Núi Đại Ba,ệnCônLuâkết quả inter milan hôm nay tây nối dãy Tần, đông thông đèo Vu, hiểm trở hùng vĩ, nổi tiếng khắp thiên hạ. Đường núi vừa gập ghềnh vừa chật hẹp, nơi nơi là hào sâu khe rộng. Đại Ba cheo leo hiểm trở, chim khó bay qua, vượn không trèo tới đỉnh. Lý Thái Bạch hiểu biết rộng, ngao du nhiều nơi, qua vùng này không kìm được phải thở dài: “Đường vào đất Thục khó hơn lên trời.”
Đương độ tháng chín, trời nhằm tiết thu, phong đỏ nhuộm thắm dãy núi, lá vàng như bươm bướm, cảnh sắc vô cùng rực rỡ.
Vùng núi nhấp nhô hiểm trở, chỉ có một con đường hẹp sống trâu, trên kề vách đá dựng đứng, dưới mấp mé vực sâu thăm thẳm, uốn lượn chạy về hướng nam. Gió thổi tới, lật tung những mớ dây leo khô trên vách cao, để lộ ba chữ lớn màu đỏ sẫm lốm đốm: “Thần Tiên Độ”.
Lúc ấy trong núi tịch mịch, chim nín trùng im, suối chảy lặng lẽ. Bỗng có tiếng người nói vang lên, nghe rõ mồn một trong cảnh vắng. Tiếng nói to dần, rồi một già một trẻ xuất hiện, đi tới trên con đường quanh co uốn khúc.
Người già chừng hơn năm mươi, thân hình cao lớn, tinh thần phấn chấn, khuôn mặt thô kệch, hai mắt sáng quắc. Người trẻ gầy yếu, mặt tròn như trăng rằm, mi mắt thanh tú, để ria mép, mỉm miệng cười.
“Bố ơi, chỗ này tên là Thần Tiên độ, nhưng con thấy cũng chỉ từa tựa ‘Thiên Xích tràng’, ‘Diêu tử phiên thân’ ở Hoa sơn vậy thôi.” Thiếu niên nói.
“Văn Tĩnh à, mày chỉ biết địa thế hiểm trở mà không biết lòng người độc ác. Nơi đây lâu nay vẫn là chỗ ẩn núp của bọn cường đạo, vực với khe này đã phơi xương rất nhiều khách bộ hành và thương lữ.” Ông già bất giác thở dài.
“Kỳ hiểm dã nhược thử, ta nhĩ viễn đạo chi nhân, hồ vi hô lai tai!” Văn Tĩnh lắc đầu.
“Thằng ranh này, nói cái quái gì vậy?” Ông già trừng mắt.
Văn Tĩnh lè lưỡi: “Đó là một câu trong Thục Đạo Nan của Lý Bạch, nghĩa là ‘Đường vào đất Thục đã nguy hiểm và trắc trở như vậy, vì sao người ta vẫn lặn lội từ ngàn dặm xa xôi tới đây’?”
“Mày chẳng hiểu gì cả! Nếu không phải vì kiếm cơm đút miệng, ai lại muốn bỏ vợ dại con thơ đến cái nơi quỷ quái này?”
“Thế,… liệu chúng ta có gặp cường đạo không?”
“Xem chừng mày rất muốn thì phải.” Ông già ngắm nghía gã trai.
Văn Tĩnh cười ha hả: “Nếu gặp thật, chưa biết ai cướp ai đâu.”
“Ỷ vào mấy miếng võ mèo quào của mày ấy ư?” Ông già cười nhạt, “Sớm muộn gì cũng bị người ta nện cho một trận chết toi.”
“Lúc nào bố cũng chê bai con.” Văn Tĩnh đỏ mặt tía tai: “Huyền Âm đạo trưởng nói con căn cơ thâm hậu, ngộ tính rất cao. Lần trước một mình con đấu lại Vũ Thanh và Vũ Linh, cuối cùng hai đạo đồng ấy thua còn gì.”
“Phì.” Ông già nổi giận, dí ngón tay vào chóp mũi cậu con: “Đồ mặt dày! Vũ Thanh, Vũ Linh đều chưa đầy mười tuổi, mày thì bao nhiêu tuổi rồi? Nói đi, mày bao nhiêu tuổi?”
Văn Tĩnh bị mắng tối tăm mặt mũi, lúng túng: “Tại chúng nó ra tay với con trước.”
