Mỹ tiếp cận các nhóm nổi dậy ở Syria sau khi chính quyền Assad bị lật đổ_mu và tottenham
Phát biểu tại cuộc họp báo của Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 9/12, người phát ngôn Matthew Miller cho biết Washington có một số cách để tiếp cận với các nhóm đối lập khác nhau ở Syria, một trong số đó bị Washington chỉ định là một tổ chức khủng bố.
"Chúng tôi đã tham gia vào các cuộc trao đổi đó trong vài ngày qua. Đích thân Bộ trưởng đã tham gia vào các cuộc trao đổi với các quốc gia có ảnh hưởng ở Syria và chúng tôi sẽ tiếp tục làm như vậy", ông Miller cho biết.
Chính phủ của các nước trong khu vực cũng như phương Tây đang cố gắng tạo ra những mối liên kết mới với nhóm đối lập hàng đầu của Syria là Hayat Tahrir al-Sham (HTS), một nhóm trước đây liên minh với tổ chức al Qaeda và bị Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Thổ Nhĩ Kỳ, Liên hợp quốc chỉ định là một tổ chức khủng bố.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã liên lạc qua điện thoại và trao đổi với các nhà lãnh đạo trong khu vực. Trong 4 ngày qua, ông Blinken đã có 2 cuộc trao đổi với Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan.
Thổ Nhĩ Kỳ triển khai binh lính ở tây bắc Syria và hỗ trợ một số quân nổi dậy, bao gồm Quân đội Quốc gia Syria (SNA), mặc dù họ coi HTS là một nhóm khủng bố.
Khi được hỏi liệu Mỹ có kết nối với thủ lĩnh HTS Ahmed al-Sharaa, hay còn gọi là Abu Mohammed al-Golani, hay không, ông Miller từ chối trả lời, nhưng ông cũng không loại trừ khả năng này.
"Chúng tôi tin rằng chúng tôi có khả năng liên hệ theo cách này hay cách khác, trực tiếp hoặc gián tiếp, với tất cả các bên liên quan", ông Miller nói.
Sự sụp đổ của chính quyền Tổng thống Assad vào cuối tuần trước đã làm mất đi một thành trì vững chắc mà Iran và Nga đã tìm cách thiết lập ảnh hưởng trên khắp thế giới Ả Rập. Ông Assad đã tới Nga, sau 13 năm nội chiến và hơn 50 năm gia đình ông lãnh đạo Syria.
Tổng thống Joe Biden và các trợ lý hàng đầu của ông đã mô tả thời điểm này là cơ hội lịch sử cho người dân Syria, những người đã sống dưới sự lãnh đạo của chính quyền Tổng thống Assad trong nhiều thập niên, nhưng cũng cảnh báo rằng Syria đang phải đối mặt với một giai đoạn rủi ro và bất ổn.
Chính sách về Syria dưới thời chính quyền Tổng thống Biden trong 4 năm qua phần lớn đã bị gạt sang một bên, vì Washington dồn sự tập trung cho các vấn đề cấp bách hơn như chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine và sự bùng nổ của cuộc xung đột Israel - Hamas ở Dải Gaza.
Một quan chức cấp cao của Mỹ cho hay, Washington đang theo dõi chặt chẽ các tuyên bố từ HTS sau khi lực lượng này lật đổ chính quyền Tổng thống Assad và kiểm soát Damascus.
Quan chức trên cho biết, Mỹ sẽ nỗ lực đảm bảo an toàn cho các kho vũ khí hóa học ở Syria, song không nêu chi tiết.
Một quan chức cấp cao khác nói rằng, Mỹ có thể sẽ duy trì khoảng 900 binh sĩ ở miền Đông Syria như một hàng rào chống lại Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
Trong những ngày qua, các lực lượng Mỹ đã tiến hành hàng loạt cuộc tấn công chính xác ở Syria nhắm vào các vị trí của IS để ngăn nhóm này trỗi dậy.