Cùng với cả nước,óithầuquàtriânthươsoi kèo bayern munich hôm nay các tỉnh Hà Tĩnh, Ninh Bình và Hải Dương trong những ngày qua đã có những hoạt động nhân văn theo tinh thần “Uống nước nhớ nguồn” nhân dịp kỷ niệm 72 năm Ngày Thương binh-Liệt sỹ (27/7/1947-27/7/2019).
Nhưng những hoạt động đó lại gây nên những lùm xùm trên mạng xã hội. Vì sao?
Ngược dòng lịch sử, đầu năm 1946 Hội giúp binh sỹ tử nạn (sau đổi tên là Hội giúp binh sỹ bị thương) được thành lập. Chủ tịch Hồ Chí Minh được mời làm Hội trưởng danh dự của Hội. Tháng 6/1947, thực hiện chỉ thị của Hồ Chủ tịch, 2.000 đại biểu của Tổng bộ Việt Minh, Hội Phụ nữ Cứu quốc, Cục Chính trị quân đội quốc gia Việt Nam, Nha Thông tin tuyên truyền và một số địa phương tụ họp tại Đại Từ (tỉnh Thái Nguyên) và thống nhất lấy ngày 27/7/1947 làm Ngày Thương binh toàn quốc. Từ năm 1955, Ngày Thương binh được đổi tên thành Ngày Thương binh-Liệt sỹ.
Du khách dâng hương tại khu mộ 10 nữ liệt sỹ thanh niên xung phong hy sinh tại Ngã ba Đồng Lộc, Hà Tĩnh. Ảnh: Công Tường/TTXVN |
Việc tổ chức các hoạt động nhân Ngày 27/7 hàng năm, thể hiện sự trân trọng, biết ơn của Đảng, Nhà nước và nhân dân đối với những cống hiến, hy sinh của các thương binh, gia đình liệt sỹ, người có công với cách mạng; khơi dậy và phát huy tinh thần yêu nước, truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam.
Theo báo cáo của Bộ Lao động-Thương bình và Xã hội, thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong 72 năm qua công tác chăm sóc người có công với cách mạng đã được Đảng, Nhà nước và nhân dân cả nước đồng sức, đồng lòng triển khai thực hiện và đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Hệ thống chính sách, pháp luật về người có công từng bước được hoàn thiện; chế độ ưu đãi người có công với cách mạng không ngừng được cải thiện, nhằm bảo đảm cuộc sống của người có công ngày càng đầy đủ, tốt đẹp hơn.
Việc xây dựng, nâng cấp, tu bổ nghĩa trang liệt sỹ, công trình ghi công liệt sỹ được quan tâm đầu tư, công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ, xác định danh tính hài cốt liệt sỹ được triển khai tích cực.
Phong trào “Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sỹ và người có công với cách mạng,” ủng hộ Quỹ đền ơn đáp nghĩa ngày càng phát triển sâu rộng, được xã hội đồng tình hưởng ứng và tích cực tham gia, góp phần nâng cao điều kiện sinh hoạt của hàng nghìn gia đình người có công với cách mạng.
Hòa chung trong không khí đó, vừa qua tỉnh Hà Tĩnh đã chi gần 5 tỷ đồng để tặng quà thân nhân các liệt sỹ tại địa phương, tưởng nhớ những người con quê hương đã đổ máu xương vì độc lập, tự do của Tổ quốc.
Theo thông tin từ Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Hà Tĩnh, căn cứ Quyết định số 1619/QĐ- UBND ngày 30/5/2019 của Ủy ban Nhân dân tỉnh về việc cấp kinh phí tổ chức các hoạt động kỷ niệm 72 năm Ngày Thương binh-Liệt sỹ, Sở được cấp 4.757.200.000 đồng để mua 23.786 suất quà bằng hiện vật (bánh kẹo) tặng thân nhân các gia đình liệt sỹ trong toàn tỉnh (mỗi suất trị giá 200.000 đồng).
Việc mua sắm được Sở triển khai và thực hiện theo đúng quy định. Sở cũng đã chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố tổ chức tiếp nhận và trao đầy đủ 23.786 suất quà đến các gia đình liệt sỹ, người thờ cúng liệt sỹ trước ngày 24/7/2019, đảm bảo công khai, minh bạch, kịp thời, đúng đối tượng.
Thế nhưng, một tài khoản trên mạng xã hội Facebook đã đề cập việc này kèm theo những lời bình: “Không biết lễ như thế nào, thắp ở đâu, nhưng số tiền khủng quá…”
Ngay lập tức, thông tin này được chia sẻ chóng mặt trên các mạng xã hội và diễn đàn trực tuyến, nhận được những lời bình theo hướng bức xúc, phẫn nộ, suy diễn là quá lãng phí, có sự xà xẻo, chia chác, sân sau.
Câu chuyện tương tự cũng xảy ra ở Ninh Bình khi gói thầu 8,7 tỷ đồng mua quà tặng thân nhân liệt sỹ và người có công vào dịp 27/7 (mỗi suất quà trị giá 300.000 đồng) bị biến thành “chỉ có thắp hương mà đốt gần 9 tỷ đồng” trên mạng xã hội.