“Hừ, còn già mồm?” Ông bố bắt đầu xắn tay áo, Văn Tĩnh vội vã giật lui.
“Giỏi thì chạy đi.” Toan dạy cho thằng con một bài học, đột nhiên nghe thấy đằng xa có tiếng quạ la quang quác, ông già bất giác dừng chân, ngạc nhiên nói: “Sao lũ quạ kêu la ghê thế nhỉ?”
Văn Tĩnh ngẩng đầu nhìn lên: “Đằng trước kia xảy ra chuyện gì chăng?”
Ông già lườm con: “Mày đợi ở đây. Ta đi xem sao.” Nói rồi nhấc chân, thoáng cái biến mất ở khúc cuối con đường
Luẩn quẩn đợi một lúc, sương mù dâng lên trong khe núi, trắng mờ mịt không nhìn thấy gì cả, Văn Tĩnh đâm ra bứt rứt. Bỗng nhiên tiếng quạ đằng xa lại vẳng tới, gã bỗng sởn gai ốc, sợ hãi khó tả, không câu nệ lời cha dặn nữa, bèn men theo vách đá, lần lần tiến lên.
Đi được chừng ba dặm, thấy phía trước mở ra rộng rãi bao la, một khoảng đất trống xuất hiện. Văn Tĩnh nhóng mắt nhìn kỹ, hoảng hồn suýt bước hụt chân.
Trên nền cỏ xanh mơn mởn, có hai mươi mấy cái thây nằm ngã ngổn ngang, đều há hốc mồm, mắt lọt khỏi tròng, cổ bị khía một vết thương, máu đã đông tím lại trong làn gió núi.
“Mẹ ơi!” Đờ đẫn một lúc lâu, cuối cùng Văn Tĩnh buột miệng kêu lên.
“Đừng lải nhải nữa!” Ông già đứng bên một thi thể, không ngoảnh đầu lại, trên tay là một miếng ngọc bài trong suốt lóng lánh như mỡ dê.
“Chuyện gì thế bố?” Văn Tĩnh hỏi, tim đập thình thịch.
“Mày hỏi ta, ta biết hỏi ai?” Ông già nói, “Đám người này chết ít nhất cũng được hai canh giờ rồi.”
“Lạ nhỉ!” Văn Tĩnh lấy lại can đảm, bước đến xem xét thật kỹ mấy cái xác: “Những người này đều bị thương ở cổ… Ôi, độ nông sâu giống hệt nhau, như thể dùng thước đo ấy.”
“Ừ, tất nhiên. Ta nghĩ do một người hạ thủ thôi.”
Văn Tĩnh giật mình, ngó lão già trừng trừng: “Bố nói dối.”
“Mày bảo sao cơ?” Ông già giơ nắm tay to tướng lên.
Gã trai vội vả vào miệng mình, cười xoà: “Sao bố biết là do một người hạ thủ?”
“Không còn gì đơn giản hơn.” Ông già bảo: “Mày nhìn các vết chân dưới đất, ngoài của mày, của ta, thì chỉ còn hai loại. Một là dấu giày đầu hổ, đó là thứ giày người giàu thường xỏ lúc leo núi. Một là dấu giày đế mỏng, thường dùng để phi hành hoặc chạy trên vách đá, rất ít đeo khi đi đường núi. Ta vừa xem rồi, những người chết này đều mang giày đầu hổ.”
Văn Tĩnh chăm chú quan sát: “Bố thực là mắt sáng như sao, liệu việc như thần, nhưng mà… nhưng mà… sao con không nhìn thấy dấu giày đế mỏng?”
Ông già ngồi xổm xuống, chỉ vào một chỗ lõm bé xíu trên mặt đất, “Nông thế này mà!” Văn Tĩnh trố mắt.
Ông già chậm rãi đứng lên: “Kẻ này võ công cao lắm, thực khiến người ta khiếp sợ. Đao pháp thì khỏi phải nói rồi, ngay thuật khinh thân, cả đời Lương Thiên Đức ta cũng chưa trông thấy bao giờ.”
“Không thể nào. Chắc tại bọn này kém quá mà thôi.”
Lương Thiên Đức siết chặt nắm tay, khớp ngón kêu răng rắc, biến ra trắng bệch: “Nhìn dấu tích đả đấu, đủ thấy những kẻ táng mạng này không phải hạng tầm thường, trong đó có mấy người công phu quyền cước còn trên cả ta.”
