Chia sẻ với VietNamNetthời kỳ đó, nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh cho biết, chuyện thuyết phục trong nội bộ trước khi quyết định mở Internet cũng đầy thách thức bởi có nhiều luồng thông tin khác nhau. Trong nước khó khăn về trình độ công nghệ, nhất là giải trình rõ và thuyết phục được các cơ quan có trách nhiệm về những lợi ích to lớn Internet mang lại cho sự phát triển kinh tế xã hội đất nước và khả năng quản lý được hoạt động của nó.
Đã có nhiều câu hỏi về những mặt tiêu cực khi mở Internet, chẳng hạn như sợ lộ bí mật hay sẽ có nhiều kẻ lợi dụng nói xấu, xuyên tạc chế độ...
“Thậm chí thời kỳ đó, Quy chế tạm thời về quản lý, thiết lập, sử dụng mạng Internet ở Việt Nam kèm theo Nghị định ban hành ngày 21/3/1997 còn quy định 'Các mạng thông tin máy tính và các cơ sở dữ liệu của các cơ quan Đảng, Chính phủ, An ninh Quốc phòng không được đấu nối với mạng'. Rất mừng, các nhà khoa học Việt Nam, nhiều cơ quan thông tin đại chúng đã nhận thấy sức mạnh của Internet nên tích cực ủng hộ và thúc đẩy để mở”, ông Nguyễn Khánh nói.
Về mặt kỹ thuật, có thể mở Internet sớm hơn bởi trước đó đã có nhiều thử nghiệm. “Một số người mong muốn mở ra sớm hơn, nhưng tôi cho rằng cần phải chuẩn bị kỹ cả về điều kiện kỹ thuật, hạ tầng, mạng lưới, nguồn nhân lực, các cơ chế chính sách quản lý và quan trọng nhất là sự chuẩn bị về mặt tư tưởng”, ông Nguyễn Khánh cho biết.
Giáo sư Đặng Hữu nhớ lại: “Tôi là một trong những người có nhu cầu thông tin và phải sử dụng Internet. Vì vậy, tôi đã tìm cách thuyết phục Đảng và Chính phủ cho mở. Những người thời đó tích cực cùng tôi thuyết phục gồm: Anh Phan Đình Diệu, anh Nguyễn Đình Ngọc, anh Chu Hảo, anh Mai Liêm Trực… Nếu không có Internet, rất khó làm việc vì bắt buộc phải liên hệ với nước ngoài. Trong khi đó, liên hệ qua điện thoại hay fax còn quá đắt đỏ. Hơn nữa, nhu cầu tìm kiếm thông tin phục vụ cho công tác nghiên cứu rất lớn. Chưa có Internet nên chúng tôi sử dụng gần như là “chui” để liên hệ ra bên ngoài. Hồi đó, chúng tôi có đưa ra khái niệm “Kinh tế tri thức”, nếu không có mạng không thể có kinh tế tri thức".
Nhận thức được sức mạnh của Internet không phải chỉ có những người làm công tác quản lý và nghiên cứu. Ngay từ năm 1996, chủ doanh nghiệp Hoàng Anh Gia Lai đã thuê 2 kỹ sư mua 2 máy tính và hàng ngày truy cập internet tìm kiếm thông tin, thị trường cho mặt hàng gỗ của mình.
Giáo sư Đặng Hữu cũng khẳng định, về mặt kỹ thuật, chúng ta đã có thể mở Internet sớm hơn, nhưng trước lo ngại về vấn đề an ninh nên việc này đã được xem xét một cách thận trọng.
Nhớ lại thời kỳ đầu, ông Mai Liêm Trực, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện cho biết, lúc đó ai cũng nghĩ Internet sẽ vào Việt Nam, nhưng có điều đưa sớm hơn hoặc chậm hơn mà thôi. Vấn đề ở chỗ liệu có mất cơ hội lần nữa hay không. “Lúc đó, chúng tôi cảm nhận Internet sẽ vào Việt Nam, nhưng có nguy cơ chậm mở và nếu cho mở sẽ bị nhiều yếu tố hạn chế nên sẽ ảnh hưởng đến tốc độ phát triển. Chúng tôi đã phải thuyết phục mở càng sớm càng tốt, thậm chí tạm thời chấp nhận cả những chỉ đạo mà mình không hài lòng rồi tính tiếp".
Khi làm Nghị định 21 về quản lý Internet, có rất nhiều tranh cãi. Cuối cùng, Thủ tướng Võ Văn Kiệt cũng sốt ruột cho việc đổi mới nên đã quyết định đây là nghị định tạm thời về quản lý, nếu có gì tiếp tục điều chỉnh.
“Có lúc tôi cũng thấy giật mình vì dám 'múa rìu qua mắt thợ', nói với chính các thầy dạy mình về Mác – Lênin, về duy vật biện chứng để chứng minh cho việc “quản đến đâu, mở đến đó” là không biện chứng. Có thể 10 năm, 20 năm nữa, chính các bạn trẻ lại thấy những tiến bộ của chúng ta hiện nay là kỳ cục không thể hiểu nổi, giống như chúng ta đi xem triển lãm về thời bao cấp ở Bảo tàng Dân tộc học”, ông Mai Liêm Trực nói.
Đến tư duy “quản” theo kịp với “mở”
Ông Mai Liêm Trực cho biết, năm 1997, không chỉ có Nghị định 21 mà đã có văn bản riêng của cấp rất cao chỉ đạo "quản đến đâu mở đến đấy" với Internet. Chúng tôi biết rằng, Nghị định 21 không ổn để cho Internet phát triển. Ngay từ đầu, Tổng cục Bưu điện đã thấy rằng cần phải thay đổi Nghị định này. Nhưng việc thuyết phục để chuyển sang tư duy "quản" phải theo kịp với "mở" rất khó khăn - bởi nếu giữ tư duy "quản theo kịp với mở" là phi biện chứng và hạn chế sự phát triển".
Việc thuyết phục chuyển từ Nghị định 21 sang Nghị định 55 là chuyện không dễ dàng. Ông Trực nhìn nhận, Nghị định 55 được ví như cuộc Cách mạng lần 2 thì hơi to tát. Nhưng đây thực sự là những trăn trở và chuyển đổi về mặt tư duy về quản lý nhà nước và đổi mới. Việc quản lý phải theo kịp với phát triển là đúng với các ngành chứ không riêng gì Internet.
Nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh đã được giới truyền thông bình chọn là một trong 10 nhân vật có công lớn nhất đưa Internet vào Việt Nam cùng với những tên tuổi như ông Mai Liêm Trực, ông Trần Bá Thái, ông Vũ Hoàng Liên, ông Đặng Hữu…
Sự dấn thân của những người mở đường cho Internet vào Việt Nam đã tạo nên sự phát triển mạnh mẽ. Đồng thời cũng là động lực mạnh mẽ phát triển kinh tế văn hóa xã hội.
Theo số liệu Bộ TT&TT vừa công bố, tính đến tháng 6/2023, tỷ lệ hộ gia đình sử dụng cáp quang tại Việt Nam đạt 77,1%, cao hơn trung bình thế giới (67%). Mục tiêu của Bộ TT&TT là đưa tỷ lệ hộ gia đình Việt Nam sở hữu cáp quang Internet lên con số 100%. Đây chính là đòn bẩy để phát triển kinh tế số, xã hội số và chính phủ số.