Trước đó ít ngày, tỉnh Hải Dương cũng vướng phải “sự cố mạng xã hội.” Trên Facebook và các mạng xã hội khác từ ngày 28/7 đã lan truyền thông tin khi tổ chức Lễ thắp nến tri ân các Anh hùng liệt sỹ, chính quyền xã Quang Trung (huyện Tứ Kỳ) bắt học sinh xếp hàng ngồi bên các ngôi mộ trong Nghĩa trang liệt sỹ của xã vào lúc đêm tối. Thông tin trên kèm hình ảnh các đại biểu ngồi ghế trong khi các em học sinh ngồi xổm dưới đất. Điều này khiến mạng xã hội dậy sóng.
Một số trang web, trong đó có các trang web ở nước ngoài, đăng tải lại với lời bình ác ý, thậm chí hằn học, nhằm vào chính quyền địa phương và thể chế chính trị ở Việt Nam.
Sự thật thì sao? Trao đổi với phóng viên TTXVN, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Quang Trung Nguyễn Việt Dự cho biết: Tối 26/7, Đảng ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân xã Quang Trung tổ chức Lễ dâng hương, thắp nến tri ân các Anh hùng liệt sỹ tại Nghĩa trang liệt sỹ của xã.
Lễ dâng hương, thắp nến tri ân diễn ra từ 19 giờ 45 đến khoảng 20 giờ 15 thì kết thúc.
Buổi lễ được tổ chức ngắn gọn với một số bài hát về tình yêu quê hương, đất nước và phát biểu của đại diện thế hệ trẻ của xã trước anh linh các liệt sỹ. Tiếp đó, Ban tổ chức phân công các em thiếu nhi đến từng ngôi mộ liệt sỹ để thắp nến. Hình ảnh trên mạng là vào thời điểm Ban tổ chức tắt điện để các em chuẩn bị thắp nến và việc này cũng chỉ diễn ra trong khoảng vài phút.
Câu chuyện ở Hà Tĩnh, Hải Dương hay Ninh Bình một lần nữa lại gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về mặt trái của mạng xã hội. Đó là khi có người đăng tải một thông tin bị cắt xén, xuyên tạc hay bịa đặt lên mạng xã hội, nhiều người không có sự thẩm định mà ngay lập tức chia sẻ, bình luận thiếu thiện chí, suy diễn thiếu căn cứ, lô gic… đẩy sự việc đi quá xa so với thực tế. Điều này cho thấy, việc tiếp nhận và ứng xử với thông tin trên mạng xã hội cần hết sức tỉnh táo, sáng suốt.
Bênh cạnh đó, bản thân người đưa thông tin lên mạng xã hội cần nâng cao nhận thức, ý thức cộng đồng, trách nhiệm công dân và phải tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật, trong đó có Luật An ninh mạng vừa được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2019.
Điều 8 của Luật này đã quy định rõ các hành vi bị nghiêm cấm, trong đó có hành vi: “Thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế, xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác.”
Chương trình nghiên cứu Internet và xã hội (VPIS) của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn cho thấy, đại đa số người dùng mạng xã hội ở Việt Nam chưa ý thức rõ về trách nhiệm dân sự và hình sự của mình khi đăng tin, chia sẻ thông tin, bình luận trên mạng xã hội. Họ cũng không ý thức đầy đủ về sự nguy hại của tin giả, tin xuyên tạc trên mạng đối với tình hình an ninh chính trị và xã hội của nước nhà.
Vấn đề kiểm soát tin giả và ràng buộc trách nhiệm đối với người sử dụng mạng xã hội không chỉ đặt ra đối với Việt Nam, mà đối với tất cả các quốc gia có sự phát triển mạnh mẽ về Internet.
Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) của Mỹ trong 11 năm liền đã nghiên cứu 126.000 tin đồn và tin giả trên mạng Twitter và nhận thấy rằng tin bịa đặt lan truyền nhanh hơn tin thật, được đăng tải nhiều hơn. Lý do là tin giả “nóng” hơn, thu hút hơn, đánh trúng tâm lý săn lùng thông tin độc hay thông tin mang hơi hướng tiêu cực...
Kết quả nghiên cứu của MIT đăng trên tạp chí Science (Khoa học) cho biết: Tin giả được đăng lại nhiều hơn 70% so với tin thật; tin thật mất thời gian lâu hơn 6 lần so với tin giả để đến với 1.500 người dùng mạng; tin thật ít khi có trên 1.000 lượt chia sẻ, trong khi không ít tin giả có tới 100.000 lượt chia sẻ.
Ở một góc độ khác, trong khi chờ đợi nhận thức và ý thức trách nhiệm của người sử dụng mạng được nâng dần lên, cũng như tăng cường hiệu quả thực thi của Luật An ninh mạng ở Việt Nam, thì các cấp chính quyền, tổ chức, người đứng đầu các đơn vị… cũng cần thận trọng, minh bạch, nhạy bén hơn trong các hoạt động mang tính xã hội, liên quan đến số đông.
Trong trường hợp của Hà Tĩnh và Ninh Bình, nếu thông tin về cuộc đấu thầu “gói quà 27/7” được đăng tải rộng rãi hơn và nêu rõ nội dung thay cho việc gọi tắt là “thắp hương liệt sỹ” thì sự cắt xén, xuyên tạc trên mạng xã hội sẽ khó phát huy hệ quả tiêu cực.
Các hoạt động kỷ niệm, nghi lễ nếu bớt hình thức, rườm rà; có sự cẩn trọng, chu đáo hơn trong việc tổ chức các sự kiện ở địa điểm và thời điểm nhạy cảm, thì những đối tượng có ý đồ xấu cũng khó khăn hơn trong việc lợi dụng để xuyên tạc, kích động…
Theo Trần Quang Vinh/TTXVN