Văn Tĩnh trố mắt, sống lưng lạnh toát. Một lúc lâu sau mới nói: “Hay họ gặp ma?”
“Gì cơ?”
“Người mà có hạng ghê gớm như vậy sao?”
“… Mày chả hiểu gì hết, thật là một thằng nhóc không biết trời cao đất dày.” Lương Thiên Đức trừng mắt.
Văn Tĩnh gợi ý: “Bố, mình lỡ gặp phải, thôi thì chôn cất họ đi.”
“Không được.” Lương Thiên Đức nói, “Mấy người này lai lịch phức tạp, chôn cất lặng lẽ e rằng sẽ phạm một sai lầm rất lớn.”
“Hay chúng ta báo quan.” Văn Tĩnh vừa nói dứt, đã run lên cầm cập.
“Quan lại Tống triều chẳng có mấy người tốt.” Lương Thiên Đức nói: “Đừng can thiệp những việc không phải của mình, chuốc vạ vào thân đấy.” Lão vừa nói, vừa chà xát miếng ngọc bài, cau mày như do dự điều gì, một lúc sau thở dài, thả xuống xác một thanh niên tuấn tú vận áo trắng, rồi quay mình bỏ đi. Văn Tĩnh đợi lão đi xa, len lén cầm lên xem, thấy nó trong suốt lóng lánh, chạm trổ rất tinh xảo, chín con giao long sống động như thật ôm lấy bốn chữ triện thếp vàng: “Như – Trẫm – Thân – Lâm1”. Gã đang khe khẽ xuýt xoa, chợt nghe thấy ông già gọi, giật thót nhìn lên, Lương Thiên Đức đã lại quay mình bỏ đi rồi. Không kịp đặt miếng ngọc xuống nữa, Văn Tĩnh bèn nhét luôn nó vào ngực áo, cảm thấy hơi lạnh thấm sang người.
“Đi mau!” Lương Thiên Đức hét: “Nhỡ ai đến thì làm thế nào?”
“Bố đúng là non gan nhát chết.” Văn Tĩnh vừa đi vừa lẩm bẩm.
Lương Thiên Đức thính tai, nghe thấy loáng thoáng bèn hỏi, “Mày nói gì?”
Văn Tĩnh xám mặt, định phân trần, bỗng nghe thấy đằng xa có tiếng hát vang lên:
“Ôi , chao ôi!
Nguy hề, cao thay!
Đường Thục khó, khó hơn lên trời xanh .
Tàm Tùng và Ngư Phù,
Mở nước bao xa xôi!
Đến nay bốn vạn tám ngàn năm,
Mới cùng ải Tần liền khói người…”
Một nho sinh ăn vận rách rưới, mặt như gà chọi, say sưa loạng choạng, cầm một bầu rượu sơn đỏ, lảo đảo bước ngược lại.
“Phía tây núi Thái Bạch có đường chim,
Vắt ngang đến tận đỉnh Nga Mi,
… à… Nga Mi… à…”
Ngang qua hai cha con, ông ta bỗng hụt chân, chao người đi, Văn Tĩnh tuổi trẻ nhiệt tình, vội vã thò tay đỡ. Nho sinh phất tay áo rách, đẩy Văn Tĩnh ra, tiếp tục ca:
“Rồi sau thang trời, lối đá mới nối liền.
Trên đỉnh có sáu rồng, lượn quanh vầng nhật;
Dưới có dòng sâu rẽ ngược, sóng cả đua chen.
Hạc vàng bay qua còn chẳng được;
Vượn khỉ toan vượt, buồn với vin.” 2
Vừa hát vừa bỏ đi.
“Bố, đằng sau là ‘Thần Tiên độ’. Ông ấy rệu rã như thế làm sao vượt qua được?” Văn Tĩnh hỏi.
“Hừ, anh khoá hỏng thi, văn nhân buồn bã. Đại Tống thực đáng ghét! Chẳng có gì hay, chỉ toàn những người nghèo nàn khốn khổ.” Ông già cau mày, hai cha con cùng ngoái lại, bất giác ngơ ngác nhìn nhau, con đường quanh co uốn khúc tịnh không một bóng người. Truyện "Côn Luân "
“Bố… bố…! Chúng… ta gặp… gặp ma rồi!” Văn Tĩnh thều thào.
