Sáng qua (8-12),ạckỳhọpthứHĐNDtỉnhkhóaVIIIKinhtếkq barca HĐND tỉnh khóa VIII đã tiến hành khai mạc kỳ họp thứ 18. Tham dự kỳ họp có ông Trần Văn Nam, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; ông Phạm Văn Cành, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; ông Trần Thanh Liêm, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cùng lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ; các vị đại biểu Quốc hội tỉnh; Thường trực HĐND các huyện, thị, thành phố…
Các đại biểu xem xét báo cáo tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 tại hội trường.Ảnh: QUỐC CHIẾN
Tăng trưởng vượt kế hoạch
Phát biểu khai mạc kỳ họp, ông Phạm Văn Cành, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh, đây là kỳ họp thường lệ cuối năm và có ý nghĩa hết sức quan trọng. Tại kỳ họp này, HĐND tỉnh sẽ xem xét, quyết định nhiều nội dung. Trong đó, nội dung quan trọng nhất là đánh giá kết quả tình hình thực hiện phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng bộ máy chính quyền các cấp trong tỉnh năm 2015 và xây dựng kế hoạch cho năm 2016. Bởi năm 2016 là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X. Do đó, việc đề ra và thực hiện thắng lợi các mục tiêu trong năm 2016 có ý nghĩa hết sức quan trọng, tạo tiền đề vững chắc, bảo đảm cho Bình Dương phát triển nhanh, bền vững. UBND tỉnh phải có kế hoạch, giải pháp, lộ trình cụ thể để huy động mọi nguồn lực, phân công, phân cấp rõ ràng để phấn đấu đưa Bình Dương trở thành đô thị loại I, trực thuộc Trung ương trước năm 2020 mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đã đề ra.
Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2015 và phương hướng nhiệm vụ năm 2016, ông Trần Thanh Liêm, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho biết, năm 2015, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn nhưng kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục duy trì mức tăng trưởng cao, đạt được kết quả khá toàn diện. Trong 25 chỉ tiêu đã đề ra có 22 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch; các chỉ tiêu còn lại tuy chưa đạt nhưng vẫn đạt cao hơn so với năm 2014.
Cụ thể, tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) tăng 13,2% (kế hoạch 13%); GRDP bình quân đầu người đạt 73,1 triệu đồng; cơ cấu kinh tế bảo đảm định hướng công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp với tỷ trọng tương ứng là 60% - 37,3% - 2,7%. Kinh tế chuyển dịch đúng hướng, các khó khăn về vốn, thị trường được tháo gỡ đã tạo điều kiện cho ngành công nghiệp phục hồi rõ rệt, trong đó ngành công nghiệp chế biến có mức tăng cao. Chỉ số phát triển công nghiệp (IIP) tăng 10,3%. Giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 217.211 tỷ đồng, tăng 15,8%; trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 14,8% và khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tăng 16,3%. Có 24/27 nhóm mặt hàng sản xuất công nghiệp chủ yếu tăng so với cùng kỳ, trong đó có 13 nhóm tăng trên 10%...
Một trong những điểm sáng nhất trong bức tranh kinh tế của tỉnh năm 2015, đó là thu hút đầu tư tiếp tục gặt hái được những kết quả đáng phấn khởi. Trong năm, tỉnh đã thu hút được 18.242 tỷ đồng vốn đầu tư trong nước, tăng 84% (năm 2014 thu hút 9.925 tỷ đồng), gồm 2.899 lượt doanh nghiệp (DN) đăng ký mới với số vốn 10.538 tỷ đồng và 335 lượt DN tăng vốn với số vốn 7.704 tỷ đồng. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 20.422 DN đăng ký kinh doanh với tổng vốn 148.911 tỷ đồng. Đặc biệt, trong năm 2015 tỉnh đã thu hút được 1,7 tỷ đô la Mỹ vốn đầu tư nước ngoài, tăng 11,1%, trong đó các khu công nghiệp thu hút 1,566 tỷ đô la Mỹ, chiếm 92,1%.
Bảo đảm tốt an sinh xã hội
Song song với nhiệm vụ phát triển kinh tế, tỉnh đã huy động nhiều nguồn lực để chăm lo chu đáo cho các đối tượng chính sách, xã hội, lực lượng vũ trang và công nhân lao động. Chất lượng cuộc sống của nhân dân từng bước được cải thiện và nâng cao. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân có sự chuyển biến tích cực. Giáo dục - đào tạo tiếp tục đạt được những kết quả khả quan. Các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thông tin, tuyên truyền được quan tâm, đặc biệt là các hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn.
