Các chuyên gia cho biết, biến đổi khí hậu có thể đã gây ra tình trạng thời tiết khắc nghiệt và các điều kiện thời tiết có thể gây rủi ro cho cơ sở hạ tầng tại Trung Quốc.
Từ ngày 12/12, Trung tâm Khí tượng Quốc gia của Trung Quốc cảnh báo về trận bão tuyết sẽ tấn công miền bắc nước này từ ngày 13/12 đến hết 15/12, thời điểm một đợt không khí lạnh càn quét khắp cả nước.
Theo trung tâm này, nhiệt độ tối thiểu ở các vùng phía bắc Trung Quốc "sẽ tiến gần hoặc giảm xuống dưới mức cực đoan cùng thời kỳ trong lịch sử".
Trước đó một ngày, theo thông báo của trung tâm, nhiệt độ ở miền trung và miền đông Trung Quốc sẽ tiếp tục giảm sau giữa tháng 12. Nội dung cảnh báo nêu rõ: một đợt lạnh khác sẽ khiến nhiệt độ ở mức dưới 0 độ C và "đóng băng cả ngày" vào tuần tới ở hầu hết khắp miền bắc đất nước.
Bắc Kinh đã đưa ra cảnh báo lạnh xanh - mức thấp nhất trong hệ thống cảnh báo 4 cấp của Trung Quốc - vào chiều 12/12, cho biết nhiệt độ tối thiểu ở thủ đô sẽ giảm hơn 10 độ C từ ngày 15/12 đến 16/12.
Cơ quan khí tượng Bắc Kinh cũng đưa ra cảnh báo vàng cấp độ 3 đối với bão tuyết. Thủ đô của Trung Quốc bắt đầu hứng chịu tuyết rơi dày từ sáng 13/12 đến 15/12, với một số khu vực có khả năng xảy ra bão tuyết dữ dội.
Tuyết đã rơi ở một số vùng phía bắc Trung Quốc kể từ ngày 10/12, gây ảnh hưởng lớn cho hệ thống giao thông.
Sân bay chính ở Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam, đóng cửa vì đường băng đóng băng. Trong khi đó, 40 phương tiện đâm nhau trên đường cao tốc ở phía bắc tỉnh Sơn Tây hôm 10/12, khiến 1 người chết và 6 người bị thương.
Đợt lạnh và bão tuyết theo như cảnh báo lần này là đợt mới nhất trong chuỗi hiện tượng thời tiết khắc nghiệt ở miền bắc Trung Quốc trong năm nay.
Hồi tháng 6, một số thành phố rơi vào cảnh oi bức khi ghi nhận số ngày có nhiệt độ trên 35 độ C kỷ lục trong tháng. Vào tháng 7, lũ lụt do lượng mưa kỷ lục từ cơn bão Doksuri đã khiến 61 người ở Bắc Kinh và tỉnh Hà Bắc lân cận thiệt mạng. Và vào tháng 11, những trận bão tuyết kỷ lục đã tấn công vùng đông bắc Trung Quốc.
Chuyên gia khí hậu Shao Sun tại Đại học California, Irvine (Mỹ) cho biết tần suất gia tăng các hiện tượng cực đoan phản ánh sự bất ổn ngày càng tăng trong hệ thống khí hậu. Theo chuyên gia này, Trung Quốc đã hứng chịu làn sóng nhiệt độ gia tăng đáng lo ngại trong mùa đông khi hành tinh ấm lên nhưng "mức độ khắc nghiệt của các đợt lạnh đã… mạnh lên trong những năm gần đây".
"Sự xuất hiện của các đợt lạnh nghiêm trọng không mâu thuẫn với hiện tượng nóng lên toàn cầu", đồng thời cho biết thêm rằng sự nóng lên nhanh chóng của Vòng Bắc Cực trong 3 thập kỷ qua đã làm suy yếu xoáy cực, khiến sóng lạnh di chuyển về phía nam dễ dàng hơn.
Chuyên gia Sun cảnh báo miền bắc Trung Quốc có thể "bị ảnh hưởng nặng nề nhất" bởi đợt lạnh tháng 12, gây ra nhiều rủi ro cho nông nghiệp, cơ sở hạ tầng, tòa nhà và các ngành công nghiệp như đánh cá và vận tải biển.
Ông Ma Jun, nhà bảo vệ môi trường hàng đầu Trung Quốc và là giám đốc sáng lập của Viện Các vấn đề Công và Môi trường có trụ sở tại Bắc Kinh, nhấn mạnh mối đe dọa của thời tiết khắc nghiệt đối với sự an toàn của các tòa nhà.
Tháng trước, tuyết rơi dày đã làm sập mái phòng tập thể dục ở tỉnh Hắc Long Giang phía đông bắc, khiến 3 học sinh thiệt mạng. Bốn tháng trước đó tại tỉnh này, mái của một phòng tập thể dục của một trường trung học cơ sở bị sập trong một trận mưa bão.
Cuối tháng 11, khi khai mạc hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP28 ở Dubai, Tổ chức Khí tượng Thế giới tuyên bố 2023 là năm nóng nhất trong lịch sử loài người được ghi nhận, đồng thời nhấn mạnh, hiện tượng El Nino có thể càng khiến vấn đề thêm trầm trọng vào năm tới.
Theo SCMP(责任编辑:Nhà cái uy tín)