Về giá SGK,ộtrưởket qua sagan tosu Bộ trưởng cho biết, ngày 28/11/2014, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 88 về đổi mới chương trình SGK, giáo dục phổ thông là thực hiện xã hội hóa việc biên soạn SGK.
Theo Nghị quyết này thì công việc biên soạn SGK đã được thực hiện theo xã hội hóa. Các DN thực hiện kê khai giá với Bộ Tài chính trước khi xuất bản, phát hành.
Bộ trưởng bày tỏ, với mong muốn học sinh luôn được mua SGK giá thấp nhất thì từ góc độ quản lý và chuyên môn, Bộ đã chỉ đạo các NXB thực hiện nghiêm các biện pháp để xuất bản sách sao cho sách có thể sử dụng lại được nhiều lần, các bộ sách xuất bản mới theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã thực hiện đầy đủ điều này.
Bộ trưởng cũng cho hay, theo Thông tư 33 được sửa đổi một số nội dung bằng Thông tư số 05 cũng đã quy định cấu trúc và nội dung SGK phải phù hợp với tiêu chuẩn SGK về xuất bản phẩm. Quá trình thẩm định sách thì các hội đồng thẩm định đã yêu cầu các nhóm tác giả điều chỉnh những phần quá dài, lạm dụng hình ảnh…
Hiện Bộ GD-ĐT đang chỉ đạo chuẩn bị ban hành thông tư quy định tiêu chí, quy chuẩn riêng về SGK để điều tiết việc này một cách cụ thể và có hiệu quả hơn.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, Bộ đã nhiều lần ban hành văn bản chỉ đạo NXB Giáo dục cần thực hiện tiết kiệm tối đa, cắt giảm các khoản chi phí trung gian để giảm chi phí quản lý, chi phí bán hàng cũng như các chi phí khác nhằm đảm bảo giá SGK được thấp nhất.
Bộ đã chỉ đạo NXB thực hiện đồng bộ và hiệu quả các giải pháp về cung cấp SGK cho học sinh là các đối tượng chính sách xã hội, học sinh các vùng; đã chỉ đạo NXB Giáo dục cung cấp các bản sách dạng PDF miễn phí để học sinh có thể tiếp cận được ngay từ khi sách bắt đầu phát hành.
Bộ trưởng thông tin thêm, đối với NXB Giáo dục là một DN nhà nước do Bộ GD-ĐT quản lý, Bộ đã chỉ đạo NXB tăng cường ứng dụng CNTT, đa dạng hóa các kênh phân phối, giảm chi phí phát hành, đẩy mạnh tái cơ cấu NXB theo hướng tinh gọn bộ máy, nhân sự để tiết giảm tối đa các khâu trung gian.
“Một trong những giải pháp quan trọng, căn cơ mà Bộ đã và đang kiến nghị là Bộ đã có công văn gửi Bộ Tài chính đề nghị Bộ báo cáo Chính phủ và Quốc hội bổ sung SGK vào danh mục hàng hóa được Nhà nước định giá. Việc này Bộ đã đề xuất tại công văn ngày 22/9/2021 và có chính sách trợ giá, thời điểm này Bộ GD-ĐT tiếp tục kiên trì kiến nghị này”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói.
Xây dựng mức học phí và lộ trình tăng học phí phù hợp
Liên quan việc gần đây có nhiều ý kiến của cử tri về học phí gia tăng, Bộ trưởng GD-ĐT lý giải, việc thu học phí từ trường phổ thông đến đại học được quy định trong Nghị định số 81 có hiệu lực từ tháng 10/2021 nhưng chủ yếu được áp dụng cho năm học 2022-2023.
Đối với bậc học phổ thông, chính quyền cấp tỉnh, TP sẽ quyết định mức học phí trong hệ thống phổ thông. Trong Nghị định 81 đã quy định theo vùng miền, có mức trần, mức sàn…, Nghị định cũng nêu các địa phương căn cứ vào tình hình địa phương để quyết định mức học phí cho phù hợp.
