Đất nước trọn niềm vui – Bài 9_ltd bd cup c1

Bài 9: Bước vào mùa xuân lịch sử

Vào cuối năm 1974,Đấtnướctrọnniềmvui–Bàltd bd cup c1 trên chiến trường Nam bộ, quân ta liên tục giành những chiến thắng vang dội, có tính chất quyết định đến cả cuộc chiến tranh, mở ra thời cơ cách mạng mang tính bước ngoặt. Trước tình hình đó, Bộ Chính trị quyết định mở Chiến dịch Đường 14 - Phước Long diễn ra từ ngày 6-12-1974 đến 6-1-1975. Chiến thắng Phước Long đã làm nức lòng đồng bào cả nước, đồng thời là một đòn đánh mang tính “trinh sát chiến lược”, thăm dò phản ứng của Mỹ.

 Chia lửa với chiến trường trọng điểm

Sau khi được Bộ Tư lệnh Miền chấp thuận, rạng sáng ngày 31-12-1974, quân ta đã nổ súng tấn công những mục tiêu vòng ngoài như chi khu Phước Bình, cầu Suối Dung, điểm cao Bà Rá… và tổ chức bao vây thị xã Phước Long. Đến 15 giờ 30 phút, dưới sự chi viện chính xác của pháo binh và hỏa lực xe tăng, chi khu Phước Bình đã bị quân ta tiêu diệt. Đêm ngày 31-12-1974, điểm cao Bà Rá - “con mắt thần” của địch và cũng là “chân vạc” phòng thủ thứ hai của khu phòng thủ Phước Long bị xóa sổ. Phước Long rơi vào thảm cảnh và chỉ tồn tại một sớm một chiều.

Sau khi đập tan chiến sự vòng ngoài, không để cho địch có thời gian củng cố lực lượng, được sự nhất trí của Bộ Chính trị, trận đánh vào thị xã Phước Long bắt đầu từ 17 giờ 30 phút ngày 31-12-1974 đến 17 giờ ngày 6-1-1975, lá cờ “quyết chiến quyết thắng” được chiến sĩ Trần Văn Mới, thuộc Đại đội 8, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 165, Sư đoàn 7, Quân đoàn 4 cắm lên Tòa thị chính Phước Long. Chiến dịch Đường 14 - Phước Long kết thúc. Lần đầu tiên trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, ta đã giải phóng một tỉnh ngay cửa ngỏ Sài Gòn, một địa bàn chiến lược rất quan trọng.

Nhằm chia lửa với chiến dịch Đường 14 - Phước Long, từ đêm 7-12-1974, Đại đội Đặc công 73 của tỉnh Thủ Dầu Một đã tập kích bót cầu Thợ Ục do một đại đội bảo an ngụy, thuộc Tiểu khu Bình Dương đóng giữ. Ở hướng khác, Tiểu đoàn Phú Lợi cùng Đại đội 62 của Châu Thành và du kích xã Vĩnh Tân chặn đánh Tiểu đoàn 3, thuộc Trung đoàn 52, Sư đoàn 18 địch đang đi càn quét ở Vĩnh Tân. Kết quả, ta đánh thiệt hại nặng Tiểu đoàn 3, diệt 70 tên, bắt sống 7 tên, thu 75 súng… Cùng đêm hôm đó, du kích xã Phú Chánh, Tân Hòa phục kích diệt gọn một tiểu đội lính dân vệ đang đi tuần. Chiến công nối tiếp chiến công, trong thời gian này, du kích các xã quanh Chiến khu Đ cùng bộ đội địa phương của Tân Uyên phối hợp với Tiểu đoàn Phú Lợi, Đại đội 73 Đặc công của tỉnh đánh tiêu diệt hơn 190 tên địch thuộc Trung đoàn 52, Sư đoàn 18 ngụy hung hăng vào càn quét các xã dọc đường 16, bẻ gãy các cuộc càn của địch vào khu vực căn cứ Châu Thành, Tân Uyên, giữ vững bàn đạp đứng chân của lực lượng vũ trang tỉnh.

Thời cơ lớn đã tới

Tin chiến thắng Phước Long bay tới Hà Nội giữa lúc Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đang họp bàn kế hoạch thực hiện quyết tâm chiến lược giải phóng miền Nam trong hai năm 1975-1976. Căn cứ vào những diễn biến của tình hình, Bộ Chính trị chỉ rõ: “Nắm vững thời cơ lịch sử, mở nhiều chiến dịch tổng hợp liên tiếp, đánh những trận quyết định, kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ ở miền Nam, tiến tới thống nhất Tổ quốc. Kế hoạch liên tiếp cho năm 1976 sẽ do kết quả thực hiện kế hoạch năm 1975 quyết định. Chúng ta phải cố gắng cao nhất để thắng gọn trong năm 1975”.

