Những cái Tết thời thơ ấu,àihọctừmùaxuâwolfsburg – stuttgart bố đi xuất khẩu lao động, mẹ con thường kéo nhau về nhà ông bà ăn Tết. Và không biết tự lúc nào, những đứa trẻ nửa quê nửa phố như tôi vẫn thường so sánh khá thú vị về tết quê và phố. Chẳng hiểu vì lí do gì mà lòng mình vẫn nghiêng hẳn ân tình về vùng quê.
Tết quê. Từ 27 Tết, ông ngoại đã ra sân chặt cành đào vào hun khói. Mùi khói củi gặp mùi nhựa cây thành một thứ mùi hanh hao, ngai ngái bay lên theo khói dày bện trong sương sớm. Gốc đào ấy cách đây vài năm cậu tôi lên tận Tân Kì, cách nhà vài chục cây, để chọn. Sau mỗi mùa Tết lại cắm cành đào xuống đất, giờ đã thành một hàng đào lớn bé đơm hoa trước ngõ.
Có lần, tôi thắc mắc khi nhìn dòng nhựa vẫn chảy ròng ròng trên thân, cành đã bị hun ngay vào lửa nóng: “Ông à, cành đào này đau lắm phải không? Nó vừa xa mẹ đã phải chịu đau thế này…”. Ở tuổi lên 5 lên 6, trong mắt nhiều đứa nhỏ, mỗi cành cây, mỗi con vật cũng giống như con người biết đau, biết mừng, biết sợ,…
Ông giải thích: “Phải hun, gốc cây mới giữ được nhựa, dinh dưỡng và có sức đâm chồi nảy lộc khi trồng xuống đất. Năm sau cây đào này sẽ thành cây mẹ, sẽ có những đứa con khỏe mạnh và dũng cảm. Cháu gái nhớ nhé, trong nhiều hoàn cảnh, biết chấp nhận sự khắc nghiệt sẽ trưởng thành hơn…”.
Ở tuổi ấy, tôi chưa hiểu được nhiều điều ông nói. Nhưng mỗi mùa xuân qua, nhìn những cành đào đã đâm rễ thành cây trước sân, những người hàng xóm, họ hàng được ông tặng một cành nhỏ mang về, tôi thấy lòng mình ấm lạ.
Tết quê. Nhớ những buổi mai tinh sương, mưa phùn và sương mai cuốn theo nhau rắc xuống như tơ trời. Trong nàn tơ mảnh mềm ấy, những nụ hồng nhung đỏ thẫm vừa hé nở ngoài vườn.
Chị Mun – con bác tôi – nói: “Hôm nay hồng nhung nở nhiều”. Chị vẫn nằm trong chăn ấm, chỉ hít hà mà như đã nhìn thấy cả khu vườn vậy. Sáng nào chị nói hồng bạch nở nhiều, thược dược nở nhiều… là y như rằng loài hoa ấy đua nở. Chị Nhung khiến tôi ngạc nhiên xen lẫn cảm phục.
Chị Mun dẫn tôi đi dọc những con đường đất ẩm mềm. Chị ngắt cho tôi một chùm hoa bưởi. Chị chỉ cho tôi cách phân biệt mùi hoa bưởi với hoa cau. Chị đọc cho tôi nghe bài thơ “Hương thầm” rất hay về loài hoa này. Hầu như với loài hoa nào, chị đều ghi nhớ những bài thơ, bài hát về chúng.
Chị Mun học lớp 7, còn tôi chưa đi học, nên dĩ nhiên tôi ngưỡng mộ chị tuyệt đối. Nhờ chị, chỉ sau một cái tết, tôi có thể phân biệt được vài loài hoa quanh mình. Từ những hương thơm gần gũi và dễ phát hiện như hồng bạch – hồng nhung, cau – bưởi, cho tới những loại hoa thi thoảng mới gặp và hương dịu tới đỗi rất khó nhận ra như hoa táo, hoa cải… Đúng như chị Mun nói, mỗi loài hoa đều có ngôn ngữ riêng, đó là hương thơm.
Tết quê. Năm cả làng vẫn còn đốt pháo. Nửa đêm có bà mẹ khóc gào chạy đến tìm ông: “Ông ơi, ông cứu cháu với, nó bị pháo nổ banh bụng”. Ông là bác sĩ, trạm trưởng y tế xã. Mới vừa qua giao thừa, vừa thắp nhang bàn thờ tổ tiên và chưa kịp ăn lót dạ, ông đã lục túi xách đồ nghề chạy theo bà Chắt Hoan.
Cậu tôi lúc ấy còn là sinh viên trường y theo ông phụ giúp. Tới tận sáng mai ông mới trở về, mệt nhoài sau ca bệnh nặng. Áo còn dính loang vệt máu khô. Bà ngoại thở dài: “Mất cả cái tết. Đầu năm chưa chi ông đã dính máu me thế này…”.
Ông cười: “Bà hay nhỉ, đầu năm làm điều tốt đẹp thì cả năm tốt đẹp chứ”. Ở ông, chị em tôi luôn học được sự hi sinh, yêu lao động và cách nhìn về hướng tích cực.
Tết quê. Ông thường bắt hai chị em ghi chép những điều mới vào cuốn sổ be bé ông tự đóng. Ông đã viết lên bìa cuốn sổ ấy dòng chữ “Những bài học từ mùa xuân”.
Chẳng biết dựa vào đâu, nhưng ông nói thời khắc sáng mùng một rất quan trọng. Vui buồn của tháng ấy sẽ theo mình suốt năm. Chúng tôi tin vào điều đó lắm.
Sáng mùng một lại mở sổ ra chép một bài thơ rồi ghi lại những điều thú vị trong những ngày ấm nồng vị Tết quê. Có lần mở ra, hai chị em cùng hớn hở khi có nhiều trang viết về ông trong sổ của mình.
Mà rồi, những ấm nồng vị Tết quê đâu chỉ nằm mãi trong cuốn sổ ấy. Đúng như ông nói, nó theo mình suốt năm.
Rồi từ năm này qua năm khác cũng như mùa xuân này qua thì xuân sau sẽ tới. Cả khi lớn, nhắm mắt lại vẫn nhớ như in những bài học vô cùng dễ thương ghi dấu trong tâm hồn về một thời sâu sắc nhất.
(TheoVinh Na/ Báo Phụ nữ Việt Nam)