- "Tôi muốn mua xe ở ga-ra ông nhưng chưa kịp mua thì bị đuổi. Tôi qua ga-ra ông Hảo để mua chiếc xe này đây. Giờ tôi qua đây mua xăng để cho các ông biết,ĐạigiaBạcLiêumặcráchrướimuasiêuxevàcáikếtbấtngờcác trận bóng đá tối nay đừng nhìn người qua dáng dấp bên ngoài" - đại gia Bạc Liêu, bạn của ông Hội đồng Trạch (cha Công tử Bạc Liêu) nói.
Mới đây, câu chuyện "Người đàn ông đi dép lê vào showroom Mercedes" sau khi đăng tải nhận được sự quan tâm lớn từ độc giả.
Nội dung câu chuyện đơn giản không có gì lớn lao nhưng đã nói lên được phần nào sự đánh giá non kém dẫn đến thái độ không thân thiện và thiếu lịch sự của những nhân viên bán hàng trong các cửa hàng sang trọng.
Trang phục đơn sơ mà có thể nói là tuềnh toàng của người đàn ông Thái Lan khi đi mua xe. Ảnh: Internet. |
Từ câu chuyện này, chúng tôi xin kể lại câu chuyện của một người Việt Nam đã thắng người Pháp trong kinh doanh chỉ nhờ vào thái độ phục vụ.
Người "làm nên chuyện" ấy là một thợ cơ khí, ít học nhưng có tầm nhìn về giao dịch khá tốt, ông là Nguyễn Văn Hảo. Người thân của ông Hảo kể lại, không biết chính xác ông sinh năm nào mà chỉ biết mang máng ông chào đời vào những năm cuối thế kỷ 19. Quê ông ở Càng Long (Trà Vinh).
Cha mẹ ông làm nông, có nhiều con. Khi ông lớn lên được người anh là chủ một cửa tiệm buôn bán phụ tùng xe hơi ở đường Nguyễn An Ninh, xin phép cha đưa ông lên Sài Gòn phụ kinh doanh.
Vốn rất thông minh, lanh lợi nên chẳng bao lâu ông học được nhiều điều từ người anh. Mặc dù không qua trường lớp cơ khí nào nhưng nhờ vào tìm tòi tự học, chẳng bao lâu ông trở thành thợ chính tại tiệm. Được một thời gian, ông đưa vợ lên cùng làm chung và sinh người con trai đầu. Ông Hảo xin phép anh ra lập nghiệp riêng.
Thời ấy là thời Pháp thuộc. Những người kinh doanh ngành phụ tùng đều là người Pháp nên họ gặp khó khăn trong giao tiếp với tài xế người Việt. Ông Hảo là người Việt, lại giỏi tiếng Pháp.
Ông mua hàng của người Pháp và bán lại cho người Việt, vì giỏi ngoại ngữ nên cửa hàng ông nhanh chóng phát đạt. Năm 1933, ông mua miếng đất với 4 mặt tiền để xây dựng lên căn nhà để làm ga-ra buôn bán và sửa chữa xe hơi.
Một buổi sáng nọ. Ga-ra bán xe hơi của ông Hảo vừa mở cửa. Một người đàn ông trung niên dáng điệu quê mùa thập thò qua lại. Nhìn ông - ông mặc áo dài đen cũ xỉn, có chỗ sờn rách, đội khăn đóng, chân mang đôi giày cũ kỹ - nhân viên bán hàng không muốn mời vào. Tuy nhiên, ông vẫn bước vào.
Ở một góc garage, ông Hảo đang ngồi tính toán sổ sách. Nhân viên buộc phải mở lời : "Ông muốn mua gì ?". "Tui muốn mua một chiếc xe hơi" ...
Garage bán và sửa chữa xe hơi của ông Nguyễn Văn Hảo được xây dựng vào năm 1933 rộng 800m2. Mặt trước đường Trần Hưng Đạo. Mặt hậu đường Lê Thị Hồng Gấm. Hai bên hông, đường Ký Con và Yersin (P. Bến Thành Q.1 TPHCM). |
Trong đầu óc anh nhân viên thầm nghĩ, một chiếc xe du lịch 4 chỗ ngồi giá phải đến 3000đ (tiền lúc đó 1đ = 17 franc Pháp), một số tiền mà những người nông dân khó có cơ hội mơ tới.
Ông già này cũng là một nông dân thôi, tiền đâu mà mua xe. Nghĩ thế, nhưng ông chủ Hảo đang ngồi kia, quan sát anh bán hàng nên anh vẫn mời người khách xem xe.
Đảo quanh chiếc xe, ông khách bảo : "Anh đề tôi nghe thử". Anh nhân viên bán hàng lên xe bật công tắc nổ máy. Tiếng máy nổ giòn, êm ái. "Bao nhiêu tiền". Anh nói giá.
Ông khách lên xe ngồi nhún vài lần rồi nói, "nhíp hơi kêu, cho chút mỡ bò vào nhé". Rồi ông xuống xe, tính tiền.
Việc mua và bán diễn ra nhanh chóng. Ông khách ngồi bệt xuống đất rút chiếc mo cau lận trong người ra. Nhiều xấp tiền 100đ lần lượt trao cho ông Hảo. Trước đó nhìn bộ dạng ông mấy ai nghĩ ông giàu như thế ?
Ông chủ Hảo sai anh nhân viên đưa xe ra cây xăng khuyến mãi cho khách một bình xăng đầy. Ông khách từ chối. Tôi chỉ cần 5 lít thôi.
Cung cách làm ăn của ông Hảo là không phân biệt sang hèn. Người khách nào vô tiệm ông cũng tiếp một cách ân cần chu dáo. Nhân viên của ông không một ai dám có thái độ trịnh thượng với khách. Chính vì điều này mà garage và cửa tiệm phụ tùng của ông luôn đông khách.
Ông Hảo tỏ vẻ ngạc nhiên khi người khách từ chối khuyến mãi, chỉ nhận vài lít xăng tượng trưng. Người khách bấy giờ mới thật thà kể lại: "Tôi từ Bạc Liêu, là bạn với ông hội đồng Trạch (cha công tử Bạc Liêu - một trong những người giàu có nhất miền Nam - PV) lên đây với ý định đến ga-ra Scama trên đường Bonard (Lê Lợi bây giờ) để mua chiếc Ford.
Tôi vốn không thích xe Nash nhưng vì viên quản lý người Pháp và nhân viên ga-ra thấy tôi ăn mặc rách rưới như thế này nên khinh khi đuổi tôi. Tôi đến chỗ của anh (ông Hảo) để mua.
Trên vách hiện vẫn còn logo Ng. V. Hao |
Đổ xăng xong, ông khách sai người nhà lên xe chạy đến ga-ra Scama. Chiếc xe Nash mới cứng ghé vào đổ đầy bình. Ông khách mua xe thò đầu ra cửa nói với chủ ga-ra bằng tiếng Pháp: "Tôi muốn mua xe ở ga-ra ông nhưng chưa kịp mua thì bị đuổi. Tôi qua ga-ra ông Hảo để mua chiếc xe này đây. Giờ tôi qua đây mua xăng để cho các ông biết, đừng nhìn người qua dáng dấp bên ngoài".
Ông chủ ga-ra Scama nghe xong... đứng hình, ngay lập tức đuổi việc viên quản lý người Pháp và anh nhân viên bán hàng người Việt. Về phía ông Hảo, bán được chiếc Nash, ông lời được 600đ, một số tiền không hề nhỏ.
Trần Chánh Nghĩa