Chính phủ cần tạo ra cơ chế phát hiện 'nút thắt cổ chai' trong chia sẻ dữ liệu của các cơ quan_nhan dinh lens
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng nhấn mạnh: "Dữ liệu được đánh giá là vấn đề cốt lõi, là chìa khóa thành công cho chuyển đổi số" |
Hành lang pháp lý về chia sẻ dữ liệu cần tạo tiền đề cho dữ liệu mở
Sáng ngày 20/3, Bộ TT&TT phối hợp cùng Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức hội thảo “Chính sách quản lý, chia sẻ dữ liệu số: Vấn đề đặt ra và kinh nghiệm quốc tế” tại Hà Nội. Đây là diễn đàn quan trọng để đại diện các bộ, ngành cùng các chuyên gia trong nước và quốc tế thảo luận, chia sẻ các vấn đề thực tiễn của Việt Nam và kinh nghiệm quốc tế về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số; trên cơ sở đó đề ra các chính sách của các cơ quan nhà nước Việt Nam trong thời gian tới.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng cho biết, Việt Nam đang trong quá trình tiến hành chuyển đổi số để có thể chủ động bước vào nền kinh tế số. Dữ liệu được đánh giá là vấn đề cốt lõi, là chìa khóa thành công cho chuyển đổi số. Vì vậy, thời gian vừa qua Bộ TT&TT đã đề xuất và được Chính phủ thông qua, cho phép xây dựng đề án Chuyển đổi số quốc gia và xây dựng dự thảo Nghị định về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số.
Theo Thứ trưởng, thời gian qua, vấn đề kết nối, chia sẻ dữ liệu đã được đề cập rất nhiều trong các báo cáo của Bộ TT&TT, Văn phòng Chính phủ cũng như các bộ, ngành, địa phương, trong đó đã đề cập rất nhiều khó khăn, bất cập từ hạ tầng kỹ thuật đến hành lang pháp lý…
“Tuy nhiên, tại hội thảo này, chúng ta cũng không nên tiếp tục nói quá nhiều về sự cần thiết, cũng như không nên chỉ đơn thuần nói về những khó khăn bất cập mà nên bàn kèm theo các phương án giải quyết. Ví dụ như, chúng ta cần làm gì, có những giải pháp gì để xây dựng hạ tầng kỹ thuật, cần ban hành các văn bản gì để cung cố hành lang pháp lý, kinh nghiệm một số nước họ thế nào và chúng ta có thể học hỏi được gì…”, Thứ trưởng nói.
Thứ trưởng cũng đặt ra nhiều vấn đề cần quan tâm trong quá trình xây dựng hành lang pháp lý cho việc quản lý, chia sẻ dữ liệu số. Đó là, khi đã chia sẻ dữ liệu, chúng ta còn phải bàn đến việc sử dụng các dữ liệu được chia sẻ thế nào sao cho hiệu quả nhất trong công việc. Phải làm sao gia tăng và khai thác tối đa được giá trị của dữ liệu. Trao đổi dữ liệu phải thông suốt, dữ liệu phải đến được những nơi cần nó, dữ liệu phải phù hợp, sử dụng được và đang tin cậy cho người dùng.
Bên cạnh đó, trong quá trình chia sẻ dữ liệu, dữ liệu phải được bảo đảm về tính riêng tư, bảo mật. Kinh nghiệm của các nước trong vấn đề này như thế nào khi dữ liệu được chia sẻ cho một số cơ quan, đơn vị, nhưng cơ quan không đủ khả năng quản lý, để xảy ra hiện tượng lộ lọt… Chúng ta phải chủ động phòng ngừa thế nào?
Cơ quan nhà nước cũng cần phải có giải pháp để đánh giá được hiệu quả các phương án chia sẻ dữ liệu được đề ra, theo dõi được mức độ chia sẻ, tần suất sử dụng dữ liệu được chia sẻ thế nào để đảm bảo hiệu quả. Ngay từ khi xây dựng hành lang pháp lý, các cơ quan nhà nước cũng cần tính đến các bộ chỉ số để đánh giá được hiệu quả sử dụng, từ đó có những điều chỉnh phù hợp, nhằm tối đa hóa nguồn lực.