Thực hiện quyết tâm của Bộ Chính trị và nhiệm vụ của Quân ủy, Bộ Chỉ huy Miền giao, trong hai tháng đầu năm 1975 quân và dân Thủ Dầu Một cùng với toàn Miền tiếp tục đẩy mạnh chiến lược tiến công, tạo thế, tạo lực chuẩn bị cho cuộc chiến đấu quyết định. Ở hai huyện nam, bắc Bến Cát, lực lượng vũ trang cùng với nhân dân địa phương liên tục đánh địch, giải phóng khu vực Bưng Còng, Rạch Bắp, Kiến An, Kiến Điền, Đường số 7… tạo ra vùng giải phóng liên hoàn bao vây Dầu Tiếng và uy hiếp Bến Cát.

Phối hợp với chiến trường Tây nguyên, ngày 10-3-1975, Sư đoàn 9 và Trung đoàn 16 chủ lực Miền cùng bộ đội địa phương Dầu Tiếng triển khai lực lượng tiến công tiêu diệt Chi khu quân sự Trị Tâm (nay là Dầu Tiếng). Trong lúc cuộc chiến đang diễn ra ác liệt, lực lượng của ta nhận được tin ngày 10-3-1975 thị xã Buôn Ma Thuột hoàn toàn được giải phóng, càng tạo ra sức cổ vũ mạnh mẽ cho quân dân Dầu Tiếng và lực lượng vũ trang Thủ Dầu Một quyết tâm đẩy mạnh tiến công tiêu diệt địch giành thắng lợi. Ngày 13-3-1975, toàn bộ quận Dầu Tiếng được giải phóng, ta loại khỏi vòng chiến đấu hơn 3.000 tên và thu 81 xe quân sự, 6 khẩu pháo, 7 máy bay bị phá hủy, thu 1.600 súng các loại. Gần 7.000 đồng bào trong thị trấn Dầu Tiếng được các đoàn thể đưa đón ra các điểm đón tiếp của huyện tổ chức ăn ở chu đáo. Mọi sinh hoạt của đồng bào vùng mới giải phóng Dầu Tiếng được nhanh chóng ổn định.

Có thể nói rằng, chiến thắng Phước Long là một đòn trinh sát chiến lược để Bộ Chính trị kịp thời hoạch định những chính sách, thời cơ chiến lược chuẩn bị cho trận quyết chiến cuối cùng giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước thì chiến thắng Dầu Tiếng là trận đánh có vai trò chặt đứt một mắc xích quan trọng và làm rung chuyển tuyến phòng thủ phía Bắc Sài Gòn của địch, tạo bàn đạp vững chắc cho bộ đội chủ lực tiến về giải phóng miền Nam trong Chiến dịch lịch sử Hồ Chí Minh.

Trước sự phát triển rất nhanh của tình hình, ngày 2-4-1975, Thường vụ Trung ương cục chỉ thị cho các Tỉnh ủy và lực lượng vũ trang: “Táo bạo, đánh các điểm then chốt kể cả các tiểu khu, thị xã khi có thời cơ và bằng tất cả khả năng sẵn có của địa phương mà mạnh dạn, táo bạo phát động quần chúng nổi dậy khởi nghĩa, ấp giải phóng ấp, xã giải phóng xã, huyện giải phóng huyện, tỉnh giải phóng tỉnh… Bắt đầu từ đây, quân dân Thủ Dầu Một, muôn người như một sục sôi khí thế cách mạng, chung một niềm tin ngày vui đại thắng sắp đến gần.

 Để chuẩn bị cho trận quyết chiến cuối cùng, chấp hành sự chỉ đạo của tỉnh, từ đầu tháng 1 đến cuối tháng 4-1975, xưởng quân giới của tỉnh đã tập trung sản xuất được 1.200 quả lựu đạn, 1.300 thủ pháo hơi, 700 lựu đạn gài, 39 bọc phá sào, 170 mìn chống tăng, 70 mìn ĐH 10,… bổ sung kịp thời nguồn vũ khí cho các đơn vị chiến đấu. Phong trào sưu tầm bom, trái lép làm vũ khí tự tạo vẫn được duy trì ở các huyện với khí thế rất tích cực, tất cả cho quyết tâm giải phóng miền Nam.

Bài 10: Một ngày bằng 20 năm…

KIẾN GIANG – CAO SƠN