Với lợi thế to lớn về đất đai,ànhtrangchonhữngđộtphákeonjacai5 khí hậu nên từ trước đến nay, sản xuất nông nghiệp, chủ yếu là phát triển cây công nghiệp luôn là ngành kinh tế chủ đạo của huyện Dầu Tiếng. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, với chủ trương chuyển dịch cơ cấu kinh tế, Dầu Tiếng không còn “độc tôn” cây cao su mà những lĩnh vực kinh tế khác phù hợp với điều kiện, tiềm năng và lợi thế của địa phương đang được huyện quan tâm phát triển. Những kế hoạch, đề án, chương trình phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch của huyện trong thời gian tới đã và đang được triển khai một cách thận trọng, chắc chắn.
Nông thôn mới kiểu mẫu
Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) luôn là ưu tiên hàng đầu trong nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của huyện Dầu Tiếng trong những năm qua. Với sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự hỗ trợ giúp đỡ từ các sở, ban, ngành của tỉnh cùng sự quyết tâm, nỗ lực vượt khó của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong huyện, việc thực hiện chương trình xây dựng NTM ở Dầu Tiếng đã mang lại những kết quả đáng khích lệ.
Một góc đô thị Dầu Tiếng hôm nay. Ảnh: TRÍ DŨNG
Qua hơn 6 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, đến nay huyện Dầu Tiếng đã có 11/11 xã đạt chuẩn xã NTM và đã được Thủ tướng Chính phủ tặng Cờ thi đua và công nhận “Huyện đạt chuẩn NTM” vào cuối năm 2016. Dầu Tiếng cũng là huyện đầu tiên của tỉnh Bình Dương đạt chuẩn NTM. Đây thực sự là kết quả đáng phấn khởi đồng thời là sự ghi nhận đối với những nỗ lực không ngừng của Đảng bộ, chính quyền cùng sự đồng thuận, chung tay góp sức của các tầng lớp nhân dân trong huyện. Kết quả trong xây dựng NTM là bộ mặt kinh tế - xã hội khu vực nông thôn của Dầu Tiếng đã có những bước tiến đáng kể. Sức sống NTM tại đây đang lan tỏa mạnh mẽ. Những xã vùng xa, khó khăn của huyện như Minh Hòa, Minh Thạnh, Minh Tân đã thay đổi rõ nét với những con đường nông thôn được trải nhựa, bê tông; nhiều công trình an sinh như trường học, nhà văn hóa, trạm y tế được xây dựng khang trang; đời sống vật chất và tinh thần của người dân nơi đây được nâng lên đáng kể. Ông Nguyễn Thanh Hải, một người dân ở xã Minh Hòa cho biết: “Những năm gần đây, không chỉ ở Minh Hòa mà nhiều xã khác, việc đi lại đã thuận tiện hơn nhiều; trường học, chợ, nhà văn hóa… được xây dựng đã tạo thuận lợi trong phát triển kinh tế, phục vụ đời sống tinh thần của người dân”.
Những kết quả đạt được trong xây dựng NTM ở huyện Dầu Tiếng là tích cực và đáng tự hào, tuy nhiên, lãnh đạo huyện Dầu Tiếng chưa bằng lòng mà đang thể hiện quyết tâm nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt được. Do vậy, trong năm 2017, UBND huyện đã ban hành Kế hoạch số 80 về duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí đối với các xã đạt chuẩn NTM trên địa bàn huyện Dầu Tiếng giai đoạn 2017- 2020. Theo kế hoạch, 11/11 xã được công nhận đạt chuẩn NTM phải tiếp tục rà soát, chủ động xây dựng kế hoạch duy trì và nâng cao chất lượng tiêu chí nhằm nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn, bảo đảm sự tăng trưởng và phát triển bền vững; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn phát triển nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ; gắn phát triển nông thôn với đô thị; xã hội nông thôn dân chủ, bình đẳng, ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; môi trường sinh thái được bảo vệ; quốc phòng, an ninh được giữ vững; bảo đảm đủ điều kiện công nhận lại xã nông thôn mới, huyện nông thôn mới theo quy định của tỉnh và Trung ương.
Ông Nguyễn Mạnh Hồng, Chủ tịch UBND huyện cho biết, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của huyện trong năm 2018, đó là tập trung chỉ đạo, hướng dẫn các xã phấn đấu nâng cao các tiêu chí theo bộ tiêu chí NTM của Trung ương và của tỉnh giai đoạn 2017- 2020; phấn đấu đến cuối năm 2018 xã Thanh An đạt 19/19 tiêu chí theo bộ tiêu chí mới để trình tỉnh xét công nhận xã đạt “Xã NTM kiểu mẫu”.
Tìm “đột phá” công nghiệp - dịch vụ
Thế mạnh của huyện Dầu Tiếng là sản xuất nông nghiệp với cây trồng chủ lực vẫn là cao su và gần đây là cây ăn trái. Tuy nhiên, trong những năm qua, thực hiện chủ trương chuyển dịch cơ cấu kinh tế, huyện đã từng bước phát triển công nghiệp, dịch vụ và du lịch. Hiện nay, toàn huyện có trên 300 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, cụm công nghiệp Thanh An đã đi vào hoạt động ổn định, giải quyết việc làm cho khoảng 1.000 lao động. Huyện cũng đang khẩn trương hỗ trợ nhà đầu tư cụm công nghiệp An Lập sớm hoàn thành thủ tục đầu tư để đi vào hoạt động. Mặt khác, các đơn vị liên quan của huyện đang tiếp tục phối hợp với ngành chức năng triển khai thực hiện dự án quy hoạch mở rộng Khu công nghiệp Bàu Bàng về phía xã Long Tân với diện tích gần 1.000 ha. Đây là những tín hiệu đáng mừng, hứa hẹn sẽ có bước “đột phá” trong thời gian tới trên lĩnh vực công nghiệp của Dầu Tiếng.
Bên cạnh công nghiệp, hoạt động thương mại, dịch vụ của huyện thời gian qua cũng có nhiều khởi sắc. Các hoạt động đưa hàng Việt về nông thôn, hội chợ triển lãm thương mại… đã đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân. Đặc biệt, một trong những dự án du lịch được kỳ vọng sẽ mang tính đột phá trong phát triển du lịch của huyện, đó là phát triển Khu du lịch sinh thái Núi Cậu. Hiện nay, huyện đang tích cực phối hợp hỗ trợ Công ty TNHH Xuân Cầu thực hiện các thủ tục để tiến hành đầu tư vào khu du lịch nhiều tiềm năng này. Núi Cậu - hồ Dầu Tiếng là một danh thắng với địa thế tiền thủy, hậu sơn đã tạo cho khu du lịch này nét hiền hòa, êm ả với một bên là lòng hồ trong mát, bên cạnh bức bình phong hùng vĩ của rừng núi thiên nhiên. Nơi đây đang được nhiều du khách chọn đến tham quan, vui chơi, giải trí và viếng chùa. Trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 vừa qua, khu du lịch đã đón trên 27.000 lượt khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan, viếng chùa…
Sau 43 năm giải phóng, Dầu Tiếng hôm nay đã khoác trên mình màu áo mới. Những kết quả đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là trong xây dựng NTM, công nghiệp-dịch vụ... sẽ là hành trang để vùng đất anh hùng này vững bước tương lai.
T.DŨNG