Tổng thống Erdogan liên tục cảnh báo rằng Thổ Nhĩ Kỳ,ửathoátkhủnghoảngởSyriahẹpdầnTổngthốngThổchờýkeocopa nước hậu thuẫn cho quân nổi dậy ở tỉnh tây bắc Syria này, sẽ đẩy lui quân đội của chính quyền Bashar al-Assad ra khỏi tỉnh này nếu họ không rút đi vào cuối tháng 2.
Tổng thống Nga Putin và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan. |
Nhưng hạn chót sắp hết mà chiến dịch của Syria với sự yểm trợ của Nga nhằm giành quyền kiểm soát thực địa vẫn tiếp tục, trong khi vòng đàm phán thứ 3 giữa Ankara và Moscow trong tuần này không hy vọng sẽ nhanh chóng khơi thông bế tắc.
Giới chức quân sự, ngoại giao và phân tích cho rằng tuy chiến dịch quân sự được Thổ Nhĩ Kỳ yểm trợ là một khả năng có thể nhưng tùy thuộc vào mức độ nhượng bộ của Nga, Tổng thống Erodgan có thể sẽ đồng ý một thỏa thuận với Moscow, theo đó ông giảm bớt sự hiện diện của quân đội Thổ để đổi lấy một vai trò quyết định tương lai của Syria. Họ chỉ ra, ông Erdogan đã bị bất ngờ bởi những gì Thổ Nhĩ Kỳ xem là lập trường không khoan nhượng của Tổng thống Vladimri Putin trên thực địa và trong các cuộc thảo luận.
"Thổ Nhĩ Kỳ và Nga vẫn có thể đạt được thỏa hiệp. Nhưng nếu không có thỏa thuận nào và các cuộc tấn công vào binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ vẫn tiếp diễn thì chiến dịch Idlib sẽ bắt đầu", một quan chức Thổ Nhĩ Kỳ nói với Reuters, ám chỉ Thổ Nhĩ Kỳ hành động nhằm kiểm soát tỉnh này.
Reuters cho biết, văn phòng của Tổng thống Erdogan không phản hồi đề nghị bình luận. Ông và các trợ tá từng tuyên bố thẳng muốn giải quyết vấn đề với Nga nhưng quyết tâm của Thổ Nhĩ Kỳ không nên bị thử thách, và Ankara sẽ không từ bỏ các trạm quan sát ở Idlib, mà hiện một số đang bị quân Syria bao vây.
Theo Reuters, lựa chọn của ông Erdogan sẽ giúp định hình một trong những thảm họa nhân đạo tồi tệ nhất trong thế kỷ này tính đến nay - với ước tính 900.000 người Syria gồm khoảng một nửa là trẻ nhỏ buộc phải di dời tiếp sau khi họ đã từ bỏ làng quê đi lánh đạn. Hồi tháng 12, Moscow và Damascus đã mở một chiến dịch vào vùng lãnh địa lớn cuối cùng còn nằm trong tay các lực lượng chống chính quyền, trong nỗ lực chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài 9 năm qua khiến hàng trăm nghìn người Syria phải bỏ mạng.
Khi các lực lượng chính phủ Syria được Nga hậu thuẫn tiến về phía tây bắc, người Syria tị nạn đã kéo đến dọc biên giới phía nam của Thổ Nhĩ Kỳ, trú trong những lều bạt, thậm chí ngoài trời, khiến một số trẻ nhỏ tử vong vì thời tiết giá lạnh. "Bom đạn nhằm vào chúng tôi từ khắp nơi. Chúng tôi không có bất kỳ người bảo lãnh nào, không Thổ Nhĩ Kỳ hay bất kỳ ai", Mohamad Atouf, 31 tuổi, than thở với Reuters. Người đàn ông này cùng vợ và bốn con đang trú trong túp lều trống gần thị trấn biên giới Azaz.
Tổng thống Erdogan hiện đang đứng trước những thử thách khó khăn về việc chăm sóc người Syria tị nạn và sự ủng hộ dành cho ông ở quê nhà, nơi không mấy ai muốn tiếp nhận thêm dân Syria tị nạn vào danh sách 3,7 triệu người đã ở sẵn nước này.
Thổ Nhĩ Kỳ đã điều hàng nghìn quân cùng trang thiết bị vào Idlib để hỗ trợ quân chống chính quyền Damascus, và đã chứng khiến hàng chục binh sĩ phải bỏ mạng trong tháng 2. Thêm hàng trăm lính nữa chốt ở các trạm quan sát đang bị quân chính phủ Syria bao vây.
Chiến sự trở nên nóng bỏng hơn trong những ngày gần đây. Mới nhất là vụ tấn công của quân đội chính phủ Syria ở Idlib khiến 33 lính Thổ Nhĩ Kỳ bỏ mạng. Ankara lập tức tuyên bố các đơn vị không quân và hỗ trợ mặt đất của Thổ sẽ bắn phá mọi mục tiêu chính phủ Syria "được biết đến". Trước đó, truyền hình nhà nước Nga đưa tin các chuyên gia quân sự Thổ đã nhắm vào các máy bay Nga bằng tên lửa vác vai.
Trước ưu thế trên không của Nga ở Idlib, Tổng thống Erdogan có thể sẽ nhắm đến một thỏa thuận ngừng bắn với người đồng cấp Putin, trong đó nhà lãnh đạo Thổ sẽ giảm bớt đe dọa tấn công để giữ một vai trò quyết định tương lai của Syria và xử lý cuộc khủng hoảng nhập cư, theo các quan chức chính phủ, ngoại giao và giới phân tích.
Thổ Nhĩ Kỳ, vốn phản đối ông Assad và hỗ trợ một số nhóm phiến quân chống lại chính quyền của Tổng thống Syria, hy vọng sẽ tái áp đặt lộ trình của thỏa thuận Sochi năm 2018, theo đó thiết lập vùng phi quân sự xung quanh vùng Idlib. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng thỏa thuận chỉ định ra một vùng ảnh hưởng nhỏ hơn có chứa người tị nạn Syria.
Trong khi đó, các lực lượng chính phủ Syria hiện đã kiểm soát khoảng một nửa tỉnh Idlib và Tổng thống Assad đã thề sẽ giành lại "từng tấc đất" Syria.
Thổ Nhĩ Kỳ vẫn hy vọng đạt một thỏa thuận. Ông Erdogan muốn những người đồng cấp Nga, Đức và Pháp gặp nhau ngày 5/3 tới đây để bàn về Idlib, nhưng hôm 27/2, Kremlin thông báo Tổng thống Putin không có kế hoạch nào cho một cuộc gặp vào ngày đó.
Trước tình hình như vậy, một quan chức Thổ Nhĩ Kỳ thừa nhận một nghị quyết cuối cùng khó có thể ra đời trước 6/3.
Kremlin không đưa ra bình luận về triển vọng một thỏa thuận ngừng bắn. Theo Vladimir Frolov, một cựu quan chức ngoại giao Nga, quan điểm của Moscow là chính quyền Assad kiểm soát toàn bộ Syria với khả năng một dải đất hẹp ở Idlib dọc biên giới Thổ Nhĩ Kỳ do Ankara kiểm soát một phần và được người Nga giữ trật tự. Nhưng chính quyền Erdogan khó mà chấp nhận điều đó.
"Từ giờ, Thổ Nhĩ Kỳ chẳng còn lựa chọn nào tốt cả. Đó là lý do nếu không có một thỏa thuận ngừng bắn sớm thì Thổ Nhĩ Kỳ sẽ chiến đấu", Reuters dẫn lời Sinan Ulgen, một cựu quan chức ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ hiện là Chủ tịch Trung tâm Các nghiên cứu Kinh tế và chính sách đối ngoại ở Istanbul.
Thanh Hảo