Phong Điệp: Nhiều bạn trẻ viết một cuốn đã định vị mình là nhà văn_bảng xếp hạng bóng đá vô địch quốc gia tây ban nha
-Bắt đầu tìm ý tưởng sáng tác hay khi kết thúc chương cuối của một tác phẩm, thời điểm nào là khó khăn hơn, theo chị?
Đối với những người lựa chọn văn chương một cách chuyên nghiệp việc tìm ý tưởng, triển khai và quá trình hoàn thành tác phẩm thể hiện thái độ luôn sẵn sàng của người cầm bút. Cần quyết liệt theo đuổi câu chuyện mình mong muốn chia sẻ với độc giả.
Có đề tài mình nghĩ rất “chín” rồi, chắc mẩm ngồi vào bàn sẽ viết ra suôn sẻ, thế nhưng sự chi phối của cảm xúc hay cách phát triển ý tưởng trong quá trình viết lại không giống như suy nghĩ ban đầu, đôi khi dẫn đến bế tắc, ngoài tầm kiểm soát của chính tác giả. Có không ít tác phẩm tôi đang viết phải dừng lại, hoặc gần “về đích” lại có cảm giác hụt hơi, cạn nguồn năng lượng và nhiệt huyết ban đầu. Mỗi lúc khó khăn lại hiện diện theo những cách rất khác nhau trong quá trình sáng tạo của nhà văn, đòi hỏi sự bền bỉ và quyết tâm cao độ.
-Sở trường sáng tác của chị là thể loại hư cấu hay phi hư cấu?
Tôi thấy hợp với thể loại phi hư cấu. Theo nghề báo đến nay đã hơn 25 năm, tôi có điều kiện đi đến nhiều vùng đất, gặp gỡ các nhân vật và lắng nghe nhiều câu chuyện. Thực tế đời sống vô cùng phong phú với những chất liệu ngồn ngồn, sinh động mà nếu không đưa được những điều đó vào các sáng tác của mình, tôi thấy thật có lỗi.
- Chị “tận hiến” cho tiểu thuyết, truyện ngắn, bài phê bình, đối thoại văn học nên dè dặt với tản văn?
Viết phê bình tiểu luận là công việc thường xuyên của tôi với tư cách là một nhà báo chuyên theo dõi mảng văn học suốt gần 30 năm. Tôi cũng chưa bao giờ dè dặt với tản văn. Tôi xin thú thật mình yêu tất cả các thể loại, từ tản văn, truyện ngắn đến tiểu thuyết. Rất khó phân định tình yêu nào lớn hơn.
Tản văn giúp tôi sống thật, nghĩ thật và viết thật về những suy nghĩ, trăn trở, những rung động trong cuộc sống thường nhật. Mỗi lần viết tản văn, tôi như rút ruột rút gan tái hiện từng câu chữ để chia sẻ mọi cung bậc cảm xúc, ngẫm ngợi suy tư với độc giả. Tôi coi như là những trang nhật ký về đời sống của chính mình.
Còn viết tiểu thuyết giống như một “cuộc chiến”, “một trận đánh lớn” mà mỗi nhà văn đều muốn thử sức. Ngay khi bắt đầu một cuốn tiểu thuyết mỗi người viết phải huy động vốn sống, kiến thức và rất nhiều cảm xúc. Tiểu thuyết thể hiện rõ nhất bút lực của người viết. Áp lực lớn nhưng khi hoàn thành cực kỳ hạnh phúc. Như cuốn Ga ký ứctôi viết ròng rã trong 2 năm nhưng không hề có cảm giác mệt mỏi. Tiểu thuyếtCuốn sổ máumới nhất cũng mất hơn 1 năm để hoàn thiện. Quá trình sáng tác một cuốn tiểu thuyết đối với tôi là vừa đọc, vừa học vừa điều chỉnh, vừa bổ sung làm dày lên những trang viết bằng chi tiết, các tình huống truyện, bằng độ mở của không gian trong tác phẩm và các tuyến nhân vật… khiến mình say lắm!
