Tháng giêng vừa qua đi,ệnDuLongTùyNguyệkết quả bong da c1 ven Kính hồ hạ xuống một trận tuyết lớn, toàn bộ huyện Sơn Âm đều bị phủ trong một tầng trắng thuần. Tại thị trấn phía tây, có một thôn nhỏ sinh sống vài trăm nhân khẩu, tên là thôn Nhã Trúc. Thôn này có vẻ không lớn, nhưng lại nổi danh trong toàn bộ vùng Chiết Giang. Có hai nguyên nhân khiến nó nổi danh, đó là trong tên thôn có một chữ “Nhã” và một chữ “Trúc”.
Nhã, là chỉ nơi này lịch sự tao nhã, cũng có nhiều nhã khách xuất hiện. Thôn Nhã Trúc thịnh hành việc đọc sách, văn nhân được tôn kính, người người đều là nhã khách, cho dù là một tiểu đồng bốn năm tuổi chơi đùa ở ven đường, cũng có thể thuận miệng làm vài câu thi văn, nói ra nhiều lời có đạo lý.
Trúc, là chỉ xung quanh nơi này có một rừng trúc rất lớn. Rừng trúc này rộng đến ngàn khoảnh, giống như một cái túi tiền, bao quanh toàn bộ thôn làng, măng non và trà trúc diệp của thôn Nhã Trúc cũng là vật phẩm thượng đẳng, lừng danh.
Đầu thôn Nhã Trúc, có mảnh đất tròn với hàng rào vây quanh vài dãy nhà tường trắng ngói đen, trong đó có một căn nhà nhỏ lịch sự tao nhã, trên mái hiên còn đang đóng băng.
“Cót két” một tiếng, cửa bị mở ra, phía trong cửa, một tiểu oa nhi bốn năm tuổi nhô đầu ra, hướng về rừng trúc xanh đang bị tuyết trắng bao phủ phía xa xa nhìn quanh.
Đứa trẻ này trắng nõn, khuôn mặt nhỏ nhắn tròn xoe, đôi mắt to đen láy, mũi nhỏ miệng nhỏ, tinh xảo khả ái. Đầu đội mũ quả dưa hình thỏ, hai cái tai thỏ thật dài rũ xuống bên tai, trên búi tóc cột một cái chuông nhỏ, bé khẽ động, chuông lắc lư leng keng. Trên người mặc chiếc áo gấm nhỏ màu trắng, cổ áo cùng tay áo đều đính lông thỏ, trên tay cầm một cái noãn lô (lò sưởi) nhỏ sưởi ấm, bên ngoài còn khoác một cái áo choàng nhỏ màu hồng, trên chân mang một đôi giày da hươu, xem ra người lớn nhà này cực yêu thương, sợ bé lạnh, bao bọc như một cục bông.
Tiểu oa nhi đứng ở cửa hướng về rừng trúc nhìn quanh, trong miệng lẩm bẩm, dùng tốc độ thật chậm nói, “Phụ thân sao còn chưa quay trở về nha.”
~
Sâu trong rừng trúc, có một ngọn núi đá nhỏ, dưới vách núi có dòng suối được gọi là Trúc Thanh. Dòng suối này một năm bốn mùa đều có nước suối trong suốt chảy ra, hợp thành một dòng nhỏ chảy vào hồ, nghe nói đã chảy trăm nghìn năm, vì trong nước suối đặc biệt có mùi lá trúc mà được đặt tên như thế, là thượng phẩm dùng để nhưỡng rượu và pha trà.
Bên cạnh suối Trúc Thanh có một con lừa con lông ngắn đang đứng, trên lưng thồ hai cái bình nhỏ.
Một thư sinh mặc áo trắng mỏng, bên ngoài khoác áo lụa trắng nghiêng người ngồi trên núi đá, dùng một cái muôi dài làm bằng trúc, vớt những hòn đá nhỏ vụn bên trong nước suối.
Đá trong nước đó chia làm hai loại, một loại xanh, một loại trắng. Thư sinh cẩn thận tỉ mỉ vớt đá ra, phân biệt, màu xanh thả vào bình bên trái, màu trắng thả vào bên phải, đã được nửa bình.
Khí trời rất lạnh, thư sinh này tuy mặc không ít, nhưng hai tay mò đá trong nước lạnh cũng đã tê cóng, tay áo xắn lên, lộ ra cổ tay mảnh khảnh, ngón tay thon gầy trắng nõn, đông lạnh đến đỏ ửng.
Lừa lông ngắn tựa hồ nóng nảy, lắc lắc đuôi kêu to hai tiếng, đi đến cắn ống tay áo của thư sinh.
Thư sinh nhợt nhạt cười, “Gấp cái gì, nhanh thôi.”
Giữa lúc thư sinh định đóng chặt cái bình, đột nhiên, trong rừng trúc truyền đến tiếng xào xạc.
Thư sinh sửng sốt, xoay mặt nhìn qua, nhủ thầm –– Vùng này hẳn là không có dã thú chứ.
Đang nghĩ ngợi, trước rừng trúc, chỗ bụi cây tách biệt hai bên, một hán tử trung niên ăn mặc cũ nát, tóc tai tán loạn chạy vọt ra, cầm trên tay một cây côn, chỉ vào thư sinh nọ, hung ác kêu, “Mang bạc giao ra đây.”
