Hẹn gặp ông Nguyễn Tử Quảng - Chủ tịch tập đoàn Bkav - vào lúc 3h chiều, nhưng chúng tôi phải đợi thêm 15 phút vì trùng với thời gian nghỉ giữa giờ của toàn công ty.
“Mỗi ngày, Bkav có 2 quãng nghỉ giữa giờ vào lúc 10h và 15h, kéo dài 15 phút. Yêu cầu bắt buộc đối với mỗi thành viên Bkav trong quãng nghỉ này là phải hít đất ít nhất 30 lần, kể cả chủ tịch”, ông Quảng chia sẻ sau khi hoàn thành phần thể dục của mình.
Tại Việt Nam, Bkav là một trong những tập đoàn có nhiều quy định lạ. Chẳng hạn, toàn bộ nhân viên và khách đến công ty đều phải để giày dép ở ngoài, đồng thời phải tập thể dục bắt buộc 2 lần mỗi ngày. Gần như toàn bộ sảnh tầng một của tập đoàn này được dành cho những kệ đựng giày dép. Những câu slogan ấn tượng như “Hãy làm việc hết mình, những điều tốt đẹp sẽ đến với bạn”, “Không ra bản chất thì không tận gốc vấn đề”, “Làm theo luật lệ”... có thể bắt gặp ở khắp nơi trong văn phòng. Ông Quảng cho biết đó là những nguyên tắc làm việc và triết lý sống mà mọi nhân viên Bkav đều thuộc nằm lòng.
-Đã 2 năm kể từ ngày những cụm từ “thật tuyệt vời”, “thật không thể tin nổi” lan truyền trên mạng, người ta ít thấy Nguyễn Tử Quảng xuất hiện trên các phương tiện truyền thông. Ông đã làm gì trong 2 năm qua?
- Nếu để ý kỹ, bạn sẽ thấy tôi ít xuất hiện kể từ trước khi ra mắt Bphone. Hiện mỗi lĩnh vực hoạt động của tập đoàn đều đã có các Phó chủ tịch đảm trách.
Việc tôi ít xuất hiện một phần là vì tôi muốn hành động hơn là nói. Từ trước đến nay, tôi luôn có trong mình một khát khao cháy bỏng, đó là cùng với Bkav góp phần đưa Việt Nam phát triển hơn. Mọi người gọi tôi là “nổ” cũng có thể một phần vì lý do này. Tuy nhiên, tôi luôn có niềm tin vững chắc rằng người Việt Nam có thể làm được tất cả mọi việc.
Mặc dù vậy, tôi nhận ra rằng muốn truyền niềm tin cho mọi người, mình cần phải có kết quả thật rõ ràng. Nhiều người Việt Nam hiện nay có niềm tin rất thấp. Niềm tin lẫn nhau, niềm tin vào khoa học công nghệ, vào doanh nghiệp Việt Nam... đều thấp. Để thay đổi điều đó, bạn phải có kết quả thật rõ ràng, vượt trội.
Từ suy nghĩ đó, tôi thấy mình có rất nhiều việc phải làm. Và cũng chính vì thế, tôi xin phép không chia sẻ về các dự án cụ thể mà mình đang làm. Khi nào có kết quả rõ ràng, tôi sẽ báo cáo cụ thể.
- Bphone - sản phẩm gây nhiều tranh cãi của Bkav - ra mắt đã 2 năm nhưng chưa thấy các ông có động thái và thông tin tiếp theo về sản phẩm này. Bkav có ý định ra mắt Bphone 2?
- Hai tháng nữa, Bkav sẽ công bố quyết định chính thức về Bphone. Tôi xin phép chờ đến khi đó để chia sẻ thông tin cụ thể hơn.
Có một điểm tôi muốn nhấn mạnh, Bphone dù gây tranh cãi nhưng chắc chắn đã tạo ra nhiều cảm hứng cho người Việt Nam. Sau khi sản phẩm này ra mắt, tôi đã thấy nhiều hơn những doanh nghiệp, cá nhân mạnh dạn hơn trong suy nghĩ, trong hành động, mạnh dạn sản xuất ra những thứ lớn hơn, không ngần ngại. Tâm lý “sợ Tây” đã giảm xuống rõ rệt.
- Khi ra mắt, Bphone đã vấp phải nhiều ý kiến trái chiều. Cảm xúc của ông khi đó thế nào?