“Bậy bạ, mặt y đỏ rực thế, có chỗ nào giống hồn ma bóng quế đâu?”
Ông già ngoài miệng trách móc, nhưng trong bụng cũng kinh hãi vô cùng. Sau đó, họ đều im lặng, không trò chuyện gì nữa, cứ cắm đầu cắm cổ đi. Được một thôi đường, vượt qua một con đèo, bỗng trông thấy một dòng suối trong chảy róc rách, một cây cầu độc mộc bắc ngang hai bờ, đầu cầu có một quả đồi, mấy ngọn núi xanh ôm ấp vài ba căn nhà, khói nhẹ loăn xoăn theo gió trôi lên.
“Đằng kia có quán trọ.” Văn Tĩnh reo mừng, trỏ tay về một dãy nhà lợp ngói xanh phía xa. Trước cửa treo hai quả đèn lồng, viết tám chữ lệ: “Khách sạn Ba Sơn, đến như về nhà”. Ông già cũng mỉm cười.
Hai người đến trước quán trọ, chưa bước vào, một tiểu nhị đã chạy ra, nhìn họ thật kỹ: “Xin lỗi, ở đây có người bao hết rồi.”
Văn Tĩnh thất vọng vô cùng, nói với cha: “Bố ơi, con đói lắm.”
Lương Thiên Đức cau mày: “Chúng tôi ăn cơm xong là đi ngay. Mong anh giúp đỡ.”
“Thế thì…” tiểu nhị tỏ vẻ trù trừ.
“Mọi người đều là khách, hà tất câu nệ như thế.” Trong quán có tiếng sang sảng vọng ra, “Anh cứ mời họ vào.”
“Vâng, vâng.” Tiểu nhị tránh sang nhường đường. Văn Tĩnh vui mừng, lao vào trước.
“Thằng ranh, chỉ ăn là giỏi.” Lương Thiên Đức bất lực làu bàu.
Trong quán có một cái bàn bát tiên3, ba người đang ngồi. Người ngồi đầu bàn là một văn sĩ áo trắng, mảnh khảnh sạch sẽ, râu tóc đen nhánh, tay phe phẩy một cây quạt gấp. Người ngồi mé phải là một ông già rắn rỏi, khuôn mặt đen cháy, râu dài tới ngực, đôi mắt lim dim, bộ dạng uy nghiêm. Người thứ ba là một hán tử trung niên, mày rậm mắt tròn, da thịt rắn chắc, lưng đeo một thanh đại đao chín khuyên, trông thấy Văn Tĩnh xăm xăm chạy vào, y cau mày.
“Ba cân thịt bò, ba cân cơm, ờ… một cân rượu nếp, một đĩa rau… Ôi chà!” Văn Tĩnh ôm đầu, sợ sệt nhìn cha.
“Thằng ranh này, mày ăn hết không?” Lương Thiên Đức sầm mặt hỏi.
“Quý khách còn dùng gì nữa ạ?” Tiểu nhị cười ngọt ngào.
“Đủ rồi.” Lương Thiên Đức lắc đầu.
Tiểu nhị thấy hai cha con quần thô áo vải, nhíu mày nói: “Xin lỗi, quán chúng tôi có lệ bất thành văn, tiền trao cháo múc, mong quý khách trả tiền trước.”
Lương Thiên Đức ngắm nó thật kỹ: “Đồ mục hạ vô nhân, ngươi tưởng các ông đây ăn không chăng?”
Tiểu nhị cười ha ha: “Đâu dám! Quý khách thực biết nói đùa!”
Lương Thiên Đức khoát tay: “Văn Tĩnh, lấy tiền ra.”
Văn Tĩnh vâng lời, thò tay vào ngực áo, mắt bỗng trợn lên, lần tay khắp trên dưới, ngó cha, nước mắt chực trào ra: “Bố ơi, túi tiền… túi tiền… mất rồi.”
“Cái gì?” Lương Thiên Đức kêu lên.
“Hơ.” Tiểu nhị lập tức sầm mặt: “Quý khách, quán chúng tôi vốn nhỏ lời ít, xưa nay không bán chịu.”
Lương Thiên Đức tức giận nhìn con. Văn Tĩnh mếu máo: “Con nhớ là đã đếm kỹ trước lúc qua Thần Tiên độ, thế mà giờ không thấy nữa.”