Trong năm 2015, tỉnh đã chi khoảng 850 tỷ đồng (trong đó ngân sách địa phương khoảng 520 tỷ đồng) cho hoạt động chăm sóc người có công, các đối tượng chính sách xã hội; xây dựng mới và sửa chữa 275 căn nhà tình nghĩa cho người có công và 122 nhà đại đoàn kết; tặng trang thiết bị thiết yếu cho gia đình chính sách. Tỉnh đã tổ chức trao danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” cho 432 mẹ; thực hiện quyết liệt các giải pháp xóa nghèo theo tiêu chí của tỉnh, đến cuối năm 2015, số hộ nghèo còn 1.832 hộ, chiếm 0,64% và hộ cận nghèo là 4.027 hộ, chiếm 1,4%.
Phấn đấu tăng trưởng kinh tế cao hơn
Ông Trần Thanh Liêm, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho biết, trên cơ sở phân tích những kết quả đạt được và khó khăn, tồn tại của năm 2015 và căn cứ mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X, UBND tỉnh xác định mục tiêu tổng quát cho năm 2015 là: Bảo đảm ổn định kinh tế, phấn đấu tăng trưởng kinh tế năm 2016 cao hơn năm 2015; đẩy mạnh thực hiện các chương trình hành động của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X; cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng phát triển nhanh và bền vững, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh; tiếp tục hoàn thiện hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội, phát triển đô thị - dịch vụ; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý hiệu quả tài nguyên và bảo vệ môi trường; đẩy mạnh chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; thực hiện quyết liệt các giải pháp xóa nghèo bền vững theo tiêu chí mới của tỉnh; bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, văn hóa và tinh thần của nhân dân; tăng cường quốc phòng - an ninh, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; đẩy mạnh cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại.
UBND tỉnh đã đề ra định hướng phát triển cho từng ngành, lĩnh vực. Về kinh tế, sẽ tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của sản xuất công nghiệp; khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp phục vụ nông nghiệp và kinh tế nông thôn; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và triển khai các hoạt động thu hút đầu tư sau khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có hiệu lực; tăng cường thu hút đầu tư theo đúng định hướng và quy hoạch của tỉnh; hạn chế việc cấp phép đầu tư ngoài khu công nghiệp; tiếp tục vận động chuyển đổi công năng một phần diện tích các khu, cụm công nghiệp phía nam của tỉnh để phát triển dịch vụ - thương mại.
Song song đó, tỉnh sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển nhanh các ngành dịch vụ, nhất là các ngành có lợi thế, có công nghệ và giá trị gia tăng cao, đặc biệt là các dịch vụ hỗ trợ sản xuất công nghiệp; kêu gọi đầu tư xây dựng, hoàn thiện hệ thống chợ, siêu thị, trung tâm thương mại theo quy hoạch gắn với sắp xếp lại trật tự các chợ, bảo đảm mỹ quan đô thị; phát huy hiệu quả chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; tăng cường công tác quản lý thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, đầu cơ nâng giá để bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng và tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng; đẩy mạnh xúc tiến thương mại mở rộng thị trường xuất khẩu, thị trường trong nước để tiêu thụ hàng hóa, tiếp tục duy trì thế mạnh xuất siêu.
Tỉnh sẽ huy động hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho phát triển, ưu tiên vốn đầu tư cho các công trình trọng điểm, xây dựng và thực hiện tốt Chương trình phát triển đô thị Bình Dương giai đoạn 2016-2020 gắn với quy hoạch chung phát triển đô thị; quản lý chặt chẽ việc đầu tư khu dân cư, đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội...
Trong năm 2016, UBND tỉnh đề ra mục tiêu tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) tăng 8,2%; cơ cấu kinh tế: Công nghiệp (63,2%), dịch vụ (23,3%), nông nghiệp (4,3%); GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 108,3 triệu đồng/năm; chỉ số phát triển công nghiệp (IIP) tăng 8,7%; kim ngạch xuất khẩu tăng 16,5%; tổng thu ngân sách đạt 39.000 tỷ đồng; thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trên 1,4 tỷ đô la Mỹ; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội tăng 11,3%...