Khó khăn chồng chất khó khăn
Không biết đã bao nhiêu lần chị Lê Thị Thu Hòa (SN 1997,ườimẹlivestreambánhàngnuôiconmắcungthưkhócnấcvìbịbomhàkeonhacai de quê Ninh Thuận) khóc nấc khi thấy con trai M.H. (bé Bắp, SN 2021) kháng thuốc, run lên cầm cập. Khoảnh khắc đó, chị cảm thấy bất lực, không thể chịu đau đớn thay con trai.
Gần 4 năm làm mẹ đơn thân, chị Hòa mưu sinh bằng cách bán rau trước cổng chung cư, làm kế toán nhà hàng, lễ tân khách sạn... Cuộc sống của 3 mẹ con rong ruổi từ Bình Dương về TPHCM.
Tháng 10/2023 là cột mốc khó quên, đánh dấu bi kịch bắt đầu ập đến với mẹ con chị Hòa. Sau một ngày làm việc mệt mỏi, chị phát hiện bé Bắp có những triệu chứng bất thường.
Chị đưa con trai đến khám tại Bệnh viện Nhi đồng 1, TPHCM. Sau 4 tiếng thăm khám, bác sĩ ở đây chuyển bé Bắp sang Bệnh viện Truyền máu Huyết học 2 ở huyện Bình Chánh, TPHCM.
Tại đây, bác sĩ chẩn đoán bé Bắp có nguy cơ đột tử, cần cấp cứu ngay lập tức. Nghe con la hét trong đau đớn, chị Hòa hoang mang, bất lực.
12 ngày giành giật sự sống, sức khỏe bé Bắp tiến triển khả quan. Bé được chuyển từ khoa Hồi sức cấp cứu sang khoa Nhi 2 tiếp tục điều trị.
Khi nhận thông báo bé Bắp mắc ung thư máu dòng lympho T cấp tính, chị Hòa chết lặng, không tin. Trước đây, chị chỉ nghe đến căn bệnh quái ác này qua phim ảnh. Chị không ngờ có ngày tai ương lại rơi trúng con trai và gia đình mình.
“Ban đầu, tôi có ý định ký giấy từ chối điều trị do chi phí quá cao. Tuy nhiên, khi biết bác sĩ có thể cứu con, tôi suy nghĩ lại và bắt đầu lên phương án, tìm cách huy động tiền”, chị Hòa cho biết.
Ngày sinh nhật của chị Hòa cũng là ngày bé Bắp bước vào đợt hóa trị đầu tiên. Nhìn con rụng tóc, lở loét, sốt cao, lòng người mẹ đau thắt không thể diễn tả.
Những ngày tháng đồng hành cùng con trong bệnh viện, chị Hòa quay lại video rồi đăng lên mạng xã hội để lưu giữ. Các video của chị quay cùng con đều thu hút nhiều lượt xem và chia sẻ. Điều này khiến chị nung nấu ý định livestream bán hàng.
Sau đợt điều trị thứ ba của bé Bắp, chị Hòa bắt đầu livestream bán hàng, kiếm tiền trang trải viện phí.
Vì phải ở bệnh viện chăm con 24/24 nên hàng ngày, chị Hòa tranh thủ livestream bán hàng vào buổi tối. Lúc này, bé Bắp tự đi ngủ, ngoan ngoãn, không quấy mẹ.
“Mới tập tành livestream, tôi gặp khó khăn vô cùng. Tất cả đều phải tự mày mò lúc con ngủ, có ngày không bán được đơn nào.
Dù rất buồn nhưng nghĩ đến con trai, tôi lại tiếp tục. Tôi biết, nếu không livestream bán hàng thì chẳng còn cách nào để cứu con”, chị Hòa tâm sự.
Mỗi ngày, chị Hòa bắt đầu livestream vào lúc 20h hoặc 23h, tùy vào giờ giấc đi ngủ của con. Có hôm, chị đang livestream, con giật mình khóc lớn. Chị vội vàng tắt máy đến bên cạnh dỗ con.
