Rò rỉ dữ liệu người dùng và tấn công có chủ đích APT được các chuyên gia nhận định là 2 vấn đề nổi cộm trong bức tranh an ninh mạng Việt Nam 2018 (Ảnh minh họa. Nguồn: Internet) |
Hơn 10.200 cuộc tấn công mạng vào hệ thống thông tin Việt
Nhìn lại bức tranh an toàn, an ninh mạng năm 2018, các đơn vị khối an toàn thông tin (ATTT) của Bộ TT&TT gồm Cục ATTT, Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT) và Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia (NEAC) nhận định, theo xu hướng chung của thế giới, ATTT trong năm qua tiếp tục là lĩnh vực “nóng”. Các cuộc tấn công mạng ngày càng tinh vi và có xu hướng áp dụng những công nghệ mới.
“Mặc dù hành lang pháp lý cơ bản đã được hoàn thiện, nhận thức về bảo đảm ATTT đã được tăng cường, các Bộ, ngành, địa phương đã bắt đầu quan tâm triển khai các hoạt động bảo đảm ATTT nhưng hầu hết vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn. Nguồn nhân lực và đầu tư cho công tác bảo đảm ATTT vẫn là vấn đề cần phải giải quyết”, báo cáo chung của khối ATTT nêu.
Đáng chú ý, mặc dù số lượng các cuộc tấn công mạng có chiều hướng tăng so với các năm trước, nhất là các tấn công mạng vào hệ thống thông tin của cơ quan nhà nước và các doanh nghiệp lớn trong nền kinh tế; tuy nhiên việc triển khai quyết liệt các giải pháp bảo đảm ATTT đã đưa đến kết quả số lượng cuộc tấn công mạng dẫn đến sự cố tại Việt Nam trong năm 2018 đã giảm so với năm ngoái.
So sánh số lượng các cuộc tấn công mạng vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam năm 2017 và 2018 (Nguồn: khối ATTT của Bộ TT&TT) |
Cụ thể, theo thống kê của Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia thuộc Bộ TT&TT, năm 2018 Trung tâm ghi nhận 10.220 cuộc tấn công mạng vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam, giảm 1.023 cuộc so với năm 2017 (tương đương 10%). Trong đó có 5.932 cuộc tấn công lừa đảo (Phishing); 3.198 cuộc tấn công thay đổi giao diện (Deface) và 1.090 cuộc tấn công cài cắm mã độc (Malware).
Cũng trong năm 2018, Trung tâm này đã ghi nhận 4.181.773 địa chỉ IP Việt Nam nằm trong các mạng máy tính ma (botnet), giảm 296.024 địa chỉ IP so với năm 2017 (tương đương 6%) sau khi Bộ TT&TT phối hợp với một số Bộ, ngành, địa phương và các doanh nghiệp xử lý bóc gỡ vào dịp cuối năm. Cùng với đó, năm vừa qua, hệ thống đã ghi nhận 2.166 trang web thu thập thông tin cá nhân của người Việt Nam được đặt tại các nước khác nhau trên thế giới. “Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia đã phối hợp với các tổ chức quốc tế để ngăn chặn, xử lý”, đại diện Cục ATTT cho biết thêm.