Truyện ngắn lại là những lát cắt của đời sống. Mỗi ngày bước chân ra đường đều bắt gặp các số phận mà câu chuyện về cuộc đời của họ tác động rất nhiều đến suy nghĩ, cảm xúc của tôi. Nếu không viết thì những câu chuyện đó, những số phận đó sẽ bị trôi qua mất, phí hoài lắm! Tôi luôn tự lập ra các dự án viết đan xen từ tiểu thuyết, truyện ngắn, tản văn đến bài tiểu luận, phê bình để không bỏ lỡ bất cứ điều gì. Nhân vật nào đã đi qua “cung đàn cảm xúc” của mình đều lắng lại, được khai thác và trở thành chất liệu sáng tác phù hợp.
-Tiểu thuyết tâm lý hình sự ‘Cuốn sổ máu’ mới ra mắt được chị thai nghén từ một truyện ngắn?
Năm 2016, tôi viết truyện ngắn Người xa lạđăng trên báo Văn nghệ. Mỗi khi kết thúc câu chuyện nhà văn sẽ buộc phải “chia tay” nhân vật để tìm đến những câu chuyện mới, những nhân vật mới. Vậy mà không hiểu sao, với nhân vật Phượng trongNgười xa lạ, tôi không thể nào dứt ra được, cô ấy cứ hiển hiện trong tâm trí mỗi ngày, vẫn muốn nói điều gì đó với tôi, vẫn gửi cho tôi tín hiệu về việc muốn tiếp tục được đồng hành. Cuối cùng tôi quyết định sẽ đi tiếp với Phượng ở một tác phẩm mới.
Đó là lý do tôi xây dựng nênCuốn sổ máu để Phượng nhận nhiệm vụ dẫn dắt độc giả xuyên suốt tác phẩm. Tôi lựa chọn một vụ thảm sát gây xôn xao dư luận trong đó Phượng vô tình là một nạn nhân bất đắc dĩ, nhưng cũng đầy oan nghiệt. Từ đó giải mã số phận các nhân vật liên quan.
- Sau cuốn tiểu thuyết Blogger được dịch sang tiếng Pháp, một số truyện ngắn được dịch và xuất bản ở Trung Quốc, Nga, Mỹ. Chị muốn chinh phục độc giả quốc tế bằng những tác phẩm nào?
Năm 2014, khi đến một hiệu sách khá nổi tiếng ở Pháp, tôi thấy những cuốn sách liên quan đến Việt Nam hiện diện trong đó hầu hết viết về chiến tranh. Nhiều bạn bè quốc tế rất thiếu thông tin về văn học đương đại của chúng ta. Thậm chí trong một buổi giao lưu, có độc giả đặt câu hỏi: “Ở Việt Nam còn chiến tranh không?”.
Khoảng 15 năm qua, việc quảng bá văn học Việt Nam ở nước ngoài đã được quan tâm như Hội nhà văn tổ chức các hội nghị quảng bá văn học Việt Nam, thành lập Trung tâm dịch thuật. Cùng với đó, một số nhà văn sử dụng kênh cá nhân để kết nối với các tổ chức hiệp hội, NXB nước ngoài để đưa nhiều tác phẩm văn học Việt Nam ra nước ngoài như Hồ Anh Thái, Nguyễn Quang Thiều… Song hiệu quả đến nay vẫn khá khiêm tốn so với thành tựu văn học của một quốc gia.
Theo tôi, cần một chiến lược bài bản từ phía Nhà nước, hội nghề nghiệp. Chúng ta cần những dự án dài hơi để giới thiệu các tác phẩm văn học đương đại phản ánh sự chuyển động của xã hội Việt Nam ra cộng đồng quốc tế.
- Chị đánh giá thế nào về các nhà văn trẻ?
Mới đây, tôi có dịp gặp gỡ những nhà văn có đam mê viết trinh thám, họ thuộc thế hệ GenZ thông minh, hiểu biết và đặc biệt rất chủ động, tự tin trong việc học hỏi cũng như tạo dựng hình ảnh, xây dựng thương hiệu.
Không như những tác giả 7X trước kia có tâm lý rụt rè, rón rén viết rồi hồi hộp chờ đợi xem bài có được đăng không, lắng nghe mọi người góp ý ra sao. Nền tảng tri thức của các nhà văn trẻ rất tốt, định hướng nghề nghiệp rõ ràng. Thời của tôi kể cả đã xuất bản được 1-2 cuốn vẫn bẽn lẽn lắm, không dám nhận là nhà văn. Song hiện nay, nhiều bạn viết 1 cuốn đã định vị mình là nhà văn, điều này khá thú vị bởi họ tự tạo ra áp lực mang theo sứ mệnh của người cầm bút chuyên nghiệp phải đóng góp thế nào cho cộng đồng để phấn đấu.
Tôi khá ấn tượng với những tác giả trẻ giỏi giang và năng động như: Đinh Phương, Phan Đức Lộc, Tống Phước Bảo, Đức Anh, Phát Dương, Thục Linh…
-Ranh giới giữa đời sống thực của nhà văn với đời sống của các nhân vật mà họ tạo dựng nên đôi khi bị xóa nhòa, chị có nghĩ như vậy không?
Khi viết, tôi thực sự hóa thân vào các nhân vật. Có lúc tự thấy những hành động của bản thân cực kỳ “kinh khủng”: vui buồn thất thường, nói năng như “người trên trời”, kiểu như bị “thoát hồn” không thể hòa nhập vào cuộc sống thực tế, cứ thả mình chìm đắm vào thế giới nội tâm, hành động của nhân vật. Thậm chí, nhiều lúc tôi quên ăn quên uống, không có nhu cầu giao tiếp với ai bởi nếu làm vậy mình phải phân tâm để trở về “mặt đất”, trở lại làm bà mẹ tất bật, bà vợ cáu kỉnh (cười).
Bởi vậy, khi sáng tác nhà văn phải nỗ lực thật nhiều, thu xếp công việc riêng để không bị chồng lấn. Đặc biệt là rất cần sự thông cảm và thấu hiểu của những người xung quanh. May mắn là ông xã tôi dù làm ở lĩnh vực không liên quan gì đến viết lách nhưng rất tôn trọng và chia sẻ với công việc của vợ. Chồng thì duy lý, vợ lại duy tình, chính điều này giúp gia đình thiết lập được sự cân bằng cần thiết. Nếu không có ông xã tính toán xoay xở chắc mọi thứ ở nhà tôi sẽ đảo lộn hết mất thôi!
Tôi có hai con gái. Ngay khi các con bắt đầu có nhận thức, tư duy cá nhân tôi đã chia sẻ cởi mở về công việc sáng tạo của mình, kể cả những sự “bất bình thường” khi thăng hoa cùng nhân vật để các con hiểu và hỗ trợ mẹ khi cần. Chính vì vậy khi tôi tập trung viết, các con hầu như không bao giờ làm phiền. Tôi hạnh phúc khi nhận được sự đồng cảm, chia sẻ và tạo điều kiện của những người thân yêu.
-Phụ nữ tuổi Bính Thìn mạnh mẽ, quyết liệt trong cuộc sống nhưng giàu tình cảm, chị nghĩ sao về điều này?
Xét từ chính con người mình và một số bạn bè tuổi Bính Thìn (1976), tôi thấy phụ nữ tuổi này giàu cảm xúc nhưng rất mạnh mẽ. Lúc cần dịu dàng họ thể hiện nét nữ tính đặc trưng nhưng trong công việc cũng khá quyết liệt, sẵn sàng làm tới cùng, thực hiện bằng được mục tiêu đặt ra với tinh thần trách nhiệm cao, thể hiện cá tính và lòng tự trọng.
Năm 2024 cũng là năm con Rồng - Giáp Thìn, xin chúc độc giả VietNamNet một năm mới tràn đầy niềm vui và sự hứng khởi.