Chị Hòa bán cơm cháy, trái cây sấy, trà gạo lứt… Tất cả do con trai đầu và mẹ chị đóng gói tại quê nhà Ninh Thuận.
“Mỗi ngày, tôi chỉ mong bán được khoảng 30 - 40 đơn hàng để có chút tiền lo chi phí sinh hoạt cho con, vừa không nỡ để bé đầu và bà ngoại phải đóng hàng quá nhiều.
Cũng biết bán online như thế này sẽ gặp phải người xấu, đặt rồi “bom hàng” nhưng tôi không nghĩ 1 tháng bị hủy đến 54 đơn hàng”, chị Hòa buồn bã.
Trong lúc khó khăn bủa vây, khoảnh khắc nhận về số hàng bị “bom” khiến chị khóc nấc. Điều này không chỉ ảnh hưởng tới doanh thu, mất khoản phí không đáng, mà còn mất thời gian, công sức đóng gói.
Xin ủng hộ bằng cách mua hàng
Những tâm sự của chị Hòa về việc bị “bom hàng” nhanh chóng lan tỏa đến cộng đồng mạng. Mọi người chia sẻ và bình luận, thậm chí bức xúc trước cách hành xử của một số người mua hàng.
Câu chuyện “bất đắc dĩ” của mẹ con chị Hòa nổi tiếng trên khắp các mạng xã hội. Kênh TikTok của chị được nhiều người theo dõi và có nhiều đơn hàng hơn.
“Trong những buổi livestream, nhiều người không muốn mua hàng mà xin số tài khoản để ủng hộ tiền mặt cho mẹ con tôi. Nhưng tôi thường cảm ơn và từ chối.
Tôi thấy ngoài kia vẫn còn nhiều người khổ hơn mình. Tôi còn khỏe mạnh, chân tay đầy đủ, mắt vẫn sáng và ngồi đây bán hàng. Vì vậy, tôi mong mọi người hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn hơn”, chị Hòa nói.
Người mẹ nghèo cảm ơn cộng đồng mạng đã tiếp sức, giúp chị mạnh mẽ hơn, khác hẳn những ngày đầu đưa con vào viện.
Sau gần 3 tháng bán hàng, thu nhập của chị Hòa đủ để lo cơm nước, thuốc men cho con. Chị còn trích 20% lợi nhuận mỗi tháng để gửi tặng cho các bệnh nhi ung thư máu khác.
Đại diện Phòng Công tác Xã hội, Bệnh viện Truyền máu Huyết học 2 cho biết, trong 10 ngày gần đây, bệnh viện nhận được nhiều cuộc điện thoại gọi vào đường dây nóng để hỏi về thông tin của bé M.H.
Việc bệnh nhân có mạnh thường quân hỗ trợ hay muốn gặp riêng bên ngoài để trao tiền, phía bệnh viện hoàn toàn không can thiệp.
Tuy nhiên, nhiều người lại muốn được vào phòng bệnh thăm và trao tiền trực tiếp thì quả thật rất khó xử cho bệnh viện. Bởi, các bé điều trị ung thư nội trú ở đây cần được cách ly trong phòng đặc biệt, đảm bảo vệ sinh và an toàn tốt nhất.
“Tôi biết, thời gian gần đây bé Bắp được mọi người quan tâm, yêu thương là may mắn của con. Tôi vô cùng trân quý tấm lòng nhân ái của những nhà hảo tâm.
Tuy nhiên, với những trường hợp xin gặp mặt ở phòng bệnh, tôi xin phép được từ chối. Tôi rất sợ làm phiền, ảnh hưởng đến việc điều trị của các bệnh nhân khác.
Nếu cô bác, anh chị yêu thương bé Bắp và tôi xin hãy ủng hộ bằng cách mua hàng. Tôi vô cùng biết ơn, mong mọi người thông cảm và thấu hiếu”, chị Hòa thiết tha nhắn nhủ.
Ảnh: Nhân vật cung cấp