Qua “Hiểu nghề,áchvềbấttrắctrongnghềngânhàti le 2 1 giữ nghiệp” của LS. Trần Minh Hải, những bài học pháp lý nghiệp vụ dành cho nghề tín dụng ngân hàng trở nên “rất thực” khi minh chứng qua 26 tình huống rủi ro bất trắc nghề nghiệp đã xảy ra trong thực tế.
Vừa ra mắt đầu tháng 10/2015 ấn phẩm Hiểu nghề, Giữ nghiệp nhanh chóng gây nên sự xôn xao trong lĩnh vực ngân hàng.
Dưới con mắt xã hội, nghề tín dụng ngân hàng thường gắn với hình ảnh những nam thanh, nữ tú sang trọng, lịch thiệp, giỏi giang và quyền uy. Trong con mắt khách hàng, nghề tín dụng là một nghề đầy quyền lực. Với bạn bè, gia đình, cộng đồng, nghề tín dụng là sự ghi nhận dấu ấn thành đạt, địa vị đẳng cấp cao.
Trong tâm thức của chính cán bộ tín dụng, nghề này đem lại cho bản thân niềm tự hào cũng như lợi lộc với những bước thăng tiến thần tốc nếu biết tận dụng các cơ hội. Bởi ngân hàng vốn là dạng doanh nghiệp khổng lồ, huyết mạch tiền bạc của nền kinh tế, nghề tín dụng lại là trung tâm của ngân hàng.
Tuy nhiên, LS. Trần Minh Hải lại bắt đầu cuốn sách về nghề tín dụng với hình ảnh lời nói sau cùng của một nữ cán bộ ngân hàng trong phiên tòa hình sự, cuốn sách dẫn dắt độc giả tới hàng loạt rủi ro pháp lý và bi kịch nghề nghiệp trong lĩnh vực ngân hàng.
Sự thật ruột gan ngành ngân hàng được phơi bày trong từng câu chuyện. Có trường hợp rủi ro trách nhiệm nghề xuất hiện ngay từ lúc mới tiếp nhận hồ sơ ban đầu của khách hàng. Có những vòng xoáy pháp lý mà ở đó ngân hàng và cán bộ vì thiếu kỹ năng nhận biết rủi ro, vừa mất tài sản, vừa mất vốn cho vay.
Thậm chí có bài học từ câu chuyện thực tế tại một ngân hàng khiến cho nhiều người làm nghề tín dụng giật mình. Ai ngờ được khi ngân hàng cho vay nhận bảo đảm bằng tiền gửi ký quỹ 100% vẫn bị trắng tay mất vốn, cán bộ thì vướng vòng lao lý. Rồi những thủ thuật lừa đảo tinh vi được tái hiện qua những câu chuyện đủ để người ngoài cuộc cũng chột dạ, may mà không rơi vào trường hợp của mình.
Với hàng loạt vụ án, đại án chấn động của ngành ngân hàng, trong quá khứ cũng như hiện tại, cuốn sách khiến độc giả đầy tâm trạng khi chứng kiến những bi kịch nghề nghiệp của đồng nghiệp. Từ vị trí quản lý khách hàng cho đến giám đốc chi nhánh, thậm chí toàn bộ thành viên Hội đồng quản trị ngân hàng… hậu quả pháp lý không loại trừ bất kỳ ai. Chính trong phần thư ngỏ, tác giả cũng thừa nhận “sự khắc nghiệt của nghề là điều bạn có thể cảm nhận từ cuốn sách…”.
LS. Trần Minh Hải đã sử dụng tư liệu của hơn chục năm đảm đương vị trí giám đốc pháp chế, thành viên Hội đồng quản trị tại 4 ngân hàng lớn, cùng kinh nghiệm suốt chiều dài trực tiếp tham gia các vụ án, đại án ngân hàng để hình thành nên 26 bài học pháp lý về nghiệp vụ trong cuốn sách.
Điều đáng nói, qua mỗi câu chuyện độc giả lại được tác giả chia sẻ thêm nhiều kỹ năng, kinh nghiệm bổ ích, ứng phó với rủi ro của nghề tín dụng. Càng đọc, cuốn sách dường như càng thêm hấp dẫn với độc giả. Thậm chí, người đọc có thể tìm trong sách những bài học kinh nghiệm về nghịch lý nghề nghiệp tưởng chừng như không ai có thể chia sẻ.
“Kỹ năng từ chối một khoản vay không muốn đề xuất” hay “Nghệ thuật trình duyệt một khoản vay có vấn đề” có vẻ đi ngược lại mục đích công việc chính của nghề tín dụng- cho vay. Tuy nhiên, đó lại là những điều mà mỗi người cán bộ tín dụng lành nghề cần có để bảo vệ trách nhiệm pháp lý cho chính bản thân mình.
Trong bối cảnh tăng trưởng thần tốc của ngành ngân hàng những năm qua, tiền bạc, chức vụ, địa vị đến rất nhanh với người làm nghề tín dụng. Cũng đồng thời với những yếu tố này, rủi ro pháp lý, trách nhiệm nặng nề, sự nghiệp tiêu tan cũng là những nguy cơ dễ ập đến với người làm nghề. Nhận thức được rủi ro, hiểu được nghề sẽ giữ được nghiệp.
PV