Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định trình bày Báo cáo giải trình,điểmvềbổsunghìnhthứctốcáoquađiệnthoạithưđiệntửty lệ 88 tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Tố cáo (sửa đổi). (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, sáng 24/5, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Tố cáo (sửa đổi).
Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Tố cáo (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện với nhiều nội dung quan trọng về quyền, nghĩa vụ của người tố cáo, người bị tố cáo; hình thức tố cáo; điều kiện thụ lý tố cáo; thời hiệu tố cáo, thời hạn giải quyết tố cáo; trách nhiệm của người giải quyết tố cáo; rút tố cáo; cấp cuối cùng trong giải quyết tố cáo; bảo vệ người tố cáo...
Các quy định này nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng về tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, giải quyết tố cáo, bảo đảm cụ thể hóa được quy định mới của Hiến pháp về quyền con người, quyền cơ bản của công dân, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, đồng thời khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật Tố cáo hiện hành.
Các đại biểu đều cho rằng việc thông qua Luật Tố cáo (sửa đổi) là cần thiết, cấp bách trong giai đoạn hiện nay. "Phải khẳng định rằng đây là luật khó, trong bối cảnh công nghệ thông tin phát triển mạnh, mạng xã hội bùng nổ. Luật Tố cáo liên quan trực tiếp đến việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, cũng như phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, vụ việc tham nhũng.
Trong thời gian gần đây, công tác phòng, chống tham nhũng dưới sự lãnh đạo của Đảng đã thực sự thể hiện sự quyết liệt, đạt được nhiều kết quả toàn diện và tích cực, để lại dấu ấn tốt đẹp, được sự đồng tình cao của nhân dân. Việc thông qua Luật Tố cáo là đòi hỏi rất cấp bách và cần thiết," đại biểu Phạm Đình Cúc (Bà Rịa-Vũng Tàu) trao đổi tại hội trường.
Nhiều ý kiến trái chiều về bổ sung hình thức tố cáo qua điện thoại, thư điện tử
Một trong những nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội đưa ý kiến là về hình thức tố cáo. Loại ý kiến thứ nhất đề nghị mở rộng hình thức tố cáo qua bản fax, thư điện tử, điện thoại... vì hiện nay việc ứng dụng công nghệ thông tin đã trở nên phổ biến trong hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội và trong quản lý nhà nước.
Nhiều nội dung tố cáo, phản ánh sai phạm của cán bộ, công chức, cơ quan nhà nước thông qua các phương tiện điện tử hay mạng xã hội tuy chưa được thừa nhận chính thức nhưng đã góp phần tích cực trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, tham nhũng và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Vì vậy, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị không nên giới hạn hình thức thể hiện của đơn chỉ là văn bản giấy, hình thức thể hiện của tố cáo trực tiếp chỉ là gặp mặt trình bày bằng lời nói.
Loại ý kiến thứ hai lại đề nghị chỉ quy định hai hình thức tố cáo như Luật hiện hành là: tố cáo bằng đơn và tố cáo trực tiếp. Bởi vì, nếu mở rộng hình thức tố cáo có thể dẫn đến tình trạng tố cáo tràn lan, thiếu căn cứ, gây khó khăn cho các cơ quan nhà nước trong quá trình giải quyết và việc xác định trách nhiệm những người tố cáo sai sự thật. Hơn nữa, việc mở rộng hình thức tố cáo qua bản fax, thư điện tử, nhất là tố cáo qua điện thoại là phức tạp, có thể gây quá tải cho các cơ quan có thẩm quyền giải quyết tố cáo.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Phạm Đình Cúc phát biểu. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)
Đại biểu Phạm Đình Cúc đồng tình với loại ý kiến thứ hai là tiếp tục quy định hai hình thức tố cáo như luật hiện hành là tố cáo bằng đơn và tố cáo trực tiếp. Theo đại biểu Cúc, quy định như vậy các cơ quan chức năng mới có thể xử lý được.
Nếu quy định thêm các hình thức tố cáo mới như tố cáo qua điện thoại, fax, thư điện tử... có thể dẫn đến tố cáo tràn lan, gây khó khăn, quá tải cho cơ quan nhà nước trong việc giải quyết và cũng khó xác định trách nhiệm của người tố cáo sai sự thật.
Mở rộng hình thức tố cáo trong giai đoạn hiện nay là khó khả thi trong thực hiện khi việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thời gian gần đây là vẫn quá tải, nhiều tố cáo kéo dài, chưa được giải quyết triệt để.
Theo đại biểu Nguyễn Thanh Thủy (Hậu Giang), nếu mở rộng hình thức tố cáo sẽ tạo điều kiện cho người dân thực hiện quyền tố cáo, nhưng nhiều trường hợp có cơ hội lợi dụng để gây rối hoặc tố cáo sai nên phải có biện pháp ngăn ngừa.
Đại biểu Thủy dẫn ra báo cáo tổng kết thực hiện Luật Tố cáo hiện hành, có trên 60% là tố cáo sai, 20% tố cáo có đúng, có sai và chỉ có hơn 10% tố cáo đúng. Từ đó, đại biểu cho rằng nếu mở rộng các hình thức tố cáo sẽ khó kiểm soát, xử lý tố cáo.
Tranh luận về hình thức tố cáo, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) lại không đồng tình với việc chỉ giữ quy định hai hình thức tố cáo bằng văn bản và lời nói như hiện hành; đồng thời đề nghị bổ sung các hình thức tố cáo qua điện thoại, fax, thư điện tử... như dự thảo Luật Tố cáo quy định.