- Tôi đã quen với những ý kiến trái chiều, thậm chí là chỉ trích. Quen ở đây có ý nghĩa hoàn toàn tích cực chứ không tiêu cực.
Việc bị chỉ trích giúp tôi có thêm động lực. Tôi biết mình cần phải làm nhiều hơn nữa, tạo ra kết quả rõ ràng hơn nữa, để khiến người dùng không chỉ tin Bkav, tin ông Quảng, mà còn tin vào người Việt Nam.
Tôi có niềm tin sâu sắc là người Việt Nam không tầm thường. Tôi không muốn nói đến chiến tranh nhưng rõ ràng trong chiến tranh, người Việt Nam không thua bất cứ đế quốc hùng mạnh nào.
Vì có niềm tin mãnh liệt như vậy nên tôi có rất nhiều việc phải làm. Bị chỉ trích cũng là việc phải chấp nhận. Tôi luôn tin nếu có thể thay đổi được suy nghĩ của mọi người thì đó là điều vô cùng tuyệt vời.
Tất nhiên, tôi cũng là con người, cũng có những lúc sức ép từ bên ngoài vượt quá giới hạn của mình, nhưng đó chỉ là nhất thời. Về cơ bản, tôi coi chỉ trích là động lực để làm nhiều hơn cho đất nước, cho người Việt Nam.
Tôi tin rằng mọi người thiếu niềm tin là vì họ chưa tìm thấy dẫn chứng xác đáng. Tôi tin mình đúng và sẽ cố gắng làm tốt để thuyết phục mọi người.
- Gần đây, cách mạng công nghiệp 4.0 được nhắc đến rất nhiều. Theo ông, doanh nghiệp Việt Nam sẽ tham gia như thế nào vào cuộc cách mạng này?
- Nếu muốn tham gia và thành công trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đầu tiên chúng ta cần hiểu rõ nó là cái gì. Mỗi cuộc cách mạng trước đây đều có tên, chẳng hạn cách mạng cơ khí hóa, điện khí hóa, hay tự động hóa. Với Nguyễn Tử Quảng, có thể nói ngắn gọn 4.0 là cuộc cách mạng của sự sáng tạo không giới hạn.
Thực ra mọi cuộc cách mạng đều phục vụ sự phát triển của loài người, và cái nào cũng có quá trình, đều tiến lên từ nền tảng sẵn có trước đó. Nói theo triết học, có biến đổi về lượng thì sẽ có biến đổi về chất. Lượng ở đây là lĩnh vực tự động hóa, là công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo AI, big data, IoT, sinh học, nano, tế bào gốc, biến đổi gen, các loại siêu vật liệu, in 3D... Đến thời điểm này, các công nghệ đã chín muồi để con người có thể sáng tạo không giới hạn, hay nói cách khác, lượng đã chuyển thành chất.
Trước đây chỉ một số nước phát triển mới có sẵn các nguồn lực và mới có lợi thế. Giờ hoàn toàn khác. Chẳng hạn trước muốn tạo một bản mẫu sản phẩm, chúng tôi cần nặn mẫu đất sét, cắt gọt, chỉ cần sai một chi tiết là phải làm lại, sau đó phải có nhà máy để làm khuôn mẫu rồi mới sản xuất, rất tốn kém và chỉ doanh nghiệp lớn mới có thể làm. Giờ đây, tất cả bản mẫu các bạn thiết kế trên máy, sau đó in 3D, không đạt có thể in lại. Sắp tới, thậm chí các bạn có thể in 3D ra sản phẩm hoàn thiện, sử dụng được luôn.
Và chính nó sẽ tạo cơ hội cho rất nhiều người. Giờ đây, chỉ một người hoặc một nhóm nhỏ cũng có thể tạo ra sản phẩm cạnh tranh với một tập đoàn lớn. Vấn đề là họ có đủ đam mê và sáng tạo hay không.
- Vậy cơ hội, thách thức cho cá nhân, doanh nghiệp Việt Nam trong cuộc cách mạng này là gì?
- Cơ hội là vô cùng lớn. Như đã nói thì các cuộc các mạng công nghiệp đều phải dựa vào những phát minh, những sáng chế có nền tảng từ trước đó, còn nay thì dựa vào sự sáng tạo của từng con người, từng tập thể. Không cần tuần tự từ cách mạng 1-2-3, không cần nền công nghiệp sản xuất như các nước phát triển. Không cần phải đầu tư cả tỷ USD để mua những máy móc hiện đại.
