Reutersđưa tin, sau hơn hai tuần đàm phán, hôm 24/11, tại hội nghị thượng đỉnh về khí hậu thường niên lần thứ 29 (COP29) diễn ra ở Baku, Azerbaijan, đại diện của gần 200 quốc gia trên thế giới đã đạt được thỏa thuận về chống biến đổi khí hậu.
Theo đó, các nước giàu cam kết cung cấp 300 tỷ USD hàng năm cho đến năm 2035 cho các nước nghèo hơn để giúp họ đối phó với những tác động ngày càng thảm khốc của biến đổi khí hậu.
Cụ thể, 300 tỷ USD sẽ được chuyển đến các quốc gia đang phát triển, dễ bị tổn thương để giúp họ đối phó với thời tiết cực đoan và chuyển đổi nền kinh tế của họ sang năng lượng sạch.
Simon Stiell, người đứng đầu Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu cho biết: "Đó là một hành trình khó khăn nhưng chúng ta đã đạt được một thỏa thuận. Mục tiêu tài chính mới này là một chính sách bảo đảm cho nhân loại, trong bối cảnh tác động của khí hậu ngày càng tồi tệ đến mọi quốc gia".
Tuy nhiên, một số nước đang phát triển không hài lòng với cam kết này vì cho rằng số tiền hỗ trợ này chưa đủ. Theo ước tính của các nhà kinh tế, cần khoảng 1.300 tỷ USD để giúp các nước đang phát triển đối phó biến đổi khí hậu - cuộc khủng hoảng mà họ ít gây ra nhất.
Thỏa thuận cũng đề cập đến tham vọng rộng lớn hơn nhằm đạt quy mô hỗ trợ lên đến 1.300 tỷ USD, nhưng các nước đang phát triển muốn những nước giàu cam kết đảm nhận phần lớn hơn trong số này để tiền đó chủ yếu là dạng trợ cấp thay vì cho vay khiến họ mắc kẹt trong nợ nần.
Các nước giàu đã bác bỏ đề xuất số tiền hỗ trợ cao hơn vì cho rằng con số đó không thực tế trong bối cảnh kinh tế hiện tại.
Họ cũng kêu gọi các nền kinh tế mới nổi giàu có hơn như Trung Quốc, Ả Rập Xê Út đóng góp vào gói tài trợ khí hậu, nhưng thỏa thuận này chỉ "khuyến khích" các nước đang phát triển đóng góp tự nguyện và không đặt ra nghĩa vụ nào đối với những nước đó.
Theo Reuters