Đại biểu dẫn ra quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng 2005 tại khoản 1, Điều 15: cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi để công dân tố cáo, trực tiếp gửi đơn tố cáo, tố cáo qua điện thoại, tố cáo qua mạng thông tin điện tử và các hình thức tố cáo khác theo quy định của pháp luật. "13 năm rồi, Quốc hội đã chấp nhận các hình thức tố cáo này, khi công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng của chúng ta còn nhiều khó khăn, tại sao lại bỏ các hình thức tố cáo này đi" - đại biểu Nguyễn Hữu Cầu bày tỏ, đồng thời cho rằng "đừng thấy khó cho cơ quan Nhà nước thì không làm."
"Ví dụ tôi đang ở Thành phố Hồ Chí Minh, phát hiện một người thân của tôi bị một người ép buộc phải đưa tiền ở nơi khác. Tôi chỉ biết điện thoại của cơ quan chức năng và gọi đến tố cáo, chẳng lẽ cơ quan chức năng không làm."
Từ ví dụ này, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu cho rằng nếu không quy định các hình thức này sẽ mất đi kênh thông tin quan trọng để tạo điều kiện cho người dân thực hiện quyền tố cáo. Đồng thời, đây là biện pháp để người dân, báo chí giám sát hoạt động của cán bộ, công chức, các cơ quan Nhà nước.
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang tại phiên họp. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)
Cần quy định rõ quyền lợi, trách nhiệm của người tố cáo
Bên cạnh hình thức tố cáo, nhiều đại điểu cho rằng vấn đề quan trọng là phải đảm bảo hiệu quả công tác giải quyết tố cáo; quy định chặt chẽ, hợp lý quyền lợi, nghĩa vụ của người tố cáo và người giải quyết tố cáo, đáp ứng yêu cầu thực tiễn giải quyết tố cáo hiện nay.
Về quyền và nghĩa vụ của người tố cáo, đại biểu Nguyễn Văn Man (Quảng Bình) đề nghị bổ sung quy định người tố cáo được bồi thường thiệt hại khi tố cáo đúng nhưng tổ chức, cá nhân giải quyết tố cáo thiếu trách nhiệm hoặc có hành vi bao che, ban hành kết luận trái pháp luật, gây thiệt hại về vật chất, ảnh hưởng đến tinh thần, danh dự của người tố cáo.
"Cần bổ sung quy định này vì theo quy định hiện tại nếu người tố cáo có hành vi tố cáo sai sự thật phải bồi thường thiệt hại do hành vi của mình gây ra. Nhưng tố cáo đúng mà người giải quyết tố cáo sai, ảnh hưởng đến uy tín, danh dự chẳng lẽ không được bồi thường, như vậy là không công bằng," đại biểu lý giải.
Về bảo vệ người tố cáo, dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4 quy định đối tượng được bảo vệ là người tố cáo; nội dung bảo vệ bao gồm bảo vệ bí mật thông tin, bảo vệ vị trí việc làm, bảo vệ các quyền công dân tại nơi cư trú của người tố cáo. Như vậy, quy định về đối tượng và lĩnh vực được bảo vệ thu hẹp hơn so với quy định của Luật hiện hành. Qua thảo luận, một số ý kiến nhất trí quy định nêu trên nhằm bảo đảm tính khả thi. Nhiều ý kiến cho rằng, cần mở rộng hơn nữa về đối tượng được bảo vệ và nội dung bảo vệ nhằm động viên người dân tố cáo hành vi vi phạm pháp luật, nhất là trong việc phòng, chống tham nhũng.
Tiếp thu ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị không nên thu hẹp đối tượng bảo vệ và nội dung bảo vệ nhằm khuyến khích người dân thực hiện quyền tố cáo và thể chế hóa chủ trương của Đảng về tăng cường công tác bảo vệ người tố cáo.
Trên cơ sở kế thừa quy định của Luật Tố cáo hiện hành, đối tượng được bảo vệ tại khoản 1 Điều 48 của dự thảo Luật được quy định rõ, chặt chẽ hơn: "Người được bảo vệ bao gồm người tố cáo; vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người tố cáo." Đối với nội dung bảo vệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, các quyền, lợi ích hợp pháp của người tố cáo đều được bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật như đối với mọi công dân khác, nên việc bảo vệ trong quá trình giải quyết tố cáo cần tập trung vào các biện pháp mang tính tức thời, khẩn cấp, có cơ sở cụ thể để tránh việc bảo vệ tràn lan, thiếu căn cứ.
Cũng tại phiên họp, các đại biểu đưa ý kiến để hoàn thiện nhiều nội dung, quy định của dự thảo Luật Tố cáo như: Bổ sung quy định cụ thể, chặt chẽ hơn về việc rút tố cáo; Giảm thời gian giải quyết tố cáo để phù hợp với xu thế cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại trong quản lý nhà nước hiện nay; làm rõ vai trò đầu mối, xuyên suốt của cơ quan có thẩm quyền giải quyết tố cáo trong quá trình bảo vệ người tố cáo; sửa đổi thẩm quyền giải quyết tố cáo của Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Kiểm toán nhà nước cho phù hợp với quy định mới của các luật về tổ chức của các cơ quan này; không quy định thêm về thời hiệu tố cáo trong Luật này mà thực hiện theo các quy định đã có của pháp luật có liên quan về thời hiệu xử lý hành vi vi phạm pháp luật để tránh chồng chéo, xung đột trong hệ thống pháp luật./.
Theo TTXVN