giả Nguyễn Thanh Bình (Hóc Môn, TP.HCM), được gửi từ email "[email protected]".