Với cách mạng 4.0, điều quan trọng là con người. Người Việt Nam rất thông minh, không phải kiểu “du kích” như mọi người vẫn nói. Nếu tất cả người Việt Nam đều tuân thủ luật lệ, yếu tố cực kỳ quan trọng, thì chúng ta không hề tầm thường.
Trước đó, nhiều người, nhiều đơn vị đã tham gia vào cuộc cách mạng này. Như Bkav có thể làm ra nhiều sản phẩm cạnh tranh với các tập đoàn lớn ngay tại Việt Nam trong những điều kiện vô cùng hạn chế.
Nhà thông minh (smarthome) của Bkav là một phần trong đó. Chúng tôi bắt đầu làm smarthome từ 10 năm trước và hiện đã có hệ thống nhà thông minh hoàn chỉnh. Chúng tôi từng nói, và gây tranh cãi, rằng đây là hệ thống nhà thông minh hàng đầu thế giới.
Nếu đi đúng cách, 10 năm nữa chúng ta sẽ thấy kết quả cụ thể của cách mạng công nghiệp 4.0 tại Việt Nam. Vấn đề là, sản phẩm sẽ do người nước ngoài cung cấp hay người Việt Nam làm chủ.
Cách mạng công nghiệp 4.0 nếu hiểu đúng sẽ tạo ra cơ hội, nếu không hiểu và làm theo phong trào thì thực sự khó. Bkav sẽ góp một phần tích cực vào việc giúp mọi người hiểu đúng, làm đúng.
- Một công ty công nghệ của Việt Nam là VNG mới đây đã ký biên bản thỏa thuận niêm yết trên sàn chứng khoán Nasdaq. Là chủ tịch một tập đoàn công nghệ của Việt Nam, ông đánh giá hướng đi này thế nào?
- Tôi đánh giá cao việc làm của VNG. Nó đi đúng theo xu hướng của CMCN 4.0. Chúng ta có thể sáng tạo không giới hạn, không biên giới. Tất cả sản phẩm của chúng ta cần hướng đến việc cạnh tranh với những sản phẩm hàng đầu thế giới, tại những thị trường lớn nhất thế giới.
Việc đó sẽ tạo sự tự tin cho người Việt Nam. Nếu có nhiều hơn những doanh nghiệp Việt Nam làm việc tương tự, tôi tin chúng ta sẽ thành công.
Với CMCN 4.0, cả thế giới đang bắt đầu. Việt Nam cũng đang bắt đầu, nhưng đã có một số người nghĩ chúng ta không thể. Nếu họ hiểu được mọi thứ thực sự chỉ phụ thuộc vào yếu tố con người, tôi nghĩ cơ hội của chúng ta sẽ ngày càng lớn hơn.
- Cuộc sống bên ngoài công việc của Chủ tịch tập đoàn Bkav diễn ra thế nào? Nghe nói có thời gian dài ông không xuất hiện tại trụ sở?
- Có một giai đoạn kéo dài khoảng hơn 2 năm - thời điểm trước khi Bphone ra mắt - tôi thậm chí không xuất hiện tại trụ sở vì không có thời gian. Nói thật, ở thời điểm đó, tôi chỉ có thời gian ăn và ngủ vài tiếng mỗi ngày, còn lại là làm việc.
- Các CEO thường chơi golf hoặc các môn thể thao khác ngoài giờ làm việc, còn ông thường làm gì?
- Thú vui của tôi là công việc. Tôi coi họp hành cũng là một loại hoạt động thể thao. Khi nói, mình vung tay, vung chân cũng coi như đang tập thể dục rồi.
Mỗi người có sở thích khác nhau. Với tôi, công việc là sở thích. Nếu bạn đặt ra một sứ mệnh to lớn để thực hiện, bạn sẽ có rất nhiều việc phải làm. Do đó, bản thân tôi lúc nào cũng thấy hừng hực khí thế để làm việc.
Thời gian rảnh tôi dùng để suy nghĩ về mọi vấn đề. Thậm chí khi nói chuyện với vợ ở nhà, chủ đề tôi nói có thể vẫn là CMCN 4.0.
Đó cũng là lý do tôi đặt ra khẩu hiệu “Hãy làm việc hết mình, những điều tốt đẹp sẽ đến với bạn”. Nghe hơi sến nhưng đó chính là phương châm sống của tôi. Về khẩu hiệu này, tôi chưa từng giải thích cho nhân viên của mình mà để họ tự hiểu.
(责任编辑:Thể thao)