Thư sinh hơi sửng sốt, thôn Nhã Trúc cách biệt với bên ngoài, từ trước tới nay thái bình, ở đâu ra cướp? Thấy nam tử không giống người địa phương, bèn hỏi hắn, “Ngươi là ai?”
Nam tử kia lạnh cóng đến nỗi mũi đỏ bừng, run run tiếp tục phô trương thanh thế, “Ít nói nhảm…”
Vừa nói vừa quan sát tướng mạo thư sinh, nhìn kỹ liền giật mình.
Thư sinh này hết sức nhỏ gầy, không cao không thấp, tư văn nhã nhặn, tóc dài hơn những nam tử khác, tùy ý buộc tại sau đầu. Trong rừng có gió nhẹ, vài ngọn gió khẽ lướt qua làn tóc đen nhẹ bay, lọn tóc còn vương vài bông tuyết trắng, đại khái do vừa đi qua cánh rừng, tuyết từ trên lá trúc rơi xuống. Thư sinh này trông cực kỳ tuấn mỹ, lại còn mặc một thân trắng toát, đứng ở nơi nhiều tuyết, thoạt nhìn… còn tưởng là tiên giáng trần.
Thư sinh thấy đại hán không nói lời nào, cũng tinh tế quan sát hắn. Hắn thoạt trông nghèo rớt mồng tơi, chân mang giày vải, trên chân có một vệt đỏ, là vết thương do đao kiếm để lại, bèn nhịn không được nhíu mày, “Vết thương trên đùi của ngươi bị đông lạnh, nếu không chữa trị tốt, sau này chân coi như tàn phế.”
Đại hán sửng sốt, đúng là hắn cảm thấy chân vừa tê vừa đau, có chút khó điều khiển, nhưng lúc này hắn bất chấp, chỉ lo uy hiếp thư sinh, “Ngươi ít quản, mang bạc giao ra đây.”
“Ta sống không xa nơi này, ra ngoài không mang theo bạc. Hơn nữa, mạng sống mà ngươi còn từ bỏ, cần bạc làm gì?” Thư sinh khanh khách cười. Y vốn đẹp, đại hán nhìn thấy nụ cười này có chút quáng mắt, tâm nói vùng Giang Nam này đúng là vùng địa linh nhân kiệt a, người cũng đẹp như vậy…
“Ta… Ta cần bạc mời đại phu!” Đại hán vội la lên, “Ngươi đi lấy bạc đến đây, không thì ta giết ngươi.”
Thư sinh suy nghĩ một chút, “Bạc thì ta không có, nhưng ta là đại phu, ngươi muốn trị chân của ngươi à?”
“Ngươi… Ngươi là đại phu?” Đại hán kinh hãi.
Thư sinh gật đầu, cực kỳ tự tin, “Ta là đại phu giỏi nhất vùng này.”
“Thật… Thật tốt quá, ông trời có mắt!” Đại hán xông đến, chặn ngang thư sinh nọ, “Đi! Ngươi đi theo ta! Đi cứu nương tử của ta.”
Thư sinh bị hắn túm kéo vào sâu trong rừng, trong lòng nghi hoặc… Cứu nương tử?
~
Đi qua rừng trúc, tới hang động trong một ngọn núi nhỏ, bên cạnh đống lửa trong động, có một nữ tử trẻ dựa vào bên vách, trên đầu vai là một vệt máu lớn, hiển nhiên cũng là bị thương do đao kiếm.
Thư sinh thấy tình cảnh đó, bước nhanh đến bên người nàng kiểm tra. Từ trên lưng con lừa lông ngắn vừa theo tới lấy xuống hòm thuốc màu trắng, lại duỗi tay lấy cái bình bên cạnh, đem những viên đá vừa vất vả kiếm được đổ hết đi, nói với nam tử nọ, “Lấy tuyết bỏ vào trong bình, dùng làm nồi đun thành nước nóng.”
“Được!” Đại hán vội vàng nghe theo.
Thư sinh dùng nước nóng giúp nàng kia rửa sạch vết thương, lấy ra kim châm, dùng sợi chỉ cực mảnh giúp nữ tử khâu vết thương, nam tử nọ nhìn thấy hết hồn, hỏi, “Đây là…”
Thư sinh không để ý đến hắn, chuyên tâm giúp nàng kia trị thương, đắp thuốc lên vết thương vừa khâu xong, cuối cùng dùng băng gạc băng lại, cho nữ tử ăn đan dược do chính y làm, chỉ trong chốc lát, sắc mặt nữ tử dần tốt lên, người cũng thanh tỉnh.
Thư sinh lại bảo nam tử nọ ngồi xuống, chữa trị vết thương trên đùi cho hắn, phát hiện trên người hắn có nhiều chỗ bị đánh đến bầm đen, bèn hỏi, “Sao các ngươi lại trở thành như vậy?”
“Nói ra thì dài lắm.” Nam tử thở dài, “Phu thê chúng ta bị kẻ thù truy sát, chạy trốn tới thôn trang phía trước. Nương tử bị thương nặng, ta vốn định tìm một đại phu giúp nàng trị thương, nhưng lộ phí đã dùng hết. Ta vừa bất đắc dĩ lại nóng ruột, đã định ép buộc lang trung kia chữa bệnh, bị nô bộc của lang trung đánh cho một trận. Ta không còn cách nào đành phải dắt nương tử đào tẩu, đến rừng trúc này nương tử liền bất tỉnh… ta cực kì bất đắc dĩ, mới nổi ý xấu muốn cướp đoạt ngân lượng, mời lang trung tới trị cho nàng…”