Đối với các trường Đại học cũng theo Nghị định 81, tùy theo mức độ tự chủ, nếu trường theo tự chủ một phần hoặc tự chủ chi thường xuyên một phần và tự chủ chi đầu tư thì không được thu học phí quá mức trần được quy định trong Nghị định này. Còn đối với trường đạt chuẩn kiểm định quốc gia và quốc tế thì được phép thu theo định mức kinh tế kỹ thuật do nhà trường tính toán và quyết định, đây là quyền tự chủ của các trường đại học.
Tuy nhiên, căn cứ tình hình ảnh hưởng dịch bệnh và ảnh hưởng KT-XH, năm 2021 Bộ GD-ĐT đã có nhiều lần trao đổi và gửi các công văn tới bộ ngành, địa phương, đề nghị giữ ổn định mức học phí trong tình hình dịch bệnh.
Gần đây nhất, ngày 24/5 Bộ đã có công văn gửi các địa phương và lãnh đạo các trường Đại học nhắc nhở, lưu ý, chỉ đạo các đơn vị về thực hiện các khoản thu trong lĩnh vực GD-ĐT; lưu ý, khuyến cáo các địa phương, các trường căn cứ tình hình thực tế xây dựng mức học phí và lộ trình tăng học phí phù hợp để chia sẻ khó khăn với phụ huynh, học sinh, góp phần bình ổn giá, đảm bảo an sinh xã hội và có chính sách miễn, giảm, giãn thời gian đóng học phí và các khoản thu dịch vụ hỗ trợ trong hoạt động GD-ĐT.
Đồng thời, hỗ trợ SGK cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, vùng sâu vùng xa, miền núi, hải đảo; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát để thực hiện trách nhiệm giải trình với người học, với xã hội về các mức thu và khoản thu, điều này nhắc nhở các địa phương cũng như các trường Đại học thực hiện. Việc công khai mức thu cũng là một trong nội dung cần tiến hành giải trình trước sau.
Về vấn đề tự chủ đại học, Bộ trưởng nêu rõ, qua thời gian thực hiện tự chủ, các trường đại học đã có nhiều diện mạo và sự phát triển mới. Chỉ số xếp hạng giáo dục của Việt Nam so với thế giới đã tăng nhanh. Cụ thể, theo công bố mới, giáo dục Việt Nam đứng thứ 59 trong số các quốc gia trên toàn thế giới, trong đó có sự đóng góp của chỉ số phát triển trong xếp hạng đại học.
Bộ trưởng khẳng định điều này cho thấy chủ trương thực hiện tự chủ đại học là đúng đắn, rất cần thiết, góp phần đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo nước nhà, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao.
Về tình hình triển khai, Bộ trưởng cho biết, trong các nội dung liên quan đến tự chủ đại học, nội dung nhận được nhiều sự quan tâm là việc thành lập, hoạt động các Hội đồng trường. Cho đến thời điểm này trong hệ thống các trường đại học thuộc Bộ GD-ĐT quản lý, 35/35 trường đã thành lập Hội đồng trường và đi vào hoạt động. Hiện nay, trong số gần 200 trường thuộc các Bộ, ngành quản lý và ở các địa phương, vẫn còn 13 cơ sở giáo dục đại học chưa tiến hành thành lập Hội đồng trường. Bộ GD-ĐT đang đốc thúc các bộ, ngành tiếp tục chỉ đạo việc này.
Trong quá trình triển khai hoạt động tự chủ đại học, vẫn còn một số vướng mắc liên quan đến hoạt động Hội đồng trường, trong đó có vướng mắc liên quan đến trách nhiệm của người đứng đầu, việc phối kết hợp hoạt động giữa Hội đồng trường, Chủ tịch Hội đồng, Ban Giám hiệu; việc xử lý các vấn đề phát sinh liên quan đến hoạt động của Hội đồng, Ban giám hiệu; một số công việc tổ chức cán bộ, luân chuyển cán bộ.
Hương Quỳnh
‘Giáo dục mà không có giá trị trung thực, cải cách mấy cũng bằng thừa’Theo đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung, “một xã hội sẽ không phát triển nếu như thiếu nhận thức và không có nền giáo dục tốt, hay giáo dục mà không có giá trị trung thực, có cải cách mấy cũng bằng thừa”.