“Ta biết đâu đấy? Tay nải toàn do mày đeo mà.” Lương Thiên Đức không kìm được vung tay đánh.
Văn Tĩnh ôm đầu, kêu van: “Con nhớ ra rồi, chính cái tên nho sinh ma quỷ ấy, nhất định đã nhằm lúc con tốt bụng giơ tay ra đỡ, nhưng mà…” Văn Tĩnh lắc đầu: “Sao con không phát giác ra nhỉ.” Gã ngấm ngầm than thở, không những túi tiền, mà cả miếng ngọc bài dúi trong ngực cũng bị tên đó nẫng mất rồi, nếu không thì còn có thể mang ra đổi cơm ăn. Tên nho sinh khốn kiếp xấu xa! Nghĩ đến đây, gã suýt oà khóc.
“Thế mà cũng đòi luyện võ.” Lương Thiên Đức không kìm được nữa, tóm lấy cổ gã. Văn Tĩnh la oai oái như lợn bị chọc tiết.
“Quý khách, mời các vị ra ngoài đánh nhau.” Tiểu nhị hầm hầm đuổi.
Lần đầu tiên trong đời bị sỉ nhục như thế, Lương Thiên Đức tím mặt, uất ức vô cùng, dợm chân toan chạy ra cửa, chợt nghe thấy văn sĩ cười bảo: “Nếu các hạ không chê, Bạch Phác đứng ra mời mọi người cùng uống một ly?” Lương Thiên Đức sững sờ, chưa kịp đáp, đã thấy Văn Tĩnh xoa cổ lầm bầm: “Đến tối biết làm sao đây?”
“Khốn kiếp!” Lương Thiên Đức trừng mắt tức giận.
“Bố ơi, con đói thật mà.” Bụng Văn Tĩnh kêu lục bục.
Lương Thiên Đức toan chửi mắng, song nhìn bộ dạng thiểu não của thằng bé lại không nỡ cất lời. Bạch Phác cười: “Người ta sống trên đời, ai chả có lúc khó khăn. Huống hồ tại hạ còn có việc muốn thỉnh giáo, mong huynh đài đừng chối từ.”
“Thôi được!” Lương Thiên Đức thở dài, cúi đầu vòng tay đáp: “Thịnh tình của các hạ, Lương mỗ xin nhận!” rồi gượng gạo cùng Văn Tĩnh lại ngồi, không dưng thọ lãnh ân huệ của người ta, trong lòng vô cùng khó chịu.
“Đây là Đoan Mộc tiên sinh, tên huý Trường Ca.” Bạch Phác chỉ ông già mặt đen. “Còn đây là Nghiêm Cương huynh, người ta thường gọi là Bát tý đao.” Y trỏ hán tử mang đao. Hai người hơi cúi đầu, nhưng không nói gì.
“Hai vị là người phương bắc phải không?”
“Vâng, chúng tôi từ Hoa sơn đến.”
“Ồ.” Văn sĩ áo trắng nói, “Nhưng nghe giọng hai vị lại giống người phương nam.”
“Ừm, cụ nhà tôi nguyên quán Hợp Châu4, xưa kia sống ở Giang Nam một thời gian, nhưng đã dừng chân ở phương bắc hơn hai mươi năm rồi.”
Bạch Phác xoa tay: “Phương bắc là nơi bọn Hồ Lỗ hoành hành, các hạ sống cùng Di Địch mà không quên khẩu âm Đại Tống thì thật đáng phục, lại thêm lệnh lang cũng vẫn nói giọng Giang Nam, thực là hiếm có!”
Lương Thiên Đức rùng mình, suýt làm đổ rượu ra áo.
“Bố,” Văn Tĩnh vỡ lẽ: “thì ra bố không cho con nói cái tiếng nhũn nhẽo uốn éo ấy là vì thế.”
“Ăn đi!” Lương Thiên Đức trừng mắt nhìn. Văn Tĩnh sợ hãi cắm mặt xuống và cơm.
“Chẳng hay tình hình phương bắc ra sao?”
Lương Thiên Đức im lặng. Văn Tĩnh cướp lời: “Bọn Thát rất tồi tệ, coi người Hán như cỏ rác, gần đây còn bắt người Hán sung quân, bố tôi tức giận, mới dắt tôi trở về Đại Tống.”