Cử tri bỏ phiếu tại khu vực bỏ phiếu số 4,ìnlạinămQuốchộinăngđộngđổimớihànhđộngvìdâfcb8 cc phường Vĩnh Phúc, Quận Ba Đình, Hà Nội. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)
Ngày 23/5/2021 là một dấu mốc lịch sử khi hơn 80 nghìn khu vực bỏ phiếu trong cả nước đã trọng thể tổ chức lễ chào cờ và các thủ tục cần thiết, mở đầu cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
Với ý thức thực hiện quyền và nghĩa vụ của công dân, gần 70 triệu cử tri cả nước đã bầu ra 499 đại biểu Quốc hội khóa XV; 3.721 đại biểu Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh, 22.550 đại biểu Hội đồng Nhân dân cấp huyện và 239.788 đại biểu Hội đồng Nhân dân cấp xã, nhiệm kỳ 2021-2026.
Cuộc bầu cử đã diễn ra dân chủ, đúng luật, an toàn trong bối cảnh cả hệ thống chính trị, toàn dân và toàn quân nỗ lực phòng, chống đại dịch COVID-19.
Tiếp tục xây dựng, củng cố và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa
Nhấn mạnh ý nghĩa đặc biệt quan trọng của cuộc bầu cử lần này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, cuộc bầu cử diễn ra vào thời điểm cả nước ta ra sức thi đua lập thành tích chào mừng thành công của Đại hội XIII của Đảng - một sự kiện chính trị trọng đại của Đảng ta, đất nước ta và dân tộc ta, có ý nghĩa chiến lược đối với sự nghiệp tiếp tục đổi mới toàn diện và đồng bộ, phát triển đất nước nhanh và bền vững hơn trong thời kỳ mới.
Bầu cử là cơ hội để nhân dân ta thực hiện quyền làm chủ của mình thông qua việc lựa chọn, bầu ra những đại biểu tiêu biểu, thật sự có đức, có tài, xứng đáng đại diện cho nhân dân tại Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp.
Đây cũng là dịp để tiếp tục xây dựng, củng cố và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.
Quốc hội và Hội đồng Nhân dân là những cơ quan có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc triển khai các nội dung đã được xác định tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, hiện thực hóa khát vọng xây dựng một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, văn minh, có vị thế xứng đáng trong cộng đồng quốc tế.
Chủ động chuẩn bị mọi mặt cho cuộc bầu cử, ngay từ rất sớm, ngày 20/6/2020, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 45-CT/TW về lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
Xác định 9 nhiệm vụ quan trọng mà các cấp ủy, tổ chức đảng phải lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện, Bộ Chính trị yêu cầu cả hệ thống chính trị tập trung dốc sức chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tổ chức thắng lợi cuộc bầu cử, bảo đảm cuộc bầu cử được tiến hành một cách thật sự dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật, an toàn và tiết kiệm.
Triển khai Chỉ thị số 45, đến trung tuần tháng 1/2021, các cơ quan hữu quan đã hoàn thành việc ban hành các văn bản hướng dẫn liên quan đến cuộc bầu cử. Các ngành, các cấp và các địa phương khẩn trương ban hành các văn bản, kế hoạch, hướng dẫn, tổ chức triển khai công tác bầu cử theo đúng yêu cầu quy định và tiến độ đề ra.
Các lớp tập huấn triển khai công tác bầu cử cũng như kỹ năng, nghiệp vụ công tác bầu cử được tổ chức tại Trung ương và tất cả các địa phương giúp trang bị các kiến thức để đảm bảo công tác tổ chức bầu cử được triển khai đúng quy định pháp luật.
Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 mang một dấu ấn khác biệt so với các cuộc bầu cử trước đây bởi diễn ra trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp. Vượt khó qua muôn vàn khó khăn, khắc phục trở ngại, cả hệ thống chính trị đã khẩn trương triển khai hàng loạt các biện pháp cấp bách để “Ngày hội của toàn dân” diễn ra theo đúng kế hoạch, đảm bảo tuyệt đối an toàn, phòng, chống dịch bệnh.
Hội đồng Bầu cử Quốc gia đã liên tục có các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo để đảm bảo việc triển khai các bước trong công tác chuẩn bị bầu cử không bị gián đoạn. Công tác chỉ đạo, tổ chức bầu cử kết hợp phòng, chống dịch COVID-19 được tăng cường, đảm bảo sức khỏe cho nhân dân từ việc tính toán các phương án tổ chức bầu cử đến tiếp xúc cử tri, hiệp thương và lập danh sách cử tri... Công tác chuẩn bị các điều kiện, cơ sở vật chất và chuẩn bị các phương án bầu cử trong các tình huống khẩn cấp đã được dự lường.
Với quyết tâm chính trị cao, sự chung sức, đồng lòng vượt qua mọi khó khăn, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 thành công rất tốt đẹp. Người dân trong cả nước đã lựa chọn, bầu ra những người xứng đáng, đại diện cho mình tham gia vào cơ quan dân cử.
Quyết liệt hành động vì dân
Đúng như mong chờ, kỳ vọng của nhân dân khi cầm trên tay lá phiếu để lựa chọn bầu ra những đại biểu của dân tham gia vào cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, ngay trong kỳ họp đầu tiên, Quốc hội khóa XV đã thể hiện rõ nét sự đổi mới, linh hoạt để đưa ra các quyết sách kịp thời sát với thực tiễn cuộc sống.
Ngay tại Kỳ họp thứ nhất khi dịch COVID-19 đang diễn biết rất phức tạp, Quốc hội đã chủ động đề xuất, phối hợp chặt chẽ với Chính phủ trình Quốc hội điều chỉnh chương trình thảo luận và bổ sung vào nghị quyết chung của kỳ họp những biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19.
Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)
Chỉ sau hai ngày khi các đại biểu đề xuất, các cơ quan của Quốc hội đã rất quyết liệt và khẩn trương hoàn thành dự thảo Nghị quyết để trình Quốc hội thông qua. Tại phiên bế mạc Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội đã biểu quyết thông qua nghị quyết chung của kỳ họp (Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội) trong đó có bổ sung nội dung phòng, chống dịch COVID-19.
Nghị quyết số nêu rõ: Để ứng phó kịp thời, có hiệu quả với diễn biến phức tạp của tình hình dịch COVID-19, sớm ổn định và kiểm soát dịch bệnh, đưa đất nước trở lại trạng thái “bình thường mới,” Quốc hội tán thành việc Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chủ động, linh hoạt áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 đã thực hiện trong thời gian qua; đồng thời, giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định và chịu trách nhiệm về việc thực hiện một số giải pháp cấp bách trong thời gian tới.
Quyết sách này của Quốc hội đã nhận được sự đồng thuận rất cao của các đại biểu Quốc hội, của cử tri và Nhân dân cả nước. Với quyết định chưa có tiền lệ này, Quốc hội đã một lần nữa cho thấy sự quyết đoán, chung tay, đồng hành trong việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân với Chính phủ và cả hệ thống chính trị.
Sự chủ động của Quốc hội còn được thể hiện qua việc tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội đã tiến hành thảo luận, xem xét báo cáo về công tác phòng, chống dịch COVID-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15.
Trong thời gian Quốc hội không họp nhưng với tinh thần khẩn trương, đồng hành cùng Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức một số phiên họp bất thường để kịp thời ban hành hàng loạt các quyết sách đặc biệt với một số nội dung mang tính lịch sử, lần đầu tiên được áp dụng, góp phần hỗ trợ kịp thời cho cộng đồng doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn, thách thức do tác động của dịch COVID-19.
Đó là Nghị quyết số 268/NQ-UBTVQH15 về việc cho phép Chính phủ ban hành Nghị quyết có một số nội dung khác với quy định của luật để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19; Nghị quyết số 03/2021/UBTVQH15 ngày 24/9/2021 ban hành chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp. Trong đó, Nghị quyết số 03/2021/UBTVQH15 với khoản hỗ trợ khoảng 38.000 tỷ đồng thông qua phát tiền mặt trực tiếp cho người lao động là quyết sách lịch sử lần đầu tiên được quyết định, nhằm góp phần ổn định đời sống nhân dân.
Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã ban hành Nghị quyết số 393/NQ-UBTVQH15 ngày 30/9/2021 về bổ sung dự phòng ngân sách Trung ương từ nguồn cắt giảm, tiết kiệm chi của ngân sách Trung ương năm 2021 để chi cho công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Trên cơ sở Nghị quyết số 30, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ đã khẩn trương xây dựng, ban hành các chính sách về miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, chi hỗ trợ trực tiếp người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn, góp phần từng bước phục hồi sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ đời sống nhân dân và tăng cường nguồn lực ngân sách nhà nước cho phòng, chống dịch.
Những quyết định nhanh và kịp thời của Quốc hội đã thể hiện tinh thần như Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói, đó là "đồng hành, chia sẻ cùng Chính phủ để trong nỗ lực chung của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, chúng ta hỗ trợ được nhanh nhất, kịp thời nhất và có hiệu quả nhất đối với sự khó khăn mà doanh nghiệp người dân đã và đang phải trải qua."
Dù mới trải qua hai kỳ họp của nhiệm kỳ khóa XV, nhưng Quốc hội khóa mới đã để lại dấu ấn trên nhiều phương diện. Đáng chú ý là việc hoàn thành chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội về triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng với 4 nhóm nhiệm vụ giải pháp 107 nội dung đề án trên các lĩnh vực: lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và đổi mới phương thức hoạt động trong 5 năm tới, thể hiện rõ tinh thần “Chủ động, Trí tuệ, Đoàn kết, Đổi mới và Trách nhiệm” của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XV.
Điểm mới và nổi bật trong Chương trình hành động đó là thể hiện tinh thần quyết tâm đổi mới, đề cao tính kỷ luật, kỷ cương trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, đồng thời yêu cầu tính đồng bộ, hiệu quả trong tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế là một trong ba đột phá chiến lược để phát triển đất nước bền vững, được Đảng ta đề ra từ Đại hội XI và tiếp tục được xác định là khâu đột phá trọng tâm ưu tiên hàng đầu trong nhiệm kỳ Đại hội XIII và cho cả giai đoạn 10 năm 2021-2030.
Trên cơ sở đề xuất của Đảng đoàn Quốc hội, lần đầu tiên Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 19/KL-TW về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, đây là cơ sở hết sức quan trọng để Quốc hội và các cơ quan chủ động hơn, vào cuộc từ sớm, từ xa, phối hợp chặt chẽ bảo đảm tiến độ, chất lượng công tác xây dựng pháp luật.
Cũng lần đầu tiên, Hội nghị toàn quốc triển khai công tác giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội được tổ chức nhằm tạo sự thống nhất, chủ động của các cơ quan trong việc triển khai thực hiện chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2022, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội.
Những quyết sách của Quốc hội khóa XV đã đi ngay vào cuộc sống, đồng hành cùng Chính phủ cùng vào cuộc vì tính mạng và sức khỏe của nhân dân. Những đổi mới này đã để lại dấu ấn sâu đậm, khắc họa một Quốc hội năng động, đổi mới, hành động quyết liệt vì dân./.
Theo TTXVN