Chiều 15/9,ănhóađọckhôngthểxâydựngtrênnềntảngphảnvănhótin as roma Hội thảo khoa học quốc tế Bảo vệ bản quyền sách trên không gian mạng diễn ra tại TP.HCM. 14 bài tham luận từ đại diện các NXB, cơ quan quản lý và lãnh đạo hội xuất bản 4 nước gồm Indonesia, Philippin, Thái Lan, Malaysia được trình bày, dựa trên việc trao đổi kinh nghiệm đề xuất giải pháp tăng cường hợp tác trong lĩnh vực xuất bản khu vực.
Ban tổ chức kỳ vọng các nước trong Hiệp hội Xuất bản Đông Nam Á cùng nhau có tuyên bố chung góp phần ngăn chặn hành vi vi phạm bản quyền sách nói chung và trên không gian mạng nói riêng.
Ông Nguyễn Nguyên - Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam với vai trò báo cáo đề dẫn hội thảo cho biết các đại biểu tập trung thảo luận 4 chủ đề chính: Nhận diện các hành vi vi phạm bản quyền sách trên không gian mạng ở mỗi quốc gia; Đánh giá về thể chế và thiết chế bảo vệ bản quyền sách trên không gian mạng; Chia sẻ kinh nghiệm hiệu quả trong việc bảo vệ bản quyền sách nói chung và trên không gian mạng nói riêng; Đề xuất các giải pháp khả thi trong phạm vi quốc gia và cộng đồng ASEAN để ngăn chặn nạn vi phạm bản quyền.
‘Dở khóc dở cười’ vì sách lậu
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh - tác giả có sách bán chạy bậc nhất Việt Nam nhận định, sách giả, sách lậu là tệ nạn có tác động rất xấu đến sự phát triển của văn hóa đọc, làm lu mờ giá trị và vẻ đẹp của sách trong đời sống tinh thần.
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh kể trong những dịp giao lưu và tặng chữ ký cho học sinh, sinh viên, ông nhiều lần rơi vào tình huống “dở khóc dở cười” khi ngỡ ngàng nhận ra trong số sách các em đem đến xin chữ ký có gần phân nửa là sách lậu.
Nhà văn từ chối ký lên sách vì như thế chẳng khác nào thừa nhận tính hợp pháp của nó. Hầu hết độc giả buồn bã, bật khóc phải lủi thủi ra về còn ông sượng sùng, thất vọng, thậm chí khủng hoảng.
“Chúng ta không thể xây dựng văn hóa đọc bằng cách để phát tán ngày càng nhiều sách giả, sách lậu, sách vi phạm bản quyền, vi phạm luật pháp, vi phạm các công ước quốc tế. Văn hóa đọc không thể xây dựng trên nền tảng phản văn hóa”, ông nhấn mạnh.
Xử phạt sách lậu chưa triệt để
Bà Phạm Thị Kim Oanh, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả cho biết, trong bối cảnh Việt Nam thi hành cam kết về các điều ước quốc tế, việc đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan ngày càng được chú trọng.
Sự phát triển của nền tảng xã hội mở ra cơ hội mới cho truyền bá, phổ biến tác phẩm, giúp tiếp cận đến nhiều người hơn. Tuy nhiên, môi trường số cũng tạo nên thách thức cho lĩnh vực xuất bản trong việc thực thi và bảo vệ bản quyền.
Mức xử phạt đối với hành vi xâm phạm cao nhất là 500 triệu đồng và 3 năm tù. Nhưng cơ quan quản lý mong muốn nâng cao mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm bản quyền do lâu nay phần lớn dừng ở xử lý hành chính.
“Quá trình triển khai luật chúng tôi vẫn thấy một số cá nhân, đơn vị có biểu hiện tiêu cực khi xử lý vi phạm. Chúng ta không nên nể nang, né tránh để tình trạng xâm phạm kéo dài. Pháp luật không được thực thi nếu chỉ để trên giấy. Sự chung tay của các đơn vị từ cơ quan quản lý đến các NXB, tác giả là điều rất cần thiết”, bà Kim Oanh nói.
