Nhưng tính đi tính lại,ủtụchànhchírennes vs lens để có cái giấy, tôi phải bay từ Vũng Tàu về quê ở Nam Định, tiền đi lại còn nhiều hơn cả chỗ được giảm.
Biết chuyện, một lãnh đạo ở địa phương khuyên tôi sử dụng dịch vụ công cấp độ 4; tức là dịch vụ cho phép thực hiện mọi công đoạn, từ khai báo mẫu đơn từ cho đến thanh toán lệ phí... đều bằng hình thức trực tuyến. Việc trả kết quả có thể được thực hiện trực tuyến, gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến người sử dụng.
Tôi khấp khởi tin rằng, cái giấy xác nhận của mình sẽ được giải quyết sau vài ba cú nhấp chuột. Thực tế, các bước đầu diễn ra êm ru, nhưng đến phần nộp đơn là "tới công chuyện". Cổng thông tin này hóa ra có thể tiếp nhận đơn từ của người đề nghị, nhưng chưa chấp nhận chữ ký điện tử, nên tôi phải in bản cứng, ký và mang trực tiếp đến văn phòng ủy ban nhân dân xã để nộp. Cực chẳng đã, tôi in đơn ra, ký rồi chuyển phát nhanh về cho em gái nộp hộ. Sau khi có giấy xác nhận, em lại gửi chuyển phát nhanh vào cho tôi.
Phản ánh lại với vị lãnh đạo về dịch vụ cấp độ 4 nửa vời này, cậu cười trừ nói "khổ lắm anh ạ, từ khi áp dụng chuyển đổi số, anh em địa phương vừa thêm việc vừa áp lực".
Khác với trước đây, khi xin giấy, người dân đến trực tiếp trụ sở ủy ban làm thủ tục, thì bây giờ, họ được yêu cầu vào cổng dịch vụ trực tuyến, kê khai thông tin, in đơn, ký rồi mang lên nộp. Nhân viên ủy ban tiếp nhận phê duyệt, ký, đóng dấu, rồi cập nhật lại thông tin trên cổng. Người làm đơn nhận được thông báo, nếu thành công sẽ nộp lệ phí và nhận lại hồ sơ. Nói khác đi, khối lượng công việc sau khi chuyển đổi số tăng thêm ở một số khâu.
Người dân nếu không có hoặc không thạo máy tính, hoàn toàn có thể thực hiện theo cách cũ. Nhưng để đạt chỉ tiêu cải cách hành chính, các cơ quan địa phương đều khuyến khích dân sử dụng dịch vụ trực tuyến. Nếu không vận động, nhắc nhở bà con làm thủ tục trực tuyến, cán bộ ủy ban thường khai báo hộ người dân để đủ chỉ tiêu chuyển đổi số cho mình và đơn vị.
Các cấp địa phương đang nỗ lực bắt kịp tư duy và công nghệ số hóa, kỳ vọng hình thành dần diện mạo của những chính quyền thông minh, hiệu quả. Hành chính là một trong những lĩnh vực sớm ứng dụng chuyển đổi số, nhằm đơn giản hóa thủ tục, góp phần tiết kiệm chi phí, thời gian và công sức của người dân lẫn cơ quan công quyền.
Từ trải nghiệm của mình, tôi tìm hiểu kỹ hơn về hệ thống dịch vụ công trực tuyến. Hiện tại, cổng thông tin dịch vụ công quê tôi phục vụ 4 cấp độ. Cấp độ thấp nhất là các bên chỉ dùng cổng thông tin để đọc, tìm hiểu những thủ tục hành chính, mang tính phổ biến thông tin nhiều hơn là ứng dụng công nghệ. Cấp độ tiếp theo cho phép người dân tải các biểu mẫu để khai báo hoàn thiện trước rồi gửi trực tiếp hay qua đường bưu điện. Cấp thứ ba được gửi trực tuyến và thanh toán lệ phí trực tuyến. Cao nhất là cấp độ 4, hứa hẹn có thể trả kết quả qua đường bưu điện đến người sử dụng.
Nhưng thực tế, như tôi đã trải qua, để sử dụng cấp độ 4, tôi phải huy động cả "máy chạy bằng cơm", là cô em gái, do quá trình này tắc lại ở khâu chữ ký.
Nếu phải sử dụng một hình ảnh để mô tả thực trạng hành chính công trong những năm dịch bệnh vừa qua, tôi không có hình dung nào khác ngoài những dòng người xếp hàng: xin giấy đi đường, làm hộ chiếu, làm thủ tục xuất ngoại, làm thủ tục nhận trợ cấp và vẫn đang diễn ra dòng người xếp hàng rút bảo hiểm xã hội...
Những ngày đầu tháng 12, hàng trăm người dân chờ đợi suốt đêm trước trụ sở Bảo hiểm xã hội TP Thủ Đức, huyện Hóc Môn ở TP HCM, làm thủ tục rút bảo hiểm xã hội một lần. Nhiều người mang theo bánh để ăn, sạc điện thoại để giữ liên lạc và cả áo mưa để nằm ngả lưng khi quá mệt.
Dưới bài báo phản ánh về vấn đề này, tôi đọc thấy một bình luận: "Thời buổi 4.0 không phát được số qua đăng ký online được sao?". Tôi tin là câu hỏi tương tự cũng được đặt ra với nhiều dịch vụ hành chính công hiện nay.
Từ 2022, ngày 10/10 hàng năm được chọn là Ngày Chuyển đổi số quốc gia. Trong năm đầu công bố, sự kiện hướng tới chủ đề "Chuyển đổi số giải quyết các vấn đề của xã hội vì một cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân".
Đó là một định hướng đúng và trúng. Nhưng để giải quyết được, trước hết cần tìm ra mọi nút tắc của quá trình chuyển đổi số và có giải pháp xử lý triệt để; chẳng hạn, vấn đề chữ ký trong giấy xác nhận của tôi. Kiến tạo chính phủ số thông qua chuyển đổi số cần đi kèm với thay đổi cách định danh một người dân. Thay vì yêu cầu phải có chữ ký tươi, có thể sử dụng hình thức xác nhận bằng chữ ký số hoặc lấy vân tay trên điện thoại thông minh. Cơ quan nhà nước sẽ dùng dấu vân tay đó đối chiếu với vân tay trên căn cước công dân để xác minh.
Nửa cái bánh mỳ là bánh mỳ, nhưng số hóa một nửa quá trình không thể được tính là một thành công về chuyển đổi số.
Vũ Ngọc Bảo