Lật lại vụ ám sát 'Tâm hồn vĩ đại' Mahatma Gandhi của Ấn Độ_leipzig đấu với augsburg
Mahatma Gandhi (1869 - 1948) có tên đầy đủ là Mohandas Karamchand Gandhi. Ông là nhà hoạt động chính trị nổi tiếng và được tôn vinh là “Mahatma” (“Tâm hồn vĩ đại” theo tiếng Phạn) nhờ đóng góp to lớn vào thành công của cuộc đấu tranh giành độc lập cho tiểu lục địa Ấn Độ khỏi ách thống trị của thực dân Anh năm 1947.
Ngày 14/8/1947, khi người Anh chính thức rời đi, tiểu lục địa Ấn Độ bị chia tách thành hai quốc gia độc lập là Ấn Độ và Pakistan. Ban đầu, ông Gandhi đã hy vọng các cộng đồng tôn giáo khác nhau có thể chung sống hòa bình như trước kia.
Tuy nhiên, sau khi chia tách, hàng triệu người Hồi giáo đi về phía tây và đông, đến vùng lãnh thổ là Pakistan ngày nay, còn hàng triệu người Hindu (Ấn Độ giáo) và Sikh di cư về hướng ngược lại, tạo lập Ấn Độ ngày nay. Trên hành trình này, các tín đồ Hồi giáo và Ấn Độ giáo ngày càng mâu thuẫn và bạo lực đẫm máu đã xảy ra.
Trong bối cảnh đó, ông Gandhi, một người suốt đời tôn thờ học thuyết đấu tranh bất bạo động và khoan dung tôn giáo, bắt đầu tuyệt thực và đến thăm các khu vực bất ổn ở Ấn Độ nhằm vận động đoàn kết và chấm dứt xung đột. Song, biến cố bất ngờ đã chấm dứt tất cả những nỗ lực này.
Vào ngày định mệnh 30/1/1948, ông Gandhi đang có mặt ở New Delhi. Lúc 16h30, ông chuẩn bị đi tới một lễ cầu nguyện với sự trợ giúp của hai cháu gái, vì bản thân rất yếu do nhiều năm tuyệt thực. Khi ai đó cất tiếng chào, ông Gandhi quay lại để chắp tay đáp lễ. Đúng lúc đó, một nam giới đột ngột tách ra khỏi đám đông, tiến lại gần rồi nã 3 phát đạn vào ông. Ông Gandhi đổ gục tại chỗ do trúng đạn vào bụng và ngực. Ông qua đời lúc 17h45 ở tuổi 78.
Thông tin về vụ ám sát lãnh tụ chính trị và tinh thần của Ấn Độ đã gây rúng động khắp thế giới. Nguyên thủ của nhiều nước đã gửi điện chia buồn đến Ấn Độ, bày tỏ sự tiếc thương “một con người vĩ đại giữa bao người”, “một vị thánh”, “một vĩ nhân không thể thay thế”.
Quay trở lại hiện trường vụ án, thủ phạm hạ sát ông Gandhi đã bị bắt giữ ngay tại chỗ cùng vũ khí. Nhà chức trách xác định hắn là Narayan Vinayak Godse, 36 tuổi, một tín đồ Ấn Độ giáo cực đoan đến từ Poona.
Chịu ảnh hưởng của những tư tưởng phân biệt sắc tộc, tôn giáo từ Savarkar, một tín đồ Ấn Độ giáo cực đoan, Godse căm ghét ông Gandhi cực độ. Hắn tin việc ông Gandhi ủng hộ người Hồi giáo thiểu số tại Ấn Độ sẽ mang đến tai họa cho người theo đạo Hindu.
Quá trình điều tra và xét xử vụ án kéo dài 2 năm sau đó. Tổng cộng có 12 người bị truy tố vì các tội danh âm mưu giết người và giết người. Cuối cùng, 9 nghi phạm gồm Godse, Narayan Apte, Vishnu Karkare, Digambar Badge, Madanlal Pahwa, Shankar Kistayya, Gopal Godse, Vinayak Savarkar và Dattatraya Parchure phải hầu tòa, trong khi 3 nghi phạm còn lại bỏ trốn.
Quá trình xét xử diễn ra tại Tòa án đặc biệt ở Red Fort, New Delhi. Sau khi nghe đọc bản cáo trạng và các cáo buộc, Godse đã yêu cầu được tự biện hộ cho mình và được chánh án chấp thuận. Song, điều bất ngờ là hắn từ chối cung cấp bằng chứng bảo vệ bản thân, thay vào đó đọc bản tuyên bố dài 92 trang, khẳng định một mình chịu trách nhiệm về toàn bộ vụ ám sát ông Gandhi.
Suốt 9 giờ tại toà, Godse công kích những nguyên tắc và giá trị của ông Gandhi. Hắn cho rằng, phong trào bất bạo động của ông Gandhi là “một phần trong âm mưu khiến người Ấn Độ giáo bị người Hồi giáo tàn sát”. Godse không hề tỏ ra hối hận vì sát hại "Tâm hồn vĩ đại" của Ấn Độ. Việc nộp đơn xin ân xá cũng do gia đình của hắn nộp thay.
Cuối cùng, toà tuyên án tử hình đối với Godse và đồng phạm Apte. Hai tên này bị treo cổ tại nhà tù Ambala vào ngày 15/11/1949.
Tuy nhiên, lực lượng hành pháp của Ấn Độ đã phải đối mặt chỉ trích vì nhiều ý kiến cho rằng vụ ám sát ông Gandhi vẫn có thể ngăn chặn được nếu các vụ tấn công nhằm vào ông trước đó được điều tra kỹ lưỡng.
Thực tế, 10 ngày trước vụ ám sát, vào tối 20/1/1948 đã xảy ra một vụ nổ gần bức tường rào của tòa nhà Birla, nơi ông Gandhi lưu trú và tổ chức các buổi cầu nguyện. Ban đầu, nhà chức trách nghĩ sự cố không nhằm vào ông Gandhi vì bom nổ cách nơi ông ngồi hơn 45 mét.
Thủ phạm gây nổ là Madanlal Pahwa, một tín đồ Hindu tị nạn tới từ Pakistan. Tuy hắn đã khai có đồng phạm trong âm mưu bất thành và bỏ trốn, nhưng cảnh sát không chú trọng đến chi tiết này và cũng không thể bắt giữ hắn. Về sau, các nhà điều tra mới phát hiện, vụ nổ là một phần của âm mưu sát hại ông Gandhi và Godse chính là một trong các đồng phạm của Pahwa đã “cao chạy, xa bay” trước khi ra tay lần thứ 2.
Thúy Quỳnh
Mahatma Gandhi và 'Hành trình Muối' vĩ đại
Ngày 12/3/1930, Mahatma Gandhi và một nhóm những người ủng hộ đã bắt đầu cuộc Hành trình Muối (Salt March) kéo dài gần 400km qua phía tây Ấn Độ.