Các đại biểu nhìn nhận đối tượng vi phạm có nhiều hành vi, chiêu trò tiêu thụ xuất bản phẩm lậu, giả, thực trạng đặc biệt nhức nhối khi tiêu thụ qua mạng xã hội và sàn thương mại điện tử. Các đầu sách được bán với giá chỉ bằng 1/2, thậm chí 1/3 so với sách thật. Không dừng ở đó, nhiều đối tượng còn phát sóng trực tiếp (livestream) tóm tắt, đánh giá (review) sách trên mạng xã hội để tăng tương tác.
Vì tính chất đa phương tiện và dễ dàng sao chép nên xuất bản phẩm điện tử lậu, giả đã tăng nhanh về số lượng. Theo nghiên cứu của Media Partners Asia, năm 2022, Việt Nam đứng thứ ba trong khu vực ASEAN (sau Indonesia và Philippines) về tỷ lệ vi phạm bản quyền trên không gian số.
Cần nghiêm minh và có khung hình phạt mạnh
Theo nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, các nhà thực thi luật pháp cần nghiêm minh hơn và các nhà làm luật phải rà soát lại hành lang pháp lý để điều chỉnh tội danh và khung hình phạt đối với những đơn vị làm sách giả, sách lậu cho đủ sức răn đe.
Muốn đẩy lùi tệ nạn này cần sự chung tay của toàn xã hội, nhưng ông trông chờ nhất ở các cơ quan có trách nhiệm và thẩm quyền. Nếu chỉ để những nạn nhân thâm niên tuyệt vọng lên tiếng như lâu nay thì đó là hiện tượng bất thường và tất nhiên hành trình chống sách giả, sách lậu chẳng thể nào đến đích.
Ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở TT&TT TP.HCM đề xuất ý kiến phối hợp đồng bộ tất cả đơn vị trên nền tảng ứng dụng công nghệ, trong đó các NXB giữ vai trò kiểm soát. Ngoài ra, Hội Xuất bản nên có bộ phận tổng hợp ý kiến từ người trong cuộc để điều chỉnh hành lang pháp lý kịp thời.
“Tuyên truyền nâng cao nhận thức rất quan trọng. Bên cạnh báo chí, cần truyền thông ở lĩnh vực giáo dục. Có thể mở mô hình tiết đọc sách trong trường học, qua đó giúp các em học sinh, sinh viên có thái độ nhận thức và ứng xử bài trừ sách lậu”, ông Thắng nói.
Phát biểu tổng kết chương trình, Phó giáo sư - Tiến sĩ Phạm Minh Tuấn, Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam cho biết hội thảo đã có những trao đổi thẳng thắn, minh bạch với nhiều ý kiến hữu hiệu.
"Vấn đề bản quyền rất nhức nhối ở nhiều quốc gia. Do đó, chúng tôi ý thức rằng vấn nạn này cần được ngăn chặn để bảo vệ quyền tác giả và giá trị công sức sáng tạo của tri thức, qua đó bảo vệ môi trường văn hóa lành mạnh. Để làm việc này không dừng ở một cá nhân mà phải có sự chung tay của tập thể.
Trong đó, Hiệp hội Xuất bản Đông Nam Á (ABPA) cần đi tiên phong. Việt Nam là thành viên tích cực của ABPA và chúng tôi mong muốn cùng mọi người xây dựng ngành xuất bản lành mạnh, phát triển và vững bền thông qua các giải pháp được đưa ra", ông nói.
Sẽ tổ chức Giải thưởng sách ASEAN, Malaysia làm Chủ tịch luân phiên ABPAHội Xuất bản Việt Nam phối hợp với UBND TP.HCM tổ chức Hội nghị Ban chấp hành Hiệp hội Xuất bản Đông Nam Á (ABPA) và các hoạt động bên lề từ ngày